Còn yếu công nghệ
Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, hiện có loài thủy sản rất tiềm năng là tôm càng xanh, nhưng đến nay vẫn chậm phát triển, chưa có quy trình và sự ổn định trong sản xuất giống tôm này.
Nhiều trại nuôi tôm ở quy mô nhỏ theo dạng nông hộ tự cung cấp, từ trang thiết bị đến kỹ thuật sản xuất giống; chưa có quy chuẩn cụ thể về thiết kế xây dựng, điều kiện sản xuất của trại sản xuất giống, nên khó khăn trong công tác quản lý sản xuất giống, nuôi bền vững.
Do không đầu tư công nghệ, các ao nuôi luôn phụ thuộc vào thời tiết nên ở tình trạng bấp bênh không ổn định. Mối liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều rủi ro.
Cụ thể như Trại sản xuất giống Trung Hiếu (huyện Củ Chi, TPHCM), vài năm trở lại đây đã sản xuất được giống cá lăng nhưng chưa cung ứng được nhiều cho thị trường.
Để nguồn cá giống ổn định, chất lượng, giá thành sản xuất cạnh tranh, đòi hỏi phải xây dựng được một trung tâm cá lăng giống với quy mô lớn lớn. Đồng tình với quan điểm trên, KS Nguyễn Trung Hiếu, chủ Trại sản xuất giống Trung Hiếu, nhận định: “Phần lớn, diện tích ao ương nuôi cá bột còn hạn hẹp. Tình trạng này có thể được giải quyết tạm thời bằng cách liên kết với vùng nuôi các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhưng tiêu tốn chi phí vận chuyển không nhỏ; còn đầu tư một mô hình sản xuất cá lăng giống quy mô lớn thì thiếu vốn do chi phí đầu tư cơ sở vật chất ban đầu khá cao và thời gian thu hồi vốn khá lâu”.
Tạo mối liên kết
Nhờ chính sách với những hỗ trợ tích cực để phát triển ngành nông nghiệp, TPHCM đã tạo tiền đề vững chắc để trở thành “đất lành” cho việc phát triển ngành thủy sản; điển hình như chương trình khuyến khích phát triển tôm càng xanh trên diện tích 50ha.
Để mô hình thủy sản này thành công, Th.S Nguyễn Đức Minh (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II) đề nghị: “Thành phố tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để hoàn thiện tất cả các khâu kỹ thuật trong nuôi vỗ, chọn lọc tôm bố mẹ để chủ động và nâng cao chất lượng trong sinh sản. Nghiên cứu và áp dụng các biện pháp kỹ thuật ương nuôi ấu trùng trong quy trình sản xuất giống để nâng cao năng suất và chất lượng, đồng thời giảm giá thành sản phẩm. Để chủ động ứng dụng sản xuất giống, trại nuôi phải ổn định nhiệt độ, cường độ ánh sáng, an toàn sinh học và hệ thống cấp thoát nước, nhằm chủ động sản xuất giống quanh năm, không phụ thuộc vào thời tiết”.
Cũng có ý kiến cho rằng, TPHCM nên thành lập hội nghề sản xuất giống và ương nuôi để liên kết các cơ sở sản xuất giống trên cả nước, nhằm phát triển bền vững và cân bằng cán cân cung cầu. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thủy sản tìm đầu ra xuất khẩu cho cá thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Doanh nghiệp chủ động liên kết với các cơ sở sản xuất giống, tận dụng tối đa lợi thế của các bên để phát triển, nhân rộng mô hình và đủ điều kiện chuyển giao công nghệ cho các tỉnh thành cả nước. Đề xuất nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay cho các cơ sở sản xuất thủy sản, gắn với chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghịệp trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở mạnh dạn đầu tư và liên kết sản xuất.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT TPHCM), hiện diện tích sản xuất thủy sản ngày càng ít, do đó, thành phố khuyến khích tập trung sản xuất giống để mang lại lợi nhuận cao hơn.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn như tập huấn kỹ thuật nâng cao sản lượng sản xuất giống, góp phần tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Kết hợp liên kết giữa các trại giống, trao đổi và hỗ trợ kinh nghiệm kỹ thuật trong cùng một quy trình hay khác quy trình sản xuất giống.
Nhân rộng và phát triển sản xuất giống ở quy mô nông hộ nhằm đáp ứng đủ giống. Xây dựng quy trình sản xuất giống và cử cán bộ tham gia công tác nghiên cứu khoa học chuyển giao, tập huấn trong lĩnh vực sản xuất giống tôm càng xanh để nhanh chóng tạo ra quy trình ổn định và chủ động công nghệ trong sản xuất giống.