Tập trung đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 14-4, tại Trụ sở Chính phủ, Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đã họp lần đầu dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo.

(SGGP).- Ngày 14-4, tại Trụ sở Chính phủ, Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đã họp lần đầu dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các ĐVSNCL và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Hiện cả nước có khoảng 55.000 ĐVSNCL với 2,1 triệu viên chức. Xuất phát từ thực trạng lực lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước rất đông và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và người dân, việc đổi mới hoạt động ĐVSNCL nhằm cắt giảm lực lượng lao động gắn với đổi mới cơ cấu thu - chi ngân sách nhà nước và mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ công, phục vụ cho xã hội, người dân tốt hơn.

Theo Ban chỉ đạo, việc đổi mới cơ chế tự chủ về tài chính được thực hiện khá hiệu quả trong các lĩnh vực y tế, giáo dục đại học. Tuy nhiên nhiều lĩnh vực khác triển khai còn chậm. Một số ý kiến đề cập kinh nghiệm quốc tế về vận hành các dịch vụ công trong nền kinh tế thị trường. Theo đó, Nhà nước phải có vai trò điều tiết các dịch vụ công, nhất là các dịch vụ liên quan tới y tế, giáo dục, an sinh xã hội, không nên để cho thị trường chi phối hoàn toàn việc cung cấp dịch vụ công.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần phải thay đổi nhận thức của xã hội về tự chủ ĐVSNCL. “Không phải tự chủ là phải tự mình phải lo tiền, không có Nhà nước hỗ trợ nữa mà là khuyến khích và bắt buộc các ĐVSNCL tiến tới hạch toán như doanh nghiệp, tự chủ thu, chi. Nhà nước vẫn sử dụng ngân sách để đầu tư cho hoạt động sự nghiệp nhưng sẽ thay đổi phương thức cấp phát sang đặt hàng dịch vụ công”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tiếp tục giải quyết bằng được tự chủ trong lĩnh vực GD-ĐT. Tới năm 2020, chỉ cấp ngân sách bằng năm 2017, tức là mỗi năm đã giảm chi được 7% cho ngành giáo dục để khuyến khích các trường thực hiện tự chủ.

Kết luận tại buổi họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đổi mới cơ chế hoạt động ĐVSNCL là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế từ nay tới năm 2020. Mục tiêu của đổi mới ĐVSNCL nhằm tinh giản biên chế, không ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động và cuối cùng là nâng cao chất lượng dịch vụ công. Phải tập trung đổi mới cơ cấu thu chi ngân sách, chuyển từ cơ chế phí sang giá dịch vụ công sẽ thúc đẩy các đổi mới về tổ chức - nhân sự và chuyên môn của ĐVSNCL.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các ĐVSNCL để trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 thảo luận. Hiện nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện dự thảo đề án và xin ý kiến các bộ, ban, ngành.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục