Sáng 8-6, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã thông qua luật Luật Quốc phòng (sửa đổi)
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, về chính sách của nhà nước về quốc phòng (Điều 4), khoản 4 quy định việc huy động nguồn lực cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; khoản 5 quy định việc khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho quốc phòng... Như vậy, đã bao hàm cả nguồn lực trong nước và nước ngoài.
Có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách đặc thù đối với công dân và gia đình họ khi đến công tác tại biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng thời quan tâm thực hiện chính sách hậu phương quân đội. UBTVQH thấy rằng, chính sách ưu đãi trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; chính sách đặc thù theo địa bàn đã được quy định tại khoản 7 Điều này; chính sách đối với công dân phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc được huy động làm nhiệm vụ quốc phòng và thân nhân đã được quy định tại khoản 4 Điều 5; chính sách hậu phương quân đội đã được quy định tại điểm g khoản 2 Điều 9, đồng thời thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Về phòng thủ quân khu (Điều 8), có ý kiến đề nghị tại khoản 1 cần quy định rõ sự gắn kết giữa phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với phòng thủ quân khu, phòng thủ đất nước trong thế trận toàn dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng UBTVQH thấy rằng, sự gắn kết giữa khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với phòng thủ quân khu, phòng thủ đất nước đã thể hiện rõ tại khoản 6 Điều 3, khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 9. Do đó, đề nghị Quốc hội không bổ sung nội dung này.
Về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng (Điều 15), có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về phạm vi, hoạt động phục vụ mục đích quốc phòng với việc làm kinh tế đơn thuần.
UBTVQH thấy rằng, hiện nay Bộ Quốc phòng đang thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sẽ không còn doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bình đẳng như các doanh nghiệp khác.
Các tập đoàn kinh tế - quốc phòng được tổ chức, hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật, đứng chân và hoạt động chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người...; có nhiệm vụ tham gia xóa đói, giảm nghèo, củng cố và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đồng thời là đơn vị quản lý, huấn luyện dự bị động viên, sẵn sàng mở rộng, chuyển thành các đơn vị bộ đội chủ lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
Điều 19. Tổng động viên, động viên cục bộ
1. Khi có quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
2. Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
3. Lệnh tổng động viên được ban bố công khai trên phạm vi cả nước; thực hiện toàn bộ kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đáp ứng các nhu cầu quốc phòng trong tình trạng chiến tranh. Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ được chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu phù hợp, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và được bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật. Quân đội nhân dân được bổ sung quân nhân dự bị.
4. Lệnh động viên cục bộ được ban bố công khai ở một hoặc một số địa phương và được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương thuộc diện động viên được chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và nhu cầu quốc phòng.
Khi thực hiện lệnh động viên cục bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh cho một số đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu phù hợp, bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật; bổ sung quân nhân dự bị cho một số đơn vị Quân đội nhân dân, mở rộng Dân quân tự vệ ở địa phương nhận lệnh động viên cục bộ.
5. Khi không còn tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ việc tổng động viên, động viên cục bộ.
6. Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ lệnh đã công bố.