“Tài nguyên” của đô thị thông minh ​

Nhiều ý kiến chuyên gia nhấn mạnh đến nhiệm vụ tiên quyết mà TPHCM phải thực hiện trong năm 2018 là xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của thành phố.

Sử dụng công cụ QCode trên điện thoại thông minh để thanh toán khi mua hàng
Sử dụng công cụ QCode trên điện thoại thông minh để thanh toán khi mua hàng
“Người dân hỏi bao giờ hết kẹt xe, bao giờ hết ngập nước? Chúng ta chưa trả lời được vì dự báo chưa sát cũng như chưa mô phỏng được. Bản chất làm đô thị thông minh (ĐTTM) là cho bớt giật mình vì mọi thứ được dự báo. Nguyên tắc của ĐTTM là phải có tính dự báo. Do vậy, mục tiêu quan trọng nhất của đề án là phát triển kinh tế bền vững, trong đó phải dự báo được khó khăn, đưa ra giải pháp phòng ngừa và liên kết tốt…”. 
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã nói như vậy khi đề cập đến một trong 9 tiện ích mà Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” mang lại cho người dân và chính quyền thành phố. Điều mà người đứng đầu TPHCM đề cập đến là bài học đúc kết từ quá trình phát triển của các thành phố lớn trên thế giới, nay đã trở thành ĐTTM. Việc trước tiên và tối quan trọng là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung, trên cơ sở tích hợp các dữ liệu riêng lẻ ở từng cơ quan công quyền, doanh nghiệp và các nguồn dữ liệu khác. 
TPHCM càng không phải ngoại lệ, bởi muốn vận hành ĐTTM lớn với xấp xỉ 13 triệu dân (bao gồm cả những người tạm trú trên 6 tháng) đòi hỏi phải có đầy đủ thông tin đa chiều để điều phối xử lý, dự báo, hoạch định chiến lược. Từ thực tế của thành phố cho thấy, ngay trong lĩnh vực giao thông, 6 triệu phương tiện vận chuyển cá nhân hoạt động nhưng thiếu kiểm soát trong điều phối, phân luồng thì chuyện tắc đường là… đương nhiên. Song, khi trở thành ĐTTM, trên cơ sở dữ liệu, ngành giao thông có thể điều tiết tự động để giảm thiểu được tình trạng này. Hay như trong lĩnh vực phát triển đô thị, các dữ liệu mở về quy hoạch đô thị sau khi được thu thập và tích hợp, cho phép người dân có thể truy cập và tìm thông tin một cách nhanh chóng trong các giao dịch, đẩy mạnh tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.
Từ đó, nhiều ý kiến chuyên gia nhấn mạnh đến nhiệm vụ tiên quyết mà TPHCM phải thực hiện trong năm 2018 là xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Võ Thị Trung Trinh, có 2 giai đoạn giải quyết bài toán cơ sở dữ liệu: thứ nhất là xây dựng cơ chế tạo lập và khai thác cơ sở dữ liệu; thứ hai rất quan trọng là cơ chế để duy trì cập nhật cơ sở dữ liệu này. Như vậy, phải làm trước tạo lập cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dự kiến bắt đầu với 4 nguồn chính: cơ sở dữ liệu dân cư; cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý (GIS) để quản lý đô thị trên bản đồ số; dữ liệu hoạt động doanh nghiệp và cuối cùng là liên thông hệ thống quản lý văn bản, quyết định hành chính điện tử. Tuy nhiên, phải xác định được kiến trúc của kho dữ liệu, tức là cần những loại dữ liệu nào, thuộc tính của chúng... Tiếp đó cũng phải công bố và quy định cơ chế, chuẩn trao đổi, chia sẻ và quản lý thông tin; cơ chế kiểm tra và đối soát dữ liệu kèm các quy định khen thưởng, xử phạt.
“Có cơ sở dữ liệu này còn tạo điều kiện hình thành đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng khai thác dữ liệu để tạo doanh thu”, bà Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh. 
Đánh giá Kho cơ sở dữ liệu dùng chung có vai trò nền tảng, làm tiền đề thực hiện 3 trụ cột còn lại trong đề án ĐTTM của TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị triển khai Kho cơ sở dữ liệu dùng chung phải đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán với dữ liệu tại các quận, huyện hiện nay. Đặc biệt “không sử dụng các tổ chức nước ngoài thực hiện trụ cột này vì đây là tài nguyên, cần được bảo vệ”.

Tin cùng chuyên mục