Cho vay hỗ trợ nhà ở lãi suất 6%/năm - Tạo niềm tin, kích hoạt thị trường

Như Báo SGGP đưa tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở. Theo đó, người có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có cơ hội được vay vốn thuê mua nhà ở với lãi suất chỉ 6%/năm trong 3 năm đầu tiên. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho rằng, khi chính thức thực hiện gói hỗ trợ này sẽ góp phần tạo niềm tin, kích hoạt sức mua trên thị trường bất động sản.

* Phóng viên:
Thưa ông, dựa trên cơ sở nào NHNN đưa ra dự kiến mức lãi suất cho vay 6%/năm khi thực hiện gói hỗ trợ trên?

* Ông NGUYỄN VIẾT MẠNH: Khi đưa ra dự kiến trên, chúng tôi dựa vào tình hình thu nhập thực tế hiện nay của các đối tượng có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Chẳng hạn, một đôi vợ chồng công chức, viên chức hiện có thu nhập khoảng 12 - 15 triệu đồng/tháng, tức khoảng 140 - 180 triệu đồng/năm. Nếu họ phải đi thuê nhà sẽ mất khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng, khoảng 60 triệu đồng/năm. Nếu họ đi vay để mua một căn nhà với giá khoảng 900 triệu đồng, lãi suất thông thường khoảng 10%/năm thì riêng tiền lãi đã mất khoảng 100 triệu đồng/năm, chưa kể trả nợ gốc. Như thế, thu nhập của họ không thể bảo đảm cuộc sống. Nếu họ được vay với lãi suất 6%/năm, tiền lãi chỉ tương đương hoặc thấp hơn số tiền thuê nhà. Như vậy, thay vì đi thuê nhà họ có thể vay để mua nhà.

Tất nhiên, để mua được nhà, bản thân người mua cũng phải có một khoản tiền nhất định chứ không thể được vay toàn bộ. Tôi cho rằng, khi thực hiện chính sách này sẽ đáp ứng cho người có nhu cầu thực sự về nhà ở, góp phần tạo niềm tin cho người mua nhà, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

* Theo dự thảo thì thời hạn cho vay của chương trình này tối thiểu 10 năm, nhưng mức lãi suất 6%/năm được áp dụng ổn định chỉ đến thời điểm 15-4-2016. Vậy thời gian sau đó người vay sẽ trả lãi suất như thế nào?

* Nếu được thông qua, gói hỗ trợ sẽ có hiệu lực từ ngày 15-4-2013. Như vậy nếu ai vay sớm sẽ được hưởng mức lãi suất 6%/năm càng dài (chứ không phải cố định trong 3 năm đầu kể từ thời điểm giải ngân), vay muộn thời gian được hỗ trợ lãi suất sẽ ngắn. Chúng tôi đưa ra quy định như vậy nhằm khuyến khích và thúc đẩy chương trình này nhanh đi vào thực hiện, sớm tạo ra hiệu ứng tích cực cho thị trường. Sau thời điểm 15-4-2016, khách hàng tiếp tục được hưởng chính sách lãi suất hỗ trợ theo công bố của NHNN. Khi đó, mức hỗ trợ nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô cũng như tình hình của thị trường bất động sản, nhưng quan điểm chung người vay vẫn được hưởng chính sách lãi suất hỗ trợ thấp hơn lãi suất vay thương mại.

* Theo dự thảo, các ngân hàng thương mại nhà nước (gồm Agribank, VietinBank, BIDV, VietcomBank và MHB) phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ để cho vay theo chương trình này. Vậy có thể tính được tổng số vốn cho vay là bao nhiêu, và lượng vốn này sẽ tác động đến thị trường bất động sản như thế nào, thưa ông?

* Với quy định trên, lượng vốn tối thiểu mà các ngân hàng thương mại nhà nước dành cho chương trình này vào khoảng 45.000 tỷ đồng. Số vốn này không lớn so với nhu cầu của thị trường, nhưng như tôi đã nói, mục tiêu của chương trình là tạo ra tâm lý tin tưởng cho người vay để mua nhà, tập trung vào phân khúc nhà giá rẻ. Khi triển khai sẽ tạo ra giao dịch trên thị trường, kích hoạt sức mua, làm thị trường bất động sản ấm lên. Và điều quan trọng là chương trình hướng đến nhu cầu thực sự của những người chưa có nhà ở, đưa ra mức hỗ trợ hợp lý để họ có điều kiện mua được nhà và có ý nghĩa về mặt xã hội.

* Thông thường khi có chính sách hỗ trợ thì bao giờ trong quá trình triển khai cũng có nhiều trường hợp “lách” luật để được hưởng ưu đãi. Vậy chương trình này có cơ chế giám sát như thế nào để rót vốn đến đúng đối tượng?

* Với chương trình này, khi các ngân hàng cho vay đều yêu cầu hồ sơ rất rõ. Chẳng hạn, với hồ sơ xin vay phải có giấy chứng nhận đúng đối tượng được cấp có thẩm quyền xác nhận. Với ngân hàng, khi cho vay cũng có giấy chứng nhận để thông báo trên toàn hệ thống (do Trung tâm thông tin tín dụng quản lý), nên trong khuôn khổ gói hỗ trợ này mỗi khách hàng chỉ có thể được vay 1 lần ở 1 ngân hàng. Hơn nữa, chương trình này chỉ hỗ trợ về nguồn vốn và lãi suất, còn tất cả các điều kiện tín dụng thì ngân hàng cho vay sẽ phải chịu trách nhiệm rủi ro. Nguồn tái cấp vốn mà NHNN cấp cho các ngân hàng thương mại (30.000 tỷ đồng) có lãi suất chỉ thấp hơn lãi suất cho vay 1,5%, nên nếu các ngân hàng thương mại không quản lý tốt họ sẽ bị thiệt. Nghĩa là không phải ai muốn vay cũng được mà phải đúng đối tượng mới vay được.

* Vừa qua NHNN đã lấy ý kiến một số bộ, ngành, địa phương về dự thảo này. Có ý kiến phản hồi nào khác không, thưa ông?

* Về cơ bản đều đạt được sự đồng thuận. Chỉ có Bộ Xây dựng đề nghị chia nguồn vốn thành 2 phần: 35% cho vay các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội; 65% cho vay các đối tượng cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng có thu nhập thấp. Tuy nhiên, chúng tôi thấy nếu chia như vậy sẽ rất khó kiểm soát. Bộ Xây dựng cũng muốn bổ sung hình thức vay để mua nhà ở xã hội nhưng hiện luật chưa cho phép nên trong khuôn khổ gói hỗ trợ này chúng tôi mới chỉ thiết kế hình thức vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội; còn vay để mua chỉ áp dụng với trường hợp mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng quy định rõ vấn đề này.

* Xin cảm ơn ông! 

BẢO MINH thực hiện

Tin cùng chuyên mục