“Ngày hội sách châu Âu” năm nay đánh dấu lần thứ 4 sự kiện có mặt tại TPHCM, lần thứ 9 tại Hà Nội và lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng.
Năm 2019, có 10 quốc gia trong Cộng đồng châu Âu tham gia ngày hội sách gồm: Anh, CH Séc, Pháp, Đức, Hungary, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Phái đoàn Wallonie - Bruxelles tại Việt Nam.
Văn học châu Âu không xa lạ với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Rất nhiều tác phẩm kinh điển, đương đại đã và đang tiếp tục đến với độc giả trong nước, trở thành bảo chứng trong việc tìm kiếm và lựa chọn của độc giả. Nhiều thế hệ độc giả Việt Nam đã tiếp xúc với các tác phẩm văn học châu Âu qua những tác phẩm của Nga như: Đất vỡ hoang, Đêm trắng, Anna Karenina, Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn… Về sau, ngoài Nga, Anh, Pháp, biên độ của văn học châu Âu được mở rộng sang nhiều quốc gia khác như Thụy Điển, Italy, Đức… với nhiều tác phẩm như: Charlotte, Chú bé mang pyjama sọc, Nếu một đêm đông có người lữ khách, Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ, Người đọc, Giết con chim nhại, Bác sĩ Zhivago…
Chia sẻ tại buổi khai mạc, ông Bruno Angelet - Đại sứ trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho rằng, các bạn trẻ ngày nay rất thông minh, giỏi trong lĩnh vực công nghệ số, chơi game hay tham gia mạng xã hội. Tuy nhiên, không có cách nào tốt hơn để tạo ra và nuôi dưỡng sự sáng tạo của mình bằng cách đọc những quyển sách hay. Ông Bruno Angelet lý giải: “Khi chúng ta đọc một quyển sách, chúng ta theo dõi những sự kiện hay nhân vật trong quyển sách đó. Qua những việc như vậy sẽ tạo ra cho chúng ta những cảm xúc cho nhân vật hay những suy nghĩ về các dữ liệu ấy. Chính việc đọc sách mới giúp kích thích trí não của chúng ta. Thêm một điều nữa, khi đọc sách, ngôn ngữ của chúng ta, vốn từ và hiểu biết của chúng ta tốt lên rất nhiều. Chúng ta có thể học hỏi cách viết, ngữ pháp, điều mà chúng ta không có được khi đọc trên mạng xã hội. Đây là lý do mà chúng tôi cố gắng thúc đẩy sự có mặt của “Ngày hội sách châu Âu” trong vòng 4 năm qua tại TPHCM”.
Còn Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt lại đề cập đến một “điều kỳ diệu” khác của văn học: “Chính sức sống mãnh liệt của văn học châu Âu đã gắn kết những mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia trong cộng đồng châu Âu trên nhiều lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, kinh tế. Các quan hệ hợp tác này ngày càng cho thấy sự bền chặt, sâu rộng, tin cậy và hiệu quả”.
Năm nay, “Ngày hội sách châu Âu” kéo dài từ ngày 12 đến 25-5 với nhiều chương trình hấp dẫn diễn ra tại Đường sách TPHCM, như: Chương trình giao lưu “Văn học Séc dưới góc nhìn người Việt”, ra mắt tập truyện ngắn Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông của nhà văn Jan Neruda (ngày 15-5); giao lưu “Văn học Hungary tại Việt Nam”, xoay quanh tiểu thuyết Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời của nhà văn Kertész Imre (ngày 16-5); giao lưu “Trẻ em đường phố: những góc nhìn khác” (23-5); giới thiệu sách Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo của tác giả Jean-Pierre Orban (ngày 24-5).