Tác giả Thắng Sói trải lòng về “Việt Nam - Bản hòa tấu không trung”

 “Tôi sẽ bắt đầu bằng chuyện một số người muốn phim của tôi phải thế này, thế khác, sao không kéo dài chỗ nọ, cắt ngắn chỗ kia, sao không lắp liền mạch mà như băm vụn... Tôi lý giải đơn giản thôi, nó là phim của tôi, là ý niệm của chính tôi, nếu khác đi thì... tôi không phải là tôi rồi” 

Tác giả Lê Thế Thắng - được nhiều người biết đến với cái tên Thắng Sói - đã bắt đầu như thế về những chia sẻ của anh liên quan bộ phim mới nhất về Việt Nam nhìn từ trên cao “Việt Nam - Bản hòa tấu không trung” (Vietnam an Aerial Concert).

Về nhạc, trước thông tin nhiều người thắc mắc tại sao phim về Việt Nam mà tác giả lại dùng nhạc nước ngoài, Thắng Sói chia sẻ anh đã có một quá trình dài thực hiện một bản nhạc mang hơi thở Việt cho phim của mình, nhưng rất tiếc cuối cùng bản nhạc chưa thể hoàn thành vì nhạc sĩ bận đột xuất.

“Bản nhạc tôi sử dụng cho phim ban đầu chỉ là bản nháp để tôi lấy nhịp, sau đó tôi đã mua bản quyền và sử dụng nó như bản chính thức đầu tiên”, Thắng Sói cho biết.

Về tổng thể, bộ phim là “sự tổng hòa cảm nghĩ, là ý niệm của tôi về đất nước của mình”, tác giả cho biết.

Tác giả Thắng Sói trải lòng về “Việt Nam - Bản hòa tấu không trung” ảnh 1 Một cảnh trong "Việt Nam - Bản hòa tấu không trung"
Khác với “Việt Nam nhìn từ trên cao” (Vietnam From Above), “Việt Nam - Bản hòa tấu không trung” được tác giả chia ra thành 5 phần: Biển Cả; Núi Rừng; Những Miền Quê; Thành Thị; Quê Hương.

“Bốn phần đầu không khó để nhận ra, đó là những thành tố quan trọng của đất nước này, từ hình thái tự nhiên đến xã hội mà con người chúng ta đang sống. Một đất nước mà tự nhiên phân chia rõ núi rừng, đồng bằng và biển cả, thành thị và nông thôn. Một Quê hương tổng hòa có giá trị như thế nào với mỗi con người… Đan xen trong tất cả là những con người đang sống trong những hình thái đó, như tôi và tất cả các bạn”.

Thắng Sói cho biết "Tự hào quá”, “tuyệt vời Việt Nam”, “Tổ quốc ơi”... là những dòng cảm thán anh nhận được nhiều nhất ở người xem; anh đã sống nửa đời người ở đất nước này và anh đoán biết phản ứng của khán giả khi xem phim của mình nên không bất ngờ.

“Tôi yêu đất nước của mình qua những gì tự nhiên hình thành từ hàng triệu năm, yêu cảnh quan thiên nhiên và đời sống con người ở mọi vùng miền, yêu biển cả, núi đồi, yêu những không gian gắn với tuổi thơ của mình, yêu quê hương nơi bố mẹ, ông bà sinh ra, và yêu cả bầu trời mà con tôi đang từng ngày lớn lên. Và đi kèm với tình yêu đó là cả một khoảng rộng lớn đặc quánh sự muộn phiền... Và tôi dành một phần cảm thức lẫn lộn giữa những yêu thương, hãnh diện, tự hào và đau xót ấy thả vào từng đoạn phim trong "Bản hòa tấu không trung"”.

Hãy nhìn vào Biển Cả: Nhìn vào những bình minh nắng rực rỡ, rồi những mưa và giông tố; nhìn vào những rộn ràng tấp nập và những hoang vắng... Tất nhiên tôi vẫn gieo cho mình hy vọng, bằng những nhịp chèo dứt khoát hướng ra biển xa, ở những giây cuối cùng.

Tác giả Thắng Sói trải lòng về “Việt Nam - Bản hòa tấu không trung” ảnh 2 Một cảnh trong phim
Hãy nhìn vào Núi Rừng: Là những cảnh quan tuyệt đẹp, là mùa màng làm say đắm lòng người. Từ mùa khô, đến nước về, đồng bào cày cấy, mùa màng bội thu. Đan xen trong đó là những cô đơn (một phần nào), là những to lớn nhưng cũng nhỏ bé, cần cả loài người yêu thương, chia sẻ.

Hãy nhìn vào Thôn Quê: Những cánh đồng bát ngát xanh, cò bay thẳng cánh. Những cây cầu, dòng sông đơn sơ mộc mạc. Những đàn trâu, bò, vịt cứ ngày một chơ vơ hơn giữa khoảng không của mình. Những đàn chim dáo dác bay. Những dấu tích cổ kính của làng quê xưa cũ hao mòn...

Hãy nhìn vào Thành Thị: Những con đường chật chội, những dòng xe lao vào nhau đan xen như tơ vò. Thành phố bên sông, cậu bé đung đưa chiếc xích đu dưới tán cây xanh rờn, tán cây được bao bọc bởi những tòa chung cư vài chục năm tuổi, những tòa chung cư như thế lại bao bọc nhau. Một khe sáng lọt qua khoảng sân tối om giữa những tòa nhà tổ ong mà người ta mới xây. Những cây cầu cả cũ cả mới, là những lối thoát nhỏ bé của những thành phố... Là những con người vẫn ngày ngày tất tả trong những đô thị như thế, và mỗi ngày, mỗi năm tháng đi qua, mọi thứ dường như đậm đặc hơn.

Tác giả Thắng Sói trải lòng về “Việt Nam - Bản hòa tấu không trung” ảnh 3
Và hãy nhìn vào Quê Hương: Những biển bạc, rừng vàng, những di sản hàng ngàn năm, hàng trăm năm, những cát bụi, hóa thạch. Nhưng hãy nhìn xem chúng ta đã, đang làm gì với quê hương ấy... Biển đã và đang chết đi. Nền công nghiệp ô nhiễm đang hủy hoại bầu không khí. Những núi đồi trọc trơ, đen nhám sau những đám cháy. Những dòng sông bị đào bới hàng ngày. Những người mẹ lạc lõng giữa không gian tĩnh lặng, vài đứa con nào bơ vơ chờ không thấy những con đò. Và những gì còn lại...
... Và các bạn, hãy xem lại lần nữa và ngẫm nghĩ về những điều như thế.
THẮNG SÓI

Tin cùng chuyên mục