Tăng cường giám sát của nhân dân đối với kết luận thanh tra

Ngày 25-4, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn đã giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại Thanh tra Chính phủ (TTCP).
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

 Tham gia đoàn giám sát có đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện Ban Nội chính Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Cần có quy định đặc thù để công khai quyết định thanh tra

Tại cuộc họp, Phó Tổng TTCP Đặng Công Huẩn cho biết, từ năm 2016 đến tháng 3-2017, TTCP đã ban hành 24 kết luận thanh tra, kiểm tra. TTCP đã công bố tại cuộc họp, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của TTCP 19/24 thông báo kết luận thanh tra. TTCP cũng đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến nội dung thanh tra.

Băn khoăn về tổng số thông báo kết luận thanh tra đăng tải trên trang thông tin điện tử của TTCP, ông Nguyễn Xuân Diện, Phó vụ trưởng Vụ Cơ quan Nội chính, Ban Nội chính Trung ương cho rằng, trong 24 kết luận thanh tra thì chỉ có 19 kết luận được công bố. “Có phải 5 kết luận còn lại thuộc danh mục bí mật không? Có vướng mắc, có gì đó chúng ta chưa công bố hay không lựa chọn hình thức này”, ông Nguyễn Xuân Diện nêu câu hỏi. Giải trình nội dung này, TTCP cho biết, kết luận thanh tra được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của TTCP, trừ những nội dung kết luận thanh tra có liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, TTCP tổ chức họp báo định kỳ hay đột xuất công khai kết quả thanh tra, đồng thời giải quyết, tố cáo để các cơ quan đoàn thể, báo chí và quần chúng nhân dân biết để giám sát. 

Từ thực tế đôn đốc xử lý sau thanh tra việc thu hồi và xử lý về tiền mới đạt tỷ lệ 67%, thu hồi về đất mới đạt 47%, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính đề nghị TTCP cần làm rõ nguyên nhân, đồng thời có biện pháp để việc xử lý sau thanh tra đạt hiệu quả hơn. Tổng TTCP Phan Văn Sáu khẳng định, trong thời gian tới, TTCP sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, viện kiểm sát, tòa án, ủy ban kiểm tra nâng cao hiệu lực thực hiện kết luận thanh tra, thu hồi tài sản đối với các sai phạm.

Tại buổi làm việc, TTCP cũng nêu những khó khăn vướng mắc trong việc công khai các kết luận thanh tra, đơn cử là chưa có quy định riêng về việc công khai kết luận thanh tra trong một số lĩnh vực đặc thù như ngân hàng, chứng khoán… TTCP cho rằng, cần có những quy định đặc thù để kết luận thanh tra phải được công khai, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước và nội dung nhạy cảm mà việc công bố có thể ảnh hưởng đến an toàn của đối tượng thanh tra. Bên cạnh đó, cần quy định chế tài xử lý cụ thể đối với người có trách nhiệm không thực hiện việc công khai hoặc công khai không đúng, không đủ nội dung kết luận thanh tra theo đúng quy định.

Cũng theo TTCP, nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương thường dựa vào căn cứ do kết luận thanh tra chứa nội dung mật để không thực hiện công khai, đặc biệt là việc thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng... Nói thêm về điều này, Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh cho rằng, danh mục bí mật nhà nước rất phức tạp, các bộ, ngành, địa phương có danh mục bí mật nhà nước riêng. Đây là cản trở đối với TTCP trong công bố kết luận thanh tra.

Nhân dân, báo chí sẽ giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra

Kết luận buổi giám sát, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, cần hoàn thiện cơ chế, chế tài hướng dẫn việc thực hiện công khai các kết luận thanh tra; làm rõ trách nhiệm pháp lý của người ra quyết định thanh tra và người ký kết luận thanh tra.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, TTCP khi tổng kết Luật Thanh tra 2010, sửa đổi Luật Thanh tra cần quan tâm đồng bộ với Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tổ chức Chính phủ và những quy định liên quan đến bí mật nhà nước. Đối với những trường hợp nhạy cảm, bí mật như lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, khi công bố kết luận thanh tra phải cụ thể hóa và có quy định cụ thể. Việc quy định các trường hợp nhạy cảm, bí mật phải xác định cụ thể cấp nào ra quy định, tránh sự tùy tiện. Ngoài bí mật nhà nước cấp quốc gia còn có các bí mật cho các ngành, địa phương, nên phải có hướng dẫn để có cơ chế, cách làm. Ngành nào, địa phương nào có danh mục bí mật phải công bố để việc thanh tra được chủ động.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với chức năng giám sát của mình sẽ phối hợp với TTCP từng bước làm tốt việc công khai hóa kết quả thanh tra, tiến tới đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra. “Ủy ban sẽ phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, TTCP, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại 5 bộ và địa phương nhằm bước đầu đánh giá đúng thực trạng”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết. Căn cứ kết quả giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ kiến nghị, đề xuất những vấn đề nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về thực hiện công khai kết luận thanh tra. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các thành viên của mặt trận, nhân dân, các cơ quan truyền thông có thể tiếp cận đầy đủ thông tin việc thực hiện kết luận thanh tra của các cơ quan nhà nước.

Tin cùng chuyên mục