Tăng cường kiểm soát nguồn thải công nghiệp

TPHCM có tốc độ phát triển công nghiệp thuộc vào hàng cao nhất nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011-2015 là 9,6%, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 39,2%. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế nhanh chóng cùng với sự gia tăng dân số đã tác động mạnh mẽ đến chất lượng môi trường của thành phố.

TPHCM có tốc độ phát triển công nghiệp thuộc vào hàng cao nhất nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011-2015 là 9,6%, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 39,2%. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế nhanh chóng cùng với sự gia tăng dân số đã tác động mạnh mẽ đến chất lượng môi trường của thành phố.

Thiếu chính sách kêu gọi đầu tư

Theo thống kê mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa công bố, trên địa bàn TPHCM đang tồn tại gần 3.370 nguồn thải có lượng nước thải từ 10m³ ngày/đêm trở lên. Trong đó, 82,5% nguồn thải lưu lượng trên 50m³/ngày trở lên có hệ thống xử lý, 69,5% nguồn thải lưu lượng 30 - 50m³/ngày có hệ thống xử lý nước thải và 60,5% nguồn thải lưu lượng dưới 30m³/ngày có hệ thống xử lý nước thải. Thế nhưng, việc kiểm soát chất lượng nước thải của các chủ nguồn thải trên không phải dễ. Với những nguồn thải nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp thì doanh nghiệp bị buộc đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung nên còn kiểm soát được. Còn với những nguồn thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp rất khó kiểm soát hết. Các cơ sở này nằm xen cài trong khu dân cư, sử dụng công nghệ sản xuất cũ kỹ, lạc hậu, các ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao. Thậm chí, nhiều cơ sở chưa đầu tư xây dựng, cải tạo hoặc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn quy định được các cơ sở lén lút thải ra môi trường, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Chưa hết, trên địa bàn thành phố mỗi ngày còn tiếp nhận hàng triệu mét khối nước thải từ các khu dân cư, khu đô thị cũ và mới đổ ra hệ thống kênh rạch. Ông Trần Ngọc Thành, Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, cho biết: “Việc quản lý, thu gom và xử lý nước thải hiện nay còn những tồn tại, thách thức. Hiện toàn thành phố chỉ có 2 nhà máy xử lý nước thải đô thị đi vào hoạt động. Đó là Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng có công suất 141.000m³/ngày/đêm và 1 trạm xử lý nước thải là hồ sinh học Bình Hưng Hòa, do Ban quản lý dự án 415 làm chủ đầu tư, có công suất 30.000m³/ngày/đêm. Với 2 nhà máy này, công suất xử lý hiện nay chỉ giải quyết được khoảng 13,2% tổng lưu lượng nước thải đô thị của thành phố”. Việc triển khai các dự án xử lý nước thải đô thị tập trung lại không theo kịp so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch do vị trí quy hoạch các nhà máy xử lý nước thải hiện nay đều thuộc khu đô thị hóa nhanh, gây nhiều khó khăn trong công tác đền bù, giải tỏa. Quan trọng hơn, chưa xây dựng được bộ tiêu chí kỹ thuật trong việc lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phù hợp với điều kiện của thành phố. Vốn đầu tư vào các nhà máy xử lý nước thải tập trung và các hệ thống cống bao, thu gom lớn cũng là khó khăn chính trong việc kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước của thành phố.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT TPHCM, nhấn mạnh toàn thành phố cũng còn 13 cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng. Các cụm công nghiệp này hoạt động xen cài trong khu dân cư ở các quận, huyện, như: 7, 8, 12, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn. Do vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong cụm tự đầu tư hệ thống và xả thải trực tiếp ra ngoài nên chất lượng nước thải chưa được kiểm soát thường xuyên. Mặt khác, toàn thành phố có 20 khu dân cư, khu đô thị mới đã đi vào hoạt động. Trong đó, 10/20 khu được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Những khu đô thị mới tuy có quy định về đầu tư hệ thống xử lý nhưng tính pháp lý chưa rõ ràng nên các ban quản trị khu đô thị mới vận hành không hiệu quả hoặc vận hành không thường xuyên… cũng đang làm gia tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước hệ thống kênh rạch của thành phố.

Hệ thống xử lý nước thải tại một khu dân cư mới ở phường 7, quận 8. Ảnh: THÀNH TRÍ

Đồng bộ nhiều giải pháp

Giảm thiểu nguồn nước thải ra môi trường là một trong những yếu tố quan trọng kéo giảm ô nhiễm trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, để làm được việc này thật không dễ. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, Sở TN-MT đang triển khai nhiều giải pháp cứng rắn như theo dõi, giám sát thường xuyên chất lượng nước thải sau xử lý của các trạm nước thải tập trung; kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng; tăng cường kiểm soát các nguồn thải công nghiệp, đặc biệt là các nguồn thải chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc các nguồn thải xả ra sông, kênh rạch; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Yêu cầu các nguồn thải công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải phải thực hiện xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải trong năm 2019; triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với các doanh nghiệp có nguồn lưu lượng xả thải từ 1.000m3/ngày trở lên và thiết lập đường truyền về Sở TN-MT.

Về việc xử lý nước thải tại các khu đô thị, khu dân cư mới, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, sở đang trình UBND TPHCM xem xét phân định trách nhiệm pháp lý giữa chủ đầu tư khu đô thị với ban quản trị khu đô thị sau khi dự án đã lấp đầy dân cư. Ngoài ra, sở sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với khu dân cư, chung cư có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo thẩm quyền; đôn đốc chủ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Ban hành cơ chế quản lý, xử lý các chung cư, khu dân cư đã bàn giao cho ban quản trị nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng không đạt quy chuẩn quy định về môi trường. Đồng thời, rà soát quỹ đất, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị tập trung theo tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý nước thải hiện đại, hạn chế phát sinh mùi hôi tối đa; diện tích sử dụng đất, chi phí vận hành hợp lý. Đây là cơ sở để đạt được mục tiêu mà thành phố đề ra đến năm 2020 là 100% khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan nhà nước quản lý; 100% nước thải bệnh viện, nước thải các cơ sở công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường và 80% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quy định khi thải ra môi trường.

MINH XUÂN - MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục