Phối hợp chính sách tài khóa để giảm lãi suất hiệu quả hơn

Trong bối cảnh lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn xuống còn 7%/năm, giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 9%/năm. Đồng thời, nhà điều hành cũng quyết định nới tỷ giá VND/USD tăng thêm 1% từ ngày 28-6. Các động thái chính sách này sẽ có tác động thế nào trong việc giải quyết các nút thắt khó khăn của nền kinh tế? Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhận định:
Phối hợp chính sách tài khóa để giảm lãi suất hiệu quả hơn

Trong bối cảnh lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn xuống còn 7%/năm, giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 9%/năm. Đồng thời, nhà điều hành cũng quyết định nới tỷ giá VND/USD tăng thêm 1% từ ngày 28-6. Các động thái chính sách này sẽ có tác động thế nào trong việc giải quyết các nút thắt khó khăn của nền kinh tế? Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhận định:

TS Nguyễn Trí Hiếu.

TS Nguyễn Trí Hiếu.

° Việc NHNN vừa quyết định giảm trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng xuống còn 7%/năm, bỏ trần lãi suất huy động với kỳ hạn trên 6 tháng, đồng thời giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên xuống 9%/năm... có thể được xem là động thái nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo quan điểm của tôi, đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nền kinh tế Việt Nam hiện đang rất trì trệ, thể hiện ở nhiều lĩnh vực từ bất động sản cho đến chứng khoán, hoạt động sản xuất kinh doanh... Trong khi lực cầu nền kinh tế đang rất yếu, việc giảm lãi suất đầu vào, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng bớt chi phí và tiếp tục xem xét hạ lãi suất cho vay, qua đó sẽ đẩy thêm được một lượng tiền vào lưu thông là cần thiết. Thời gian qua, một số ngân hàng đã chủ động kéo giảm lãi suất tiền gửi xuống dưới 7%/năm, nên động thái của NHNN mặc dù được xem là nới lỏng chính sách nhưng cũng là phù hợp với thực tế. Hiện nhiều ngân hàng đang “ứ” vốn, nên giảm lãi suất cũng sẽ không ảnh hưởng tới khả năng thu hút vốn của ngân hàng.

Chưa thấy tác động nhanh và trực tiếp

° Phóng viên: Theo ông, việc kéo giảm lãi suất sẽ có tác động thế nào trong việc giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế?

° TS NGUYỄN TRÍ HIẾU: Trong các giải pháp vừa qua, đáng chú ý là lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đã được kéo xuống 9%/năm, đây là một biện pháp tốt. Nhưng vấn đề hiện nay là khó khăn của doanh nghiệp (DN) không nằm ở yếu tố lãi suất cao hay thấp. Đương nhiên, lãi suất giảm thì chi phí vốn của DN sẽ hạ, có thể khuyến khích các DN hoạt động tốt đi vay nhiều hơn, đưa lượng tiền vào lưu thông lớn hơn, giúp phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, số DN hoạt động tốt để có thể vay được hiện không nhiều. NHNN đang thực hiện bước đi nới lỏng chính sách để giúp nền kinh tế phục hồi, nhưng tác dụng thế nào có lẽ còn phải chờ xem. Còn thời điểm hiện tại, tôi chưa nhìn thấy một tác động nào nhanh và trực tiếp.

° Lãi suất đầu vào đã liên tục giảm, nhưng dường như việc giảm lãi suất cho vay vẫn chưa theo kịp, nhiều DN cho biết hiện họ vẫn phải chịu lãi suất khá cao. Theo ông, mặt bằng lãi suất cho vay nên giảm xuống mức nào là hợp lý?

° Nền tảng cho lãi suất thấp là lạm phát. Với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, tỷ lệ lạm phát hợp lý là khoảng 5%/năm, để bảo đảm lãi suất thực dương thì lãi suất tiết kiệm ở mức khoảng 7%/năm, cộng thêm 3% biên độ lợi nhuận cho các ngân hàng kinh doanh thì lãi suất cho vay ở mức 10%/năm là hợp lý. Hiện lãi suất tiền gửi đã giảm xuống 7%/năm, lạm phát đang ở mức 6,69% so với cùng kỳ năm trước (chu kỳ 12 tháng), nhưng đúng là thực tế nhiều DN vẫn phải trả lãi vay trên 10%/năm, thậm chí đến 15%/năm. Các ngân hàng nên điều chỉnh lãi suất cho vay xuống mức hợp lý hơn, nhưng cũng cần lưu ý rằng trước đây các ngân hàng cũng phải huy động vốn với chi phí cao, nên chưa thể giảm được ngay lãi suất cho vay theo tốc độ giảm của lãi suất huy động. Tất nhiên, sau một thời gian nữa thì lãi suất cho vay cần giảm về mức 10%/năm là hợp lý.

° Có một số ý kiến cho rằng với lần giảm lãi suất này, dư địa điều hành chính sách tiền tệ về lãi suất trong năm 2013 là đã hết. Ông có nghĩ như vậy?

° Tôi không nghĩ vậy, bởi vẫn còn nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ trong năm nay. Trần lãi suất huy động hiện là 7%/năm, so với nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn là mức cao, nên vẫn có thể kéo xuống thêm nữa. Tôi còn hy vọng đến cuối năm nay NHNN sẽ dỡ bỏ luôn trần lãi suất để thị trường tự vận hành, cho cung - cầu gặp nhau để điều chỉnh một mức lãi suất bình quân cho cung và cầu. Với lãi suất cho vay cũng không nên áp đặt trần, mà có thể khuyến khích các ngân hàng cho vay ở mức hợp lý. Nếu dùng mệnh lệnh hành chính sẽ dễ dẫn đến méo mó thị trường.

Điều chỉnh chính sách thuế, tăng đầu tư công

° Nhưng như ông nói, lãi suất giảm hiện không có mấy tác dụng với DN, trong khi hiện tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt trên 3%. Vậy ngoài chính sách tiền tệ, theo ông các chính sách khác cần có sự phối hợp thế nào để việc giảm lãi suất thật sự có tác động đến tăng trưởng?

° Để vận hành nền kinh tế, nhà nước bao giờ cũng dùng kết hợp 2 chính sách tiền tệ và tài khóa. Cho đến nay chính sách tiền tệ đã có rất nhiều nỗ lực như liên tiếp cắt giảm lãi suất, cung ứng tiền qua thị trường mở... Để chính sách tiền tệ phát huy được tác dụng mạnh hơn, cần có sự phối hợp của chính sách tài khóa qua các vấn đề như thuế, đầu tư công. Hiện tại đã có nhiều điều chỉnh về thuế cho DN và cá nhân, nhưng tôi nghĩ là vẫn chưa đủ, nhất là đối với DN vừa và nhỏ, những DN đang làm ăn thua lỗ. Giảm thuế suất trên lợi nhuận của một DN chỉ tốt khi DN đó đang làm ăn có hiệu quả, nếu DN đó đang lỗ thì có giảm một nửa thuế cũng không giúp được họ. Bởi vậy, chính sách thuế nên hỗ trợ trực tiếp và mạnh hơn cho DN, chẳng hạn như giảm thuế VAT cho các trang thiết bị của DN, giảm thuế đánh trên đầu tư của DN. Chính sách như thế thì DN có lãi hay không cũng sẽ được hưởng lợi. Một số chi phí trực tiếp trong hoạt động kinh doanh của DN như chi phí khuyến mại, đổi mới công nghệ... cũng nên xem xét để giảm trừ thuế. Bên cạnh đó, đầu tư công cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, tạo lực cầu giúp nền kinh tế phục hồi.

° Đồng thời với giảm lãi suất, NHNN cũng quyết định tăng tỷ giá VND/USD thêm 1%. Theo ông, có thể lý giải chính sách này thế nào?

° Hiện tại đang có áp lực lên tỷ giá, áp lực đó đến từ đâu thì cần phải phân tích kỹ. Tôi ví dụ một vài yếu tố, chẳng hạn như việc NHNN phải dùng ngoại tệ để nhập vàng thời gian qua và không loại trừ tình trạng nhập lậu vàng khi giá trong nước chênh lệch rất cao với giá thế giới. Bên cạnh đó, có những thời điểm Chính phủ và các DN phải trả nợ cho nước ngoài cũng tạo áp lực lên tỷ giá. Xuất khẩu đang gặp nhiều rào cản khó khăn, trong khi nhập khẩu đã có bước khôi phục trở lại... Tất cả các yếu tố đó có thể là nguyên nhân khiến NHNN điều chỉnh tỷ giá. Nhưng theo tôi còn một lý do nữa là NHNN tăng tỷ giá như một định hướng trên thị trường ngoại hối. Thống đốc NHNN từng khẳng định sẽ giữ ổn định tỷ giá với mức tăng tối đa 2% - 3% trong năm nay, và lần tăng 1% này là một bước đi cần thiết. Với mức dự tính tăng 2% - 3% trong năm 2013, việc điều chỉnh tỷ giá theo từng bước là hành động khôn ngoan để “neo” tâm lý kỳ vọng của thị trường, một yếu tố quan trọng góp phần giữ ổn định tỷ giá trong 2 năm qua. Và như vậy không loại trừ khả năng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm một lần điều chỉnh tỷ giá nữa, với mức không thấp hơn 1%.

MINH GIANG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục