Tăng cường quản lý, thiết lập trật tự xây dựng

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, quận huyện gấp rút thực hiện nhiều giải pháp để chấn chỉnh ngay công tác vi phạm xây dựng trong thời gian tới với phương châm “Phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngăn chặn từ đầu, không để xây dựng sai phạm hoàn thành”.
Một dự án địa ốc có sai phạm trong xây dựng ở TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Một dự án địa ốc có sai phạm trong xây dựng ở TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Ngày 30-7, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Vi phạm xây dựng phức tạp

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh vi phạm xây dựng trên địa bàn TPHCM diễn biến khá phức tạp. Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, báo cáo, từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019, có 6.825 công trình vi phạm. Trong đó, có 4.252 công trình được cấp phép xây dựng và công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp phép xây dựng, với hành vi phổ biến là xây dựng vi phạm chỉ giới xây dựng, xây dựng trên khoảng lùi công trình, xây dựng lấp ô thông tầng; công trình đã hoàn công nhưng lại tiếp tục xây dựng không phép. Có 2.573 công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng, với hành vi phổ biến là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được cấp phép xây dựng... Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành 1.156 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền và trình Chủ tịch UBND TP ban hành 185 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến các vi phạm này, từ khách quan, chủ quan đến quy định pháp luật, từ cán bộ đến người dân. Phó ban Nội chính Thành ủy Võ Văn Quận nhận xét, cơ chế quản lý đã làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng - dạng “tham nhũng vặt”. Bên cạnh sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, dư luận vẫn cho rằng hành vi tham nhũng của cán bộ quản lý trật tự xây dựng (TTXD) là một trong những nguyên nhân chính khiến vi phạm về TTXD diễn ra tràn lan. Vấn đề là, hành vi tham nhũng trong lĩnh vực này rất khó phát hiện, vì cơ bản người đưa và người nhận đều có lợi nên không ai phơi bày; sự vào cuộc của các cơ quan phòng chống tham nhũng chưa kịp thời, khiến hành vi này càng sinh sôi và gần như mang tính mặc định, gắn liền hoạt động xây dựng công trình. Thực tế những năm qua, trên 300 cán bộ, công chức quản lý TTXD đã bị xử lý về hành vi công vụ, nhưng chỉ có 1 cán bộ thanh tra xây dựng huyện Nhà Bè bị xử 1 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Tăng cường quản lý, thiết lập trật tự xây dựng ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng
Hiệu quả từ giải pháp mạnh

Tại hội nghị, nhiều mảng sáng đã được lãnh đạo các địa phương trao đổi. Bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, kể lại, lúc đầu chủ đầu tư xin giấy phép nhà ở riêng lẻ, bản vẽ đều có bố trí các phòng chức năng. Nhưng sau đó, để biến thành nhà xưởng, họ không xây các phòng chức năng, hoặc trổ thêm các cửa để biến thành nhà ba chung. Việc cưỡng chế gặp khó khăn, vì cán bộ xã cho rằng phá công trình thì được, nhưng khó buộc chủ đầu tư xây lại các phòng chức năng hoặc bít cửa. UBND huyện đã xác định, việc xử lý hoặc cưỡng chế các công trình xây dựng không phép cần phải thực hiện nhanh, quyết liệt để răn đe các chủ đầu tư khác. Huyện đề nghị UBND các xã lập kế hoạch xây luôn phần đã được cấp trong giấy phép xây dựng, buộc chủ đầu tư phải thanh toán lại phần kinh phí đó. Khi chủ đầu tư thấy chính quyền làm quyết liệt, thực hiện đúng theo giấy phép được cấp, họ đã ngại vi phạm TTXD.

Ông Phạm Minh Mẫn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, chia sẻ quận đã thực hiện giải pháp đột phá nên mang lại kết quả tích cực. Trong đó hiệu quả nhất là xây dựng đề án giám sát toàn bộ việc xây dựng trên địa bàn quận, tổ chức đi tuần tra khảo sát để đưa các công trình xây dựng vào danh sách quản lý. Thứ hai là nâng cao vai trò của cán bộ, cộng tác viên, thanh tra xây dựng để phát hiện sớm công công trình vi phạm, nếu để xảy ra công trình xây dựng không phép, sai phép thì xem xét trách nhiệm của công an khu vực.

Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, giai đoạn 2014-2016 việc xây dựng trên địa bàn phức tạp nhưng một số cán bộ chậm kiểm tra, xử lý từ đầu nên số vụ vi phạm rất nhiều; việc chấm dứt hành vi vi phạm ngay từ đầu chỉ chiếm tỷ lệ 6%. Do vậy, Huyện ủy Bình Chánh đã đưa ra giải pháp đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chủ tịch UBND xã - thị trấn… đồng thời nâng cao hiệu quả ngăn chặn xử lý từ đầu, ngay khi phát hiện vi phạm. Nhờ đó, từ năm 2017 đến nay, huyện đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ đầu các hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng trái phép-đạt tỷ lệ gần 70%.

Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9, cho rằng trong các trường hợp vi phạm, người dân biết sai nhưng vẫn làm. Do vậy đã đến lúc phải chuyển hướng tuyên truyền, từ việc trang bị kiến thức pháp lý sang tác động vào ý thức pháp luật, giúp họ biết rằng làm sai sẽ bị xử lý... Tuyên truyền từng vụ việc xử lý cụ thể của chính quyền sẽ tác động rất lớn đến hành vi và ý thức của người dân. Mục tiêu chính không phải đi tháo dỡ nhà của người dân mà phải phòng ngừa ngay từ đầu, đồng thời đấu tranh với đầu nậu thao túng, lừa bịp người dân. Tại Điều 228, Bộ luật Hình sự có tội danh vi phạm quyền sử dụng đất, có thể xử lý hình sự hành vi vi phạm của đầu nậu, nhưng thời gian qua chính quyền chưa xử lý hình sự hành vi này. Vì thế, đầu nậu thách thức pháp luật, thách thức chính quyền. Rõ ràng cần có sự tham gia sâu của ngành công an.

 Cắt điện, nước - giải pháp cấp bách!

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, Luật Xây dựng năm 2014 không quy định các biện pháp ngưng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng, nên khó khăn trong việc ngăn chặn vi phạm.

Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9, hiến kế: “Chúng tôi không gọi là cắt điện, cắt nước mà là không đủ điều kiện để cung cấp điện nước ngay từ đầu. Chứ khi người ta vào ở rồi mà cắt điện, cắt nước là rất phản cảm”.

Phó Chủ tịch UBNDTP Võ Văn Hoan gợi ý, nếu người dân sửa nhà có phép nhưng làm không đúng phép, thì các nhà cung cấp dịch vụ cân nhắc cắt điện, nước. Đối với trường hợp không có nhà, không có đất mà cũng không có phép nhưng lại tự dưng xây dựng nhà hoặc được một ông chủ đất, đầu nậu cho câu điện, nước để làm thì có quyền cắt, bởi đó là câu nối điện trái phép. Như vậy cơ quan cung cấp dịch vụ có quyền xử lý, nếu xử lý mạnh trường hợp này hy vọng sẽ kéo giảm việc vi phạm xây dựng.

Tiếp tục phân tích sâu, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, cho biết, kể từ ngày Nghị định 139 ra đời (27-11-2017),  thì không có quy định việc cắt điện, cắt nước đối với các công trình xây dựng vi phạm, tuy nhiên vẫn có thể vận dụng các quy định hiện hành của TP để tiếp tục triển khai. Năm 2007, TP có quy định về việc lắp đặt đồng hồ nước, điện, phải đáp ứng đủ 7 điều kiện, trong đó thành phần hồ sơ có hộ khẩu hoặc được đăng ký tạm trú. Do đó, cần xem xét những quy định về điều kiện cư trú để quyết định cho phép được cấp đồng hồ nước, đồng hồ điện hay không. Riêng các huyện ngoại thành phải tính toán trường hợp khoan nước ngầm phải có giấy phép, nhưng cũng rất hạn chế. Tóm lại, bằng những quy định đủ điều kiện để thực hiện các thủ tục cấp điện, nước hay khoan nước ngầm có thể áp dụng trong trường hợp này.

Ngăn chặn sai phạm từ đầu

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Công an TP khẩn trương xác minh, xử lý hình sự các đối tượng vi phạm nhiều lần, mức độ vi phạm nghiêm trọng, nhất là các đầu nậu, xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, tự ý phân lô bán nền để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến quy hoạch chung, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, quận huyện gấp rút thực hiện nhiều giải pháp để chấn chỉnh ngay công tác vi phạm xây dựng trong thời gian tới với phương châm “Phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngăn chặn từ đầu, không để xây dựng sai phạm hoàn thành”. Đối với UBND các huyện quận, xã phường thị trấn, tập trung chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá tình hình xây dựng trên địa bàn và chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm về xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Rà soát và kiên quyết tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng theo các quyết định xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND quận huyện; Chánh Thanh tra Sở Xây dựng và của Chủ tịch UBND TP.  UBND các quận huyện tổ chức hội nghị chuyên đề tại đơn vị để triển khai các giải pháp, ưu tiên thảo luận các giải pháp thiết thực trong việc phát hiện - ngăn chặn - xử lý; biện pháp thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất giải pháp chế tài nhằm nâng cao hiệu lực quản lý về trật tự xây dựng. Đó là không cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng; chưa cho xuất cảnh đối với các cá nhân, đại diện theo pháp luật của các tổ chức khi đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; các giải pháp cưỡng chế, xử lý nhanh đối với công trình xây dựng không phép không đủ điều kiện cấp phép.

Tin cùng chuyên mục