Trong khi đất nhà hợp pháp bị chiếm dụng, sáng 28-6, ông Bùi Thiện Dân, cho biết, Cảng cá Định An vừa gửi văn bản yêu cầu gia đình ông di dời các vật dụng hàn tiện ra khỏi khu vực của cảng, nhằm trả lại mặt bằng cho cảng. Nếu quá ngày 30-6, chưa di dời sẽ bị thu giữ các tài sản hàn tiện.
Ông Bùi Thiện Dân cho biết, mấy ngày nay chạy đôn chạy đáo, đến các cơ quan chức năng từ huyện đến tỉnh “cầu xin” thi hành án, trả lại 230m² đất của gia đình, bị ông Nguyễn Hồng Nhẫn chiếm dụng hàng chục năm, để di dời cơ sở hàn tiện ra khỏi khu vực Cảng cá Định An.
Gia đình ông Dân sống bằng nghề hàn tiện ở cảng Định An. Năm 2002, Nhà nước giải tỏa đất khu vực này nhằm mở rộng cảng cá và gia đình ông bị ảnh hưởng. Sau đó, ông được giao một miếng đất 551m² (giao đất có thu tiền) đối diện cảng cá để di dời cơ sở hàn tiện. Năm 2008, ông Dân chưa kịp di dời thì bị ông Nguyễn Hồng Nhẫn chiếm dụng 80m² xây nhà máy nước đá. Ông Dân báo cho ngành chức năng lập biên bản vi phạm, yêu cầu tháo dỡ, tuy nhiên ông Nhẫn vẫn ngang nhiên lấn thêm đến 230m².
Vụ chiếm đất được kiện ra tòa và qua nhiều lần xét xử, các cấp tòa đều tuyên buộc ông Nhẫn trả lại đất cho ông Dân. Tại lần xét xử phúc thẩm gần đây, vào ngày 29-3-2018, TAND tỉnh Trà Vinh buộc hộ ông Nguyễn Hồng Nhẫn tháo dỡ, di dời toàn bộ nhà xưởng sản xuất nước đá, trả lại 230m² đất chiếm dụng cho ông Bùi Thiện Dân; đồng thời buộc ông Nhẫn bồi thường thiệt hại cho ông Dân hơn 128 triệu đồng (chiếm dụng đất nhiều năm). Thế nhưng, đến nay bản án không thi hành, ông Nhẫn tiếp tục chiếm dụng đất kinh doanh trục lợi bất chấp pháp luật.
Do cần đất để di dời gấp cơ sở hàn tiện, nhằm trả lại mặt bằng cho cảng cá Định An, nên ông Dân liên tục gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan huyện, tỉnh… thi hành án theo quyết định của TAND tỉnh Trà Vinh. Song, tất cả đều rơi vào im lặng? Bên cạnh đó, ông Dân cũng gửi đơn nhờ báo chí hỗ trợ. Phóng viên Báo SGGP đã nhiều lần liên hệ làm việc với ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú, nhưng ông này từ chối tiếp báo chí và “đẩy” sang Chi cục THADS huyện. Song, chi cục này cũng từ chối trả lời báo chí.
Phóng viên Báo SGGP tiếp tục tìm đến Cục THADS tỉnh Trà Vinh hỏi về việc chậm thi hành án. Ông Lê Trai, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Trà Vinh cho rằng, thời gian qua Chi cục THADS huyện Trà Cú phối hợp cùng các ngành chức năng nhiều lần vận động, nhưng ông Nhẫn và các thành viên chưa thi hành. Xét thấy ông Nhẫn và gia đình không tự nguyện thi hành nên Chi cục THADS huyện xây dựng kế hoạch cưỡng chế. Tuy nhiên, do việc di dời khí gas và xử lý gas cần phải thuê đơn vị có đủ điều kiện thực hiện; đồng thời lập phương án giám sát di dời, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, môi trường… đây là nguyên nhân khách quan nên đến nay chưa thi hành được (!?).
Trong khi đó, ông Bùi Thiện Dân cho biết, các ngành chức năng huyện, tỉnh cũng nhiều lần đề nghị ông Dân tìm kiếm các đơn vị xử lý hệ thống gas và ông đã giới thiệu. Song, không hiểu sao đơn vị thi hành án không chọn; ngoài ra cứ “viện lý do” khó xử lý khí gas nên kéo dài thời gian mà không thi hành án, không di dời nhà máy nước đá của ông Nhẫn để trả lại đất cho ông.
Trả lời về việc ông Nguyễn Hồng Nhẫn tự ý chiếm đất người khác hơn 11 năm, gây bức xúc dư luận ở Trà Vinh, đến bao giờ thì mới thi hành dứt điểm, trả lại đất hợp pháp cho người bị hại. Ông Lê Trai, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Trà Vinh nói: “Sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục THADS huyện Trà Cú xây dựng kế hoạch để tiến hành cưỡng chế?”. Tuy nhiên, không nói thời gian nào và bao giờ mới thi hành bản án đã có hiệu lực...