Trong thành quả ấy, cũng có sự góp sức của nhiều nhà khoa học trẻ đam mê nghiên cứu khi vẫn còn là sinh viên.
Dấn thân vào khoa học hàn lâm
Nguyễn Trung Tín thuộc lớp sinh viên hệ chất lượng cao đầu tiên của chuyên ngành Kinh doanh quốc tế (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường ĐH Tôn Đức Thắng). Những năm đầu đại học, ngoài việc trau dồi kiến thức chuyên ngành, ngoại ngữ, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, Tín cũng đã trải nghiệm vai trò thực tập sinh ở doanh nghiệp. Cậu sinh viên trẻ lúc này vẫn chưa định hình về khái niệm “nghiên cứu khoa học”. Cho đến năm cuối, có dịp gặp gỡ với TS Phùng Minh Tuấn, Trưởng bộ môn Marketing của khoa, Tín bén duyên với con đường học thuật qua sự định hướng và chỉ dẫn của thầy.
Sau gần một năm tìm hiểu những khái niệm cơ bản, đọc và suy ngẫm những bài công bố trên các tạp chí lớn như ISI, SCOPUS, tham gia cùng giảng viên trong những công trình nghiên cứu, đến nay Tín đã có những thành tựu mà nhiều sinh viên phải ngưỡng mộ. Tháng 6-2018, Tín được vinh dự mời tham gia trình bày công trình tại hội thảo GIKA, Global Innovation & Knowledge Academy 2018 tại Tây Ban Nha cùng TS Phùng Minh Tuấn và TS Phạm Thị Minh Lý. Qua phần trình bày của mình, Trung Tín đã xuất sắc được vinh danh với giải thưởng của hội thảo này. Bài diễn thuyết của Tín tại Tây Ban Nha được chấp nhận đăng trên Journal of Business Research - một tạp chí ISI uy tín trong chuyên ngành kinh doanh. Thành công trên giúp Tín tăng thêm niềm đam mê với lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đặt học thuật hàn lâm thành mục tiêu phát triển của mình. Do đó, Tín đã xin và đạt học bổng du học thạc sĩ tại Đại học Phùng Giáp (lãnh thổ Đài Loan).
Cùng với Trung Tín, 2 sinh viên Huỳnh Nguyễn Minh Tâm và Phạm Ngọc Ái Nhi (Khoa Tài chính - Ngân hàng) cũng xuất sắc không kém khi đề tài The financial Effects of Trumpism (Ảnh hưởng tài chính của chủ nghĩa Trump) được đăng trên tạp chí Economic Modelling (thuộc danh mục ISI).
Còn tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), ai cũng biết đến chàng sinh viên Lê Huỳnh Minh Triết, Khoa Công nghệ thông tin, với những kỷ lục đáng nể. Đến năm học cuối, nam sinh này có bộ sưu tập “khủng” về nghiên cứu khoa học khi là tác giả chính của 7 bài báo khoa học quốc tế, trong đó có 2 bài thuộc danh mục ISI. Không chỉ gây ấn tượng với những kết quả trên, Minh Triết còn “ẵm” nhiều giải thưởng uy tín khác trong và ngoài nước. Chỉ một năm sau khi tốt nghiệp, Triết hiện đang học nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm và khoa học dữ liệu tại Australia.
Đam mê nghiên cứu ứng dụng
Rất nhiều sinh viên ở các trường hiện nay chọn hướng nghiên cứu ứng dụng và xuất sắc giành nhiều giải thưởng uy tín từ cấp quốc gia đến quốc tế.
Trường ĐH Duy Tân dù là tư thục nhưng lại là trường nằm trong tốp 10 trường ĐH của Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất từ 2014-2018. Bên cạnh đó, sinh viên của trường cũng giành nhiều giải thưởng quốc tế trong các cuộc thi về ý tưởng, sáng tạo. Sinh viên Đoàn Thị Thu Hà (năm 3 ngành Điện tử viễn thông) đoạt giải ba cấp quốc gia với đề tài “Tủ cấp phát bao cao su thông minh”, giải nhì cuộc thi Go Green In The City 2018 vòng loại châu Á - Thái Bình Dương, giải thưởng “Women in Business Award” của cuộc thi Go Green In The City 2018 với ý tưởng “Green Brake - Hệ thống phanh tái tạo chuyển đổi ma sát hao phí thành điện năng” (một trong 10 đội tham dự vòng chung kết toàn cầu cuộc thi Go Green In The City 2018 tại Hoa Kỳ).
Bắt đầu đam mê nghiên cứu từ năm thứ 3, Trương Công Toại (sinh viên năm 4 ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) đã mạnh dạn đăng ký đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo robot xoa bóp dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo”. Sau một năm nghiên cứu, thử nghiệm và vượt qua vòng loại của trường, đề tài do Toại chủ trì đã xuất sắc đoạt giải nhất nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2018.
Từng bị cảnh cáo học vụ, không hứng thú với việc học, nhưng Trần Đình Thục Đoan (sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh - Trường ĐH Tôn Đức Thắng) đã hoàn toàn thay đổi và đam mê nghiên cứu khi được học lớp nghiên cứu Marketing của TS Trần Trọng Thùy. Dưới sự hướng dẫn của thầy, Thục Đoan đã tiếp cận những tư duy và kỹ năng mới để phát huy sở thích nghiên cứu của mình. Với vốn tiếng Anh tốt, cô nữ sinh đã suy nghĩ hàng tháng trời để tìm đề tài và sau 12 tháng miệt mài đầu tư, sản phẩm “A revised model of e-brand equity and its application to high technology products” cũng đã hoàn thiện. Bài nghiên cứu tập trung vào việc mở rộng, phát triển khái niệm vốn thương hiệu thành vốn thương hiệu điện tử trong bối cảnh có sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội trong quản trị thương hiệu. Thành công đã đến với cô nữ sinh cá tính này khi bài nghiên cứu được chấp nhận và công bố trên tạp chí The Journal of High Technology Management Research - một tạp chí nằm trong danh mục Scpous có thứ hạng H-index là 38, khá cao trong ngành.