Tâm huyết với tượng đài

 Nhiều nhà điêu khắc của TPHCM đã đóng góp chất xám của mình để tạo nên nhiều công trình tượng đài hoành tráng tô điểm cho chất lượng đô thị nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong số đó không thể không nhắc đến Lương Văn Thạnh.

1.

 Nhà điêu khắc Lương Văn Thạnh, quê ở Tiền Giang nhưng có hơn nửa đời dựng nghiệp tại TPHCM. Anh tốt nghiệp ngành Điêu khắc Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 1989, giai đoạn đất nước chuyển mạnh sang thời kỳ đổi mới. TS. Trang Phượng, nguyên Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam, từng nhận định TPHCM có lực lượng nhà điêu khắc giàu tài năng và đầy tâm huyết.
Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ tại TPHCM lẽ ra là cơ hội để phát huy tối đa năng lực của lực lượng điêu khắc gia tài giỏi đó. Nhưng chính những khúc mắc và thiếu đồng bộ của quy hoạch đô thị, đặc biệt trong lĩnh vực tượng đài, đã khiến nguồn năng lực đó tản mác, và vì thế các tỉnh thành xung quanh TP đã hưởng lợi.
Có thể kể đến các nhà điêu khắc lão thành như Phan Gia Hương với tác phẩm Mẹ Tổ quốc ở tỉnh Đồng Tháp; Nguyễn Hải với tượng đài Chiến thắng Ấp Bắc và Rạch Gầm - Xoài Mút ở Tiền Giang, tượng đài Trận Bến Lức ở Long An, tượng đài Chiến thắng Bàu Bàng ở Bình Dương và tượng đài Điện Biên Phủ tại Lai Châu; Lâm Quang Nới với tượng đài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Vĩnh Long và tượng đài Chiến thắng An Lão ở Bình Định; Phạm Mười với tượng đài Chiến thắng Gò Quản Cung ở Đồng Tháp... Cả những nhà điêu khắc trưởng thành trong thời kỳ đổi mới như Lương Văn Thạnh cũng có nhiều tác phẩm trong giai đoạn này.
Tâm huyết với tượng đài ảnh 1                      Tượng Bác Hồ với thiếu nhi tại khuôn viên Nhà Thiếu nhi TP
Sau khi ra trường, Lương Văn Thạnh về công tác tại Xí nghiệp Mỹ thuật ứng dụng thuộc Ban Văn nghệ Thành ủy TPHCM. Được sự quan tâm, chỉ dạy và rèn cặp chu đáo của các nhà điêu khắc nổi tiếng như Diệp Minh Châu, Nguyễn Hải, anh nhanh chóng nắm được ngôn ngữ điêu khắc hiện đại trong lĩnh vực tượng đài.
Lương Văn Thạnh nhớ lại: “Năm 1987, khi tôi còn học trong trường mỹ thuật, chính thầy Nguyễn Hải đã chọn đưa tôi vào đội ngũ thi công xây dựng quần thể tượng đài phù điêu đặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM, trong đó đặc biệt là tượng Bà mẹ Tổ quốc bằng chất liệu đá cao 25m. Kế tiếp, thầy Diệp Minh Châu cũng đã chọn tôi tham gia thi công dựng tượng đồng Bác Hồ ở Việt Bắc, hay còn gọi là tượng Bác Hồ với thiếu nhi, trước đặt trước trụ sở UBND TP, nay được chuyển về trong khuôn viên Nhà Thiếu nhi TP”. 
Lương Văn Thạnh tỏ ra là học trò sáng dạ và nhanh chóng nắm bắt sở trường của những bậc thầy. Anh tiếp thu được ở thầy Diệp Minh Châu cách tạo hình theo lối tả thực, chú trọng đến việc nắm bắt chi tiết, các nguyên lý của ánh sáng và bóng tối cũng như những chuyển động phức tạp của các nhóm cơ trên cơ thể con người, từ đó, khám phá ra cái đẹp của sự cân đối hài hòa tổng thể. Tượng Bác Hồ với thiếu nhi gây được cảm giác mạnh bởi vẻ duyên dáng, thanh thoát của hình thể, sự tao nhã và giàu cảm xúc của diện mạo, chuyển tải đầy đủ nội dung tình thương yêu đặc biệt của vị lãnh tụ dành cho thiếu nhi. 
Lương Văn Thạnh cũng học được ở nhà điêu khắc Nguyễn Hải cách vận dụng và cách tân theo tư duy mảng khối, khám phá, thử nghiệm, đẽo gọt khối hình hiện đại lập thể để khám phá tính biểu tượng ẩn tàng trong chất liệu, trong khi vẫn thấu suốt tinh thần điêu khắc truyền thống bằng kỹ thuật hoàn hảo. Tượng Bà mẹ Tổ quốc tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP dù ý tưởng bắt nguồn từ tượng đài Mẹ Tổ quốc của nước Nga, nhưng hình tượng bà mẹ nâng niu lá cờ Tổ quốc trên đôi cánh tay đã thấm đẫm tinh thần nhân văn, yêu chuộng hòa bình rất đặc trưng, chỉ những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã chịu nhiều mất mát trong chiến tranh mới có được.
Anh tiếp tục tham gia tạo tác và thi công các công trình tượng đài quan trọng khác tại TP, như tượng đài Công nhân đấu tranh tại Ngã Sáu Sài Gòn của nhà điêu khắc Nguyễn Hải; tượng đài Phú Lợi căm thù của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu; tượng đài Bà Mẹ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ của nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Bình... Dưới sự chỉ dẫn tận tình của người đi trước, Lương Văn Thạnh ngày càng hiểu rằng tượng đài là không chỉ là tác phẩm tạo hình đặc biệt chứa đựng cảm xúc mạnh mẽ, mà còn là biểu tượng minh chứng cho phạm trù cái “cao cả” trong mỹ học. 

2.

 Rồi cũng đến lúc Lương Văn Thạnh cảm thấy đủ lực để tự đứng riêng trên hai chân của mình. Không khí đổi mới đang lan tràn khắp đất nước. Và khi quê hương Tiền Giang quyết tâm quy hoạch hệ thống tượng đài cho tương xứng với quy mô phát triển của một đô thị phương Nam giàu truyền thống cách mạng, đã dang tay mời gọi những nhà điêu khắc tài năng, trong đó có Lương Văn Thạnh.
Tác phẩm đầu tay của Lương Văn Thạnh dành tặng cho quê hương là tượng chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang Trừ Văn Thố, hiện đang được đặt trang trọng trong khuôn viên Trường THCS Trừ Văn Thố, thị xã Cai Lậy. Khi phác thảo ý tưởng, anh nhiều lần tìm đến gia đình để nghe và ghi chép lại những giai thoại sinh thời của người anh hùng liệt sĩ. Bức tượng sống động, thanh thoát và hoàn mỹ theo trường phái cổ điển, thần thái toát lên vẻ trẻ trung nhưng đầy cương nghị của một thanh niên ý thức được con đường chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng mình đã lựa chọn.
Trong vòng 20 năm, nhà điêu khắc Lương Văn Thạnh đã đóng góp cho quê nhà Tiền Giang các tác phẩm: tượng đài Mậu Thân tại TP Mỹ Tho; tượng đài Chiến thắng Ba Rài; tượng đài Nam Kỳ khởi nghĩa ở thị xã Cai Lậy, tượng đài Căm thù giặc Pháp ở thị trấn Vĩnh Kim. Đặc biệt tượng đài Phá Khám lớn tại thị xã Gò Công được anh dựng vào năm 2005 cho thấy được độ chín đầy ấn tượng trong sáng tạo và thẩm mỹ của một tài năng nghệ thuật.
Tiếng lành đồn xa, nhà điêu khắc Lương Văn Thạnh được nhiều tỉnh thành mời đến dựng tượng đài. Trong số đó, đáng chú ý là công trình tượng đài Junction City chất liệu đá granite, cao 18m, anh cùng một nhà điêu khắc trẻ thực hiện cho tỉnh Tây Ninh năm 2015, ghi lại dấu ấn vẻ vang về chiến thắng oanh liệt của quân dân ta đánh bại cuộc hành quân Junction City của quân đội Mỹ.
Lương Văn Thạnh bước chân vào nghề đến nay đã hơn ba mươi năm. Anh không tiếc sức tham gia hầu hết trại sáng tác của ngành để hoàn thiện ngôn ngữ điêu khắc của mình. Với anh, sự tế vi của nghề làm tượng đài là ở chỗ nhà điêu khắc dù đề cao tính kế thừa, nhưng vẫn phải mang tinh thần bứt phá khỏi những định kiến mới đủ sức diễn đạt sự kết hợp ngoạn mục giữa ngôn ngữ truyền thống và ngôn ngữ hiện đại. Nghệ sĩ không mang tinh thần cách tân, không có sáng tạo sẽ không có tác phẩm đạt đỉnh cao.
Thi thoảng, anh lại tìm đến ngắm Tượng Bác Hồ với thiếu nhi để nhớ lại những cung bậc vui buồn xen lẫn tự hào khi mới bước vào nghiệp điêu khắc. Nếu có gì ưu tư, chỉ là ý nghĩ rằng giá trị của nghệ thuật điêu khắc lâu dài, bền bỉ nhưng đầu tư cho tượng đài hiện nay còn quá ít, quy hoạch dành cho tượng đài còn lắm nhiêu khê. Anh tâm sự: “Tượng đài luôn mang tính bền vững, sâu xa hơn thể hiện chiều dài văn hóa tinh thần của một thời đại, bao hàm luôn cả giá trị lịch sử cho dân tộc. Phải đầu tư thích đáng cho văn hóa nghệ thuật mới có những trái ngọt để lớp thế hệ sau có cái lấy làm vinh hạnh về đất nước, con người, về lịch sử và nghệ thuật dân tộc”.

Tin cùng chuyên mục