Sứ mệnh của thể thao

 
Khi TPHCM được Trung ương trao thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, những người làm thể thao TPHCM cảm thấy như có thêm động lực. Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 HĐND vừa qua, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết việc đăng cai SEA Games 2021 đang ở những khâu cuối cùng trước khi báo cáo Chính phủ, song song đó là xúc tiến nhanh quá trình đầu tư Khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc. Trên cơ sở đó, người dân mong mỏi, trong vòng 5 năm tới, bộ mặt của thể thao TPHCM sẽ đổi khác. Vấn đề còn lại đó là nội lực.

Một trong những khó khăn của thể thao TPHCM đó là yếu tố tài chính. Lâu nay, người làm thể thao cứ than thở về việc không ít VĐV giỏi của TP đầu quân cho địa phương khác, hoặc ngân sách ngành không đủ để tăng số lượng VĐV được đưa đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Trong cái khó chung của ngân sách TP thì ít nhiều, lĩnh vực thể thao cũng chịu thiệt thòi.
Nhưng nay, vấn đề đặt ra là liệu thể thao TPHCM có tận dụng cơ chế để quay trở lại thời hoàng kim hay không? Đặt ra câu hỏi ấy là bởi trong thời gian qua, có những môn thể thao không hề bị “trói” bởi cơ chế nào như bóng đá, bóng chuyền… vẫn không phát triển. Số lượng các CLB từ bán chuyên cho đến V-League của TPHCM hiện nay không nhiều hơn so với nơi khác. 
Sau khi trung tâm đào tạo trẻ PVF chuyển ra phía Bắc thì thậm chí, bóng đá TPHCM cũng chẳng còn “lò” đào tạo nào cung cấp lực lượng tại chỗ. Xét về mặt “cởi trói” cơ chế thì chính bóng đá TPHCM là nơi “đi trước” từ những năm 90 thế kỷ trước, nhưng rốt cục thì đang “về sau”, chỉ duy trì được ở môn bóng đá nữ và futsal. Hoặc như môn cầu lông, hơn 10 năm trước đã từng có khu luyện tập cầu lông cao cấp trong khuôn viên Trung tâm thể thao Phú Thọ. Cùng thời gian đó, cầu lông TPHCM có Nguyễn Tiến Minh trong nhóm hàng đầu thế giới. Nhưng nay, Tiến Minh gần giải nghệ mà một nơi chuyên đào tạo và thi đấu cầu lông đỉnh cao vẫn chưa có. Không thể lấy lý do “cơ chế” trong các trường hợp như thế này.
Thế nên, với những cơ chế đặc thù mà TPHCM đang khẩn trương triển khai vào thực tế thì những người làm thể thao đang đối diện với nhiều thách thức phải vượt qua để phát triển. Đó là bài toán sử dụng hiệu quả các cơ sở vật chất chất lượng cao trong trường hợp đăng cai SEA Games 2021, đặc biệt là Khu liên hiệp Thể thao Rạch Chiếc với quy mô hàng đầu Đông Nam Á. Đó là bài toán về vận động nguồn lực đầu tư từ xã hội cho các môn thế mạnh như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, bơi lội… Nhưng trên hết là bài toán về con người khi hiện nay, hệ thống đào tạo VĐV đỉnh cao của TPHCM đang sa sút vì thiếu HLV giỏi hoặc không đủ ngân sách để thu hút người giỏi về làm việc tại TP vốn có mức sinh hoạt rất cao. Sẽ không thể có một nền thể thao mạnh nếu thiếu tiền, thiếu người giỏi dù dư thừa cơ sở vật chất.

Bộ mặt thể thao TPHCM chắc chắn sẽ thay đổi, nguồn đầu tư cho lĩnh vực này chắc chắn cũng sẽ tăng, xét ở khía cạnh nào đó, thể thao TPHCM cũng phải thay đổi mạnh mẽ. Bởi lẽ, với những đột phá từng có trước đó, khi có thêm cơ chế thì chẳng khác nào thể thao được “chắp cánh”  để có thể bay cao hơn chứ không đơn thuần chỉ là thay đổi, cải tiến như các lĩnh vực khác. 

Tin cùng chuyên mục