Tuy nhiên, để chất lượng môi trường cải thiện hiệu quả và bền vững, cần thiết phải có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp (DN) tiếp cận quỹ tài chính xanh. Trên thực tế, quỹ tài chính xanh đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Theo đó, các DN có nhu cầu cải tạo đầu tư dây chuyền sản xuất có tính đến các yếu tố tiết kiệm năng lượng, thay thế sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh học, tiết giảm nguồn nước, tăng hiệu quả xử lý chất thải phát sinh… sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi hơn cho vay thông thường.
Mặt khác, ở góc độ thị trường, các DN xanh cũng sẽ được hưởng những chính sách ưu tiên thu mua, phân phối và hỗ trợ thông tin tuyên truyền đến người tiêu dùng hơn những DN có sản phẩm cùng loại nhưng thiếu yếu tố “xanh”.
Tại Việt Nam, việc cần thiết thành lập quỹ tài chính xanh cũng đã được đề cập đến từ lâu. Bản thân Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương đã thành lập quỹ bảo vệ môi trường, nhằm hỗ trợ cho các DN liên quan đến các hoạt động đầu tư xanh. Lãi suất vay từ các nguồn quỹ này cũng rất ưu đãi, giao động từ 2,6% và 3,6%/năm. Thời gian vay tối đa 10 năm, thời gian ân hạn lên tới 2 năm. Mức cho vay tối đa 50 tỷ đồng đối với một dự án và không quá 100 tỷ đồng đối với một chủ đầu tư.
Có thể nói, về hình thức, chính sách ưu đãi trên bước đầu đáp ứng yêu cầu của DN. Thế nhưng, trên thực tế, thủ tục để được duyệt vay dự án còn rất phức tạp, rườm rà, thậm chí là nhiêu khê, nên DN ngại tiếp cận. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cho đến nay sau 17 năm thành lập, chỉ có 268 dự án tại 51 tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp cận nguồn vốn vay từ nguồn quỹ bảo vệ môi trường.
Các DN thường tìm đến nguồn vốn vay của các hệ thống tài chính, ngân hàng. Lợi thế của nguồn vốn vay này luôn dồi dào, mức trần không giới hạn mà chủ yếu phụ thuộc vào khả năng và nhu cầu vay của DN, thủ tục đơn giản hơn. Thế nhưng, hạn chế của nguồn vốn này là áp dụng chung cho tất cả các khách hàng và không tính đến ưu đãi cho yếu tố xanh trong hoạt động cho vay.
Theo ý kiến của nhiều DN, thị trường tiêu dùng xanh hiện đã được hình thành và đang phát triển nhanh tại trong và ngoài nước. Đặc biệt, tại những nước xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, nếu DN không đáp ứng các yếu tố xanh sẽ có nguy cơ bị loại khỏi thị trường. Do vậy, cùng với những giải pháp phát triển bền vững hiện nay mà Chính phủ đang đẩy mạnh như tăng mức xử phạt DN vi phạm môi trường, cần thiết thực hiện hỗ trợ sản xuất xanh.
Song song đó, cần có chính sách kinh tế để kích cầu tiêu dùng xanh kết hợp tăng khả năng nhận diện cho sản phẩm của DN xanh tại thị trường trong nước. Đây sẽ là động lực để DN trong nước chuyển đổi nhanh theo hướng sản xuất xanh, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đang theo đuổi.