Tạo việc làm cho thanh niên khiếm thị

Nhiều bạn trẻ khiếm thị đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, học hành đến nơi đến chốn, nhưng khi ra trường rất khó có được việc làm. Dự án “Đào tạo kỹ năng và việc làm tham vấn dành cho thanh niên khiếm thị” đã ra đời, thiết thực giúp các thanh niên khiếm thị có việc làm ổn định.

Nhiều bạn trẻ khiếm thị đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, học hành đến nơi đến chốn, nhưng khi ra trường rất khó có được việc làm. Dự án “Đào tạo kỹ năng và việc làm tham vấn dành cho thanh niên khiếm thị” đã ra đời, thiết thực giúp các thanh niên khiếm thị có việc làm ổn định.

Khi người khiếm thị gỡ rối

Lớp học tham vấn dành cho người khiếm thị có các học viên và tình nguyện viên đều là người khiếm thị, do ông Ngô Minh Uy, Giám đốc Công ty We Link (quận Tân Phú), trực tiếp đứng lớp. Ở đó các bạn được định hướng rõ công việc tham vấn là làm gì và cần phải học gì. Những tình huống được đưa ra, các học viên khiếm thị đóng vai người tham vấn để gỡ rối và làm cầu nối giữa con cái với cha mẹ, diễn ra sôi nổi. Thí dụ tình huống thế này: “Vừa bước vào tuổi dậy thì, con tôi đã muốn thoát khỏi sự quản lý, che chở của ba mẹ. Nhà chỉ có mình nó, giờ nó cứ tránh mặt vợ chồng tôi hoài, nói gì nó cũng cãi lại, tôi không biết phải làm sao”. Một học viên có câu tham vấn ngay: “Chị phải bình tĩnh và nhìn lại mình, xem mình đối xử với cháu như thế nào. Không thể áp dụng cách chăm sóc một thiếu niên đang tuổi dậy thì như cách chăm sóc một đứa trẻ nhỏ được...”.

Thông thường, với những cử nhân đại học là người khiếm thị, sau khi ra trường, phần lớn đều công tác tại lĩnh vực chăm sóc khách hàng, bán bảo hiểm, kể chuyện qua radio. Tuy nhiên, họ cũng rất khó phát triển ở lĩnh vực này, bởi bị hạn chế về mặt tiếp xúc khách hàng, khó tìm tư liệu để cung cấp cho khách hàng, hoặc do thu nhập bấp bênh. Vì vậy, không ít bạn khiếm thị tốt nghiệp đại học vẫn phải sống phụ thuộc vào gia đình. Tốt nghiệp Đại học Văn Hiến chuyên ngành tâm lý từ năm 2012, nhưng đến nay Đào Thanh Giàu (29 tuổi) vẫn chưa thể ổn định công việc với nghề chăm sóc khách hàng. Giàu tâm sự: “Ngay từ khi lựa chọn ngành học đại học, tôi đã xác định phải tìm ngành nào sử dụng giọng nói là chính, nên đã học ngành tâm lý. Sau này ra trường, làm ở vị trí chăm sóc khách hàng, công việc đòi hỏi phải tiếp xúc nhiều với máy tính để tìm tư liệu, nên cũng rất khó khăn với tôi. Biết đến dự án “Đào tạo kỹ năng và việc làm tham vấn dành cho thanh niên khiếm thị”, tôi mừng lắm. Mong rằng đây sẽ là nghề tôi có thể theo đuổi lâu dài”.

Các cử nhân khiếm thị được đào tạo nghề tham vấn qua điện thoại

Đem lại hy vọng cho người khiếm thị

Hà Quý Khánh, cử nhân ngành Tâm lý (Đại học Sư phạm TPHCM), cũng đã trải qua nghề làm nhân viên bảo hiểm nhân thọ, tư vấn chăm sóc khách hàng. Điều khiến Khánh thất vọng và tự ti là khách hàng thường không tin tưởng người khiếm thị. Khánh kể: “Qua điện thoại có thể họ rất ưng ý và muốn mua bảo hiểm, nhưng khi gặp để bàn việc cụ thể, họ lại rút lui. Với người lành lặn, bình thường, tìm một việc làm phù hợp đã khó, đối với người khuyết tật càng khó hơn rất nhiều. Dù có kiến thức và nhiệt huyết, nhưng những cử nhân là người khiếm thị khó tìm cho mình một công việc ổn định, có thể gắn bó lâu dài. Vì vậy, dự án nói trên đã đem lại hy vọng cho nhiều người khiếm thị”.

Cũng là một người khiếm thị, anh Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc dự án “Đào tạo kỹ năng và việc làm tham vấn cho thanh niên khiếm thị”, đã rất trăn trở với các bạn có chung hoàn cảnh với mình. Qua một số cuộc khảo sát, anh Hùng nhận thấy các bạn khiếm thị học ngành tâm lý rất nhiều và họ có khả năng lắng nghe rất tốt, nhưng không quan sát được thần thái của khách hàng nên khó kiếm việc làm. Do đó, tham vấn qua điện thoại là công việc phù hợp nhất với các cử nhân khiếm thị. Sau hơn 1 năm xây dựng dự án, anh Hùng đã xin được gói tài trợ của Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng (quận Thủ Đức, TPHCM) để hỗ trợ các bạn học phí và chi phí ăn ở, đi lại trong 3 tháng. Là đơn vị trực tiếp đào tạo, Công ty We Link nhận nhiệm vụ giúp các bạn có đầy đủ kỹ năng và đảm bảo việc làm cho các bạn sau khi hoàn thành khóa học.

Theo ông Minh Uy, ban đầu lớp học sẽ đào tạo cho những cử nhân  khiếm thị đã tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học, sau đó mới mở rộng sang các bạn tốt nghiệp ngành nghề khác. Ông Uy cho biết: “Tuy tốt nghiệp ngành tâm lý nhưng hầu hết được đào tạo trong trường lớp, đều chưa thể làm được việc, bởi các bạn có lý thuyết nhưng thiếu thực hành, thiếu kỹ năng. Qua tìm hiểu và tiếp xúc thường xuyên với các bạn, tôi cũng phải thừa nhận rằng cùng tốt nghiệp một ngành nhưng khi ra làm việc, các bạn khiếm thị thường không nhận được sự tin tưởng từ khách hàng. Vì vậy, chúng tôi xây dựng dự án, phương thức làm việc để xóa bỏ khoảng cách và định kiến của khách hàng đối với người khiếm thị”. Anh Hùng tâm sự: “Cũng là người khiếm thị, tôi hiểu các bạn hơn ai hết. Tôi mong rằng, xã hội sẽ có thêm những nghề đặc trưng cho người khiếm thị, giúp họ được làm việc và trở thành người có ích cho xã hội”.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục