Chuyển mình mạnh mẽ
Cách đây 10 năm, một cuộc “hội chẩn” các trường ĐH ngoài công lập tại Đồng Nai đã phơi bày hàng loạt yếu kém. Trong khi cơ sở vật chất, giảng viên… các trường gần như hoàn toàn thuê và mượn thì tiền lãi lại gửi ngân hàng.
Đáng nói hơn, tỷ lệ chi của các trường cho việc thuê mướn đến trên 80%. Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới đây do PGS-TS Phạm Thị Huyền, Trưởng nhóm khảo sát các trường ĐHTT (Bộ GD-ĐT), đã cho nhiều kết quả tích cực hơn.
Theo đó, cơ sở vật chất là điểm mạnh đáng tự hào, kể cả khi so sánh với nhiều trường ĐH công lập. Về đội ngũ giảng dạy, các trường đã có sự chuyển biến, phát triển về số lượng và chất lượng: Nhiều trường có 700 - 1.000 giảng viên, vượt xa so với nhiều trường công lập. Bên cạnh đó, quy mô và ngành nghề đào tạo của các trường cũng ngày một mở rộng, theo hướng trường đa ngành. Quá trình phát triển của các trường ĐHTT hiện nay trải rộng khắp cả nước, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để người dân tiếp cận với giáo dục ĐH.
Sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Công nghệ TPHCM
thực hành trong phòng thí nghiệm
thực hành trong phòng thí nghiệm
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, đa số các trường phát triển theo hướng thực hành và ứng dụng, với 43/59 trường báo cáo có phòng thí nghiệm, 45 xưởng thực hành. Chi phí mỗi trường tự đầu tư là 8,6 tỷ đồng/phòng thí nghiệm; xưởng thực hành là 6,5 tỷ đồng. Cả nước có 3 trường ĐH đạt chuẩn 3 sao về cơ sở vật chất. Có những đơn vị đào tạo đã và đang đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất, với mức đầu tư 1.000 - 2.000 tỷ đồng.
Nếu như trước đây các trường ĐHTT chỉ biết đào tạo, bỏ trống nghiên cứu khoa học, thì nay đã có sự khác biệt đáng kể. Trong năm 2017, Trường ĐH Duy Tân lọt vào tốp đầu của Việt Nam về số bài đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới.
Tháo gỡ các trở lực
Thực tế cho thấy, những đóng góp của hệ thống trường ĐHTT cho giáo dục ĐH nói riêng và cho nguồn nhân lực của xã hội nói chung là đáng ghi nhận. Tính đến nay, các trường đã nộp ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng, đào tạo cho xã hội hơn 243.000 sinh viên. Nếu lấy mức học phí bình quân của các trường ĐHTT là 20 triệu đồng/sinh viên/năm, thì hàng năm các trường ĐHTT choàng gánh cho ngân sách khoảng 2.430 tỷ đồng.
Kết quả này đã cho thấy những thành công rất lớn từ chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước. Trong tổng số sinh viên cả nước, với gần 87% là sinh viên công lập thì ngân sách nhà nước vốn đã ít vẫn tiếp tục bị dàn trải. Do đó, việc đẩy mạnh sự phát triển của sinh viên ĐHTT đạt tỷ lệ 40% như Chính phủ đã đề ra là cần thiết.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên thì cần phải có những cơ chế cũng như chính sách phù hợp. Theo PGS-TS Phạm Thị Huyền, Bộ GD-ĐT và Chính phủ cần có những điều chỉnh về mặt chính sách. Đầu tiên phải là chính sách thuế. Hiện nay, việc coi các trường như một doanh nghiệp để thu thuế đã làm ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục. Cần tạo lập môi trường bình đẳng về tài chính cho các trường ĐHTT, như bình đẳng trong tiếp cận nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác; đầu tư thông qua người học theo cơ chế đặt hàng; hỗ trợ và cấp học bổng cho sinh viên học giỏi, sinh viên hoàn cảnh khó khăn…
Góp ý về dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, đại diện nhiều trường ĐHTT cho rằng ban soạn thảo còn né tránh nhiều nội dung; các quy định trong dự thảo về đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, tỷ lệ bầu bán còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau trong thực tế. Do đó, ban soạn thảo cần phải có một chương riêng về ĐHTT để có các quy định chi tiết, nhất quán và hệ thống hơn.
Hệ thống giáo dục ĐHTT của châu Á có sự tăng trưởng cao nhất khi thu hút tới 35% trong tổng quy mô sinh viên (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thu hút 70% - 80%) và chiếm gần 60% tổng số lượng cơ sở trường học. Trong khi đó, Việt Nam trong 2 thập niên qua, giáo dục ĐHTT tuy đã đạt được mức tăng trưởng khá ấn tượng nhưng mới chỉ thu hút gần 14% tổng số sinh viên đại học.