Sau hội nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của các chuyên gia và lãnh đạo các địa phương, Nghị quyết 120/NQ-CP là bước chuyển căn bản, tạo tiền đề cho ĐBSCL phát triển nhanh từ năm 2018 và các năm tiếp theo, với mục tiêu lấy con người làm trung tâm.
Vị thế, tầm nhìn
ĐBSCL với 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương, có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước. ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ và có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam.
Trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển ĐBSCL, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Với sự nỗ lực của các địa phương, sự giúp đỡ của các đối tác phát triển, ĐBSCL đã có bước phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ĐBSCL là một trong 4 đồng bằng trên thế giới bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Công và các hoạt động nhân sinh khác, cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý nhà nước còn bất cập, thừa chồng chéo, thiếu phối hợp. Những tác động này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe doạ quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, qua đó tác động tới khu vực và quốc tế, đặc biệt là an ninh lương thực. Những ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi theo xu thế suy giảm tài nguyên nước, phù sa; sự gia tăng của nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân trong vùng.
Do đó, định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo. Sau Hội nghị về phát triển ĐBSCL, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về vấn đề này. Nghị quyết đưa các giải pháp tổng thể. Cụ thể, về tổ chức không gian lãnh thổ, hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng (vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước lợ, nước mặn,…). Bên cạnh đó, tổ chức, phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của vùng và từng tiểu vùng sinh thái; rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư trong đó kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao nhằm tránh rủi ro; dành không gian thoát lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện của vùng trên cơ sở tích hợp thống nhất các quy hoạch ngành, địa phương và sản phẩm chủ lực; giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công.
Hợp lực tạo sức mạnh
Để ĐBSCL phát triển bền vững, mối liên kết, hợp lực để tạo thành sức mạnh là một trong những giải pháp then chốt. Theo đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cần sự hợp lực giữa 3 chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh; xây dựng đề án liên kết tiểu vùng; đề xuất đầu tư kiến tạo mô hình các chuỗi giá trị cho từng ngành hàng; phát huy hiệu quả vai trò của kinh tế hợp tác trong tái cơ cấu kinh tế khu vực ĐBSCL; định hướng xây dựng, phát triển các hiệp hội ngành hàng cấp vùng; sớm đổi mới quy hoạch, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho vùng... Cùng quan điểm trên, đồng chí Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nêu 5 vấn đề cần triển khai ngay. Đó là: Nâng cao chất lượng dự báo, thông tin chỉ đạo điều hành, tuyên truyền về biến đổi khí hậu; có giải pháp công trình, phi công trình cấp quốc gia để bảo vệ đất, phù sa, ngăn chặn sạt lở hiệu quả; quyết đoán bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt, xây dựng các công trình điều tiết lũ; có giải pháp cơ cấu lại sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân; Chính phủ có cơ chế ưu đãi về vốn cho địa phương đầu tư các công trình công cộng, đồng thời ban hành cơ chế đặc biệt thu hút các nhà đầu tư vào các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu...
Theo đồng chí Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ứng phó với những thách thức đa chiều, phức tạp của biến đổi khí hậu và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường là hai vấn đề được chính quyền thành phố quan tâm và là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Hiện Cần Thơ đã trở thành thành viên trong mạng lưới 100 thành phố trên toàn cầu có khả năng chống chịu (100RC) do Quỹ Rockefeller khởi xướng, với mục tiêu hỗ trợ thành phố xây dựng khung chiến lược có khả năng thích nghi, chống chịu trong tương lai với các vấn đề, áp lực cũng như cú sốc bất thường lên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường để thành phố phát triển một cách bền vững.
Theo đồng chí Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, Nghị quyết của Chính phủ nêu giải pháp xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm: Thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực là hướng đi hợp lý. Việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển vùng và tiểu vùng sinh thái để nâng cao hiệu quả, thực chất, theo hướng thu gọn đầu mối, lấy quản lý thông minh tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và vùng ĐBSCL làm trọng tâm xuyên suốt là vấn đề mà lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng phải chung tay, hợp lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tầm nhìn đến năm 2100
ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biển đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Mục tiêu đến năm 2050
- ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển.
- Mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hạ tầng thủy lợi, thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước được xây dựng đồng bộ. Hệ thống các cơ sở văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục, thể thao ở mức cao so với cả nước; kinh tế phát triển năng động và hiệu quả với cơ cấu kinh tế phù hợp.
(Nguồn: Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL)
- Mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hạ tầng thủy lợi, thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước được xây dựng đồng bộ. Hệ thống các cơ sở văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục, thể thao ở mức cao so với cả nước; kinh tế phát triển năng động và hiệu quả với cơ cấu kinh tế phù hợp.
(Nguồn: Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL)