Tệ nạn xã hội không ngừng tăng

Số người nghiện ma túy trên địa bàn TP có hồ sơ quản lý không ngừng tăng. Số người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp (ma túy đá) có chiều hướng diễn biến phức tạp...

Ngày 28-5, đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm tại TPHCM.

Tham dự có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB-XH, đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế và các sở, ngành liên quan trên địa bàn TPHCM.

Tệ nạn xã hội không ngừng tăng ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc với UBND TPHCM

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP, số người nghiện ma túy trên địa bàn TP có hồ sơ quản lý không ngừng tăng. Số người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp (ma túy đá) có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Số đối tượng sử dụng ma túy có tiền án tiền sự tăng, nhiều đối tượng sử dụng ma túy sau đó gây ra các loại án xâm phạm nhân thân, xâm phạm sở hữu với tính chất liều lĩnh, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn TP cũng như công tác quản lý, điều trị cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy.

Tính đến nay, tổng số người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP đã thực hiện cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng là 4.286 người (cai nghiện tự nguyện tại gia đình: 1.248 người, cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng: 694 người, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng: 2.344 người).

Trong quá trình quản lý cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng đã giảm 2.915 người do đã hoàn thành thời gian cai nghiện, tử vong, chuyển địa phương khác sinh sống…Hiện còn 1.371 người đang thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động mại dâm trên địa bàn TP vẫn còn diễn biến khá phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, biểu hiện dưới nhiều hình thức kinh doanh núp bóng, trá hình như: kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê, hớt tóc thanh nữ, massage, karaoke…

Việc lợi dụng các trang mạng xã hội, mạng internet để môi giới, giới thiệu mua bán dâm, hoạt động câu đón khách mua dâm lưu động ở nơi công cộng và tệ nạn mại dâm nam vẫn còn diễn biến phức tạp; vẫn tồn tại và phát sinh việc câu kéo khách (kể cả tại vùng ven) bằng các hành vi khiêu dâm, kích dục tại các điểm kinh doanh quán cà phê, tiệm hớt tóc, gội đầu, xông hơi, cạo gió giác hơi, spa..

Qua kết quả rà soát của các quận, huyện, tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn TP có khoảng 10.231 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, trong đó có 601 cơ sở nghi vấn hoạt động mại dâm, 956 cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện nghi vấn hoạt động khiêu dâm, kích dục với khoảng 4.199 nhân viên, tiếp viên.

Cũng theo ông ông Huỳnh Thanh Khiết, tình hình lây nhiễm HIV trên các nhóm đối tượng nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, mại dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới) tuy có giảm trong những năm qua nhưng vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng nhẹ qua lây nhiễm bằng đường tình dục (trên nhóm phụ nữ mại dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới).

Ước tính năm 2017, TP phát hiện 5.864 trường hợp nhiễm mới HIV, trong đó 1.754 trường hợp có hộ khẩu tại TPHCM; 4.110 trường hợp hộ khẩu tại các tỉnh, thành phố khác; 230 trường hợp tử vong do AIDS.

Lũy tích đến hết năm 2017, TP phát hiện 57.850 trường hợp nhiễm HIV, có 10.393 trường hợp tử vong do AIDS, số người nhiễm HIV còn sống là 47.457.

Ở 24 quận, huyện của TP đều có người nhiễm HIV/AIDS, chiếm 23% toàn quốc. Trong đó tỷ lệ bệnh nhân là nam giới chiếm trên 76%, tập trung ở độ tuổi 30 đến 40.

Tệ nạn xã hội không ngừng tăng ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm cơ sở xã hội Nhị Xuân
Công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma túy, mại dâm trên địa bàn TP luôn được lãnh đạo TP quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, liên tục và quyết liệt. Hệ thống chính trị, Bảo hiểm Xã hội TP, hệ thống y tế (từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn…) luôn nỗ lực phối hợp cùng vận động, tham mưu, xây dựng hành lang pháp lý trong việc điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân được duy trì điều trị liên tục,...
Tuy nhiên, đến nay công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên, sâu rộng và cụ thể trong nhân dân, nên một bộ phận người dân còn chủ quan, sơ hở, mất cảnh giác tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho rằng, nan giải nhất vẫn là tình trạng tái nghiện ở tỷ lệ cao. TP sẽ xem lại quy trình cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng bởi sau thời gian cắt cơn người nghiện trở về với gia đình, cộng đồng thì chưa đủ để quên ma túy, rơi vào tái nghiện.

Để giải quyết triệt để vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, TPHCM cần có biện pháp mạnh mẽ hơn, các cơ sở cai nghiện ma túy cần có giải pháp về nhân lực, thực hiện tốt mục tiêu 90 - 90 – 90 của Liên Hợp quốc (90% người nhiễm biết được tình trạng nhiễm - 90% người nhiễm được điều trị bằng thuốc ARV - 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp). Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ tài chính tại các cơ sở điều trị.

Tệ nạn xã hội không ngừng tăng ảnh 3 Bệnh nhân uống methadone tại một cơ sở điều trị
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, 70% đối tượng nghiện ma túy đá và ngày càng có chiều hướng tăng và việc buôn bán heroin, thuốc phiện vẫn còn rầm rộ nên TP không thể chủ quan. Do đó, methadone vẫn là nền tảng cai nghiện chủ lực, cần đảm bảo điều trị và cần mở rộng phạm vi uống methadone tại các cơ sở xã, phường.

“Cuộc chiến ma túy còn gặp rất nhiều khó khăn, phát hiện xử lý nghiêm buôn bán, sản xuất, vận chuyển, sử dụng ma túy. Tăng cai nghiện tự nguyện. Cần học tập mô hình cai nghiện ma túy ở các nước khác. Với đặc thù tình hình nghiện ma túy phức tạp, TPHCM cần học tập mô hình cai nghiện ma túy ở nước ngoài, tăng cường cai nghiện tự nguyện có thu phí nhằm tránh lãng phí ngân sách", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Sáng cùng ngày, đoàn công tác cũng đã đến thăm và làm việc tại Cơ sở điều trị methanol tại quận Gò Vấp và Cơ sở xã hội Nhị Xuân ở huyện Hóc Môn. Tại đây, đoàn đã lắng nghe, tìm cách tháo gỡ những vướng mắc của các cơ sở trong việc triển khai điều trị cai nghiện cho người nhiễm HIV/AIDS.

Người nhiễm HIV/AIDS bỏ điều trị ngày càng nhiều

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng quận Gò Vấp (TPHCM), tính đến hết tháng 4-2018, Phòng khám Ngoại trú quận Gò Vấp đã điều trị ARV cho 2.683 bệnh nhân (trong đó số bệnh nhân của các tỉnh, thành phố khác đến điều trị chiếm 19%) với hơn 50.548 lượt khám. Trong đó có 291 trường hợp bệnh nhân tử vong và 580 bệnh nhân bỏ trị, 342 bệnh nhân chuyển đi nơi khác điều trị. Hiện nay, phòng khám đang quản lý 1.436 bệnh nhân.

Tin cùng chuyên mục