Sẻ chia để người nghèo vùng lũ ấm lòng đón tết

Cận tết, người nghèo miền Trung từng bị thiệt hại nặng nề trong thiên tai bão lũ cuối năm 2016 không những nhận được muôn vạn tấm lòng khắp cả nước gửi về mà chính ngay giữa vùng thiên tai bão lũ, những “lá… rách” cũng dang tay đùm những “lá… nát” ở phía bản làng còn ngấn lũ chưa phai.

Cận tết, người nghèo miền Trung từng bị thiệt hại nặng nề trong thiên tai bão lũ cuối năm 2016 không những nhận được muôn vạn tấm lòng khắp cả nước gửi về mà chính ngay giữa vùng thiên tai bão lũ, những “lá… rách” cũng dang tay đùm những “lá… nát” ở phía bản làng còn ngấn lũ chưa phai.

Đại diện Báo SGGP trao quà trợ giúp người nghèo vùng bão lũ Thừa Thiên - Huế đón tết

Lan tỏa tình yêu thương

Trở lại thị trấn Phong Điền và bản Hạ Long, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, từng là “rốn lũ” những ngày đầu tháng 11-2016, chúng tôi rất khâm phục bởi sự “hồi sinh” nhanh chóng của những vùng đất nghèo khó này. Từng thửa ruộng, luống rau đang khoe một màu xanh ngắt. Khắp thôn bản, ngõ xóm, mọi người hối hả sửa chữa và chuẩn bị trang hoàng nhà cửa để vui xuân, đón tết. Báo SGGP trước đó đã đến đây thăm hỏi và trao gần 1.000 suất quà bằng tiền mặt và hiện vật là các nhu yếu phẩm mà bạn đọc gửi tặng.

Gặp lại chúng tôi, mệ Nguyễn Thị Xảo (80 tuổi) ở thôn Vĩnh Nguyên, thị trấn Phong Điền, nghẹn ngào nói: “Nhờ Báo SGGP kịp thời đến giúp đỡ khẩn cấp 1 triệu đồng/hộ ngay khi lũ dữ vừa rút đã tạo điều kiện cho bà con chúng tôi mua cây giống, vật nuôi gây dựng lại kinh tế gia đình sau khi đã bị bão vùi, lũ dập. Riêng gia đình tôi, cùng số tiền của quý báo và kinh phí hỗ trợ từ địa phương, bà con trong xóm giúp đỡ về ngày công, mẹ con chúng tôi sắp lại có căn nhà mới (nhà cũ bị tốc mái hoàn toàn do lốc xoáy trong mưa lũ) để yên tâm lao động sản xuất” - mệ Xảo nói.

Ngược lên xã Hương Trạch và Lộc Yên của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh (đây là 2 địa phương đã được Báo SGGP về hỗ trợ 10 tấn gạo trong đợt lũ dữ cuối tháng 10-2016), sau lũ, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, nên người dân nơi đây đã dần gượng dậy, từng bước khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống.

Ông Cao Viết Hòa, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch, cho biết, lũ chồng lũ “cướp” đi của bà con địa phương gần 30 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cây bưởi Phúc Trạch hơn 18 tỷ đồng, gần 10.000 gia cầm bị cuốn trôi... Lũ rút, nhận được khoảng 5 tỷ đồng tiền hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể, cá nhân sẻ chia nên người dân đã nhanh chóng khôi phục được sản xuất, trong đó đã gieo trồng xong hơn 60ha cây bắp vụ đông và đang tập trung làm đất, chuẩn bị sản xuất lúa vụ xuân. UBND xã còn hỗ trợ giống cây các loại, gần 71 tấn gạo, gần 10.000 cây giống bưởi Phúc Trạch… “Cuộc sống người dân Hương Trạch đã đỡ hơn nhiều rồi… Mọi người đang động viên nhau đẩy mạnh sản xuất và chuẩn bị sơn sửa cửa nhà để đón tết trong đầm ấm, ý nghĩa” - ông Hòa phấn khởi.

Chị Nguyễn Thị Phong, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam cho biết, lũ muộn trung tuần tháng 12-2016 đã khiến 3 người dân địa phương thiệt mạng, 300ha lúa và hoa màu ngập úng, cây cối ngã đổ, hơn 3ha vùng nuôi tôm trái vụ bị lũ cuốn sạch. Lũ rút, đơn vị kêu gọi hội đồng hương Thăng Bình, hội những người con xa quê sinh sống tại các vùng miền hỗ trợ người dân khó khăn. Đáp lại, các đoàn từ thiện lần lượt đến động viên, giúp đỡ các hộ thiệt hại nặng về mọi mặt.

Cùng chung tâm tình, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã phối hợp với Công ty Cảng quốc tế Gemadept đến động viên chia sẻ những khó khăn với người dân vùng lũ. Đồng thời trao tặng 320 phần quà, mỗi phần quà trị giá 500 ngàn đồng gồm gạo, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt và 300 ngàn tiền mặt cho các hộ dân. Đoàn cứu trợ Công ty sữa Việt Nam đến thăm hỏi và trao 1.400 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho các hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ tại các huyện Phổ Đức, Mộ Đức, Nghĩa Hành của tỉnh Quảng Ngãi và các các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, An Nhơn, Tuy Phước và TP. Quy Nhơn của tỉnh Bình Định. Ngoài ra, đoàn còn trao nhiều suất quà trị già từ 5 đến 20 triệu đồng/suất cho các gia đình có người thân bị chết hoặc nhà bị sập trong mưa lũ.

“Trời hành bắt đất trả bù”

Nhằm giúp bà con ngư dân khắc phục thiệt hại khi 36 tàu cá đang neo đậu tại cầu cảng Đề Gi, xã Cát Khánh (Phù Cát, Bình Định) bị bứt neo và sóng lùa ra biển khiến tàu bị nhấn chìm hoặc đập vào vách núi, vào bờ kè vỡ nát, nhiều ngày nay hơn 30 cán bộ, chiến sĩ của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã hành quân về cùng với ngư dân các xã Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải nỗ lực kéo thành công 8 tàu cá mắc cạn trong lũ lên bờ; trục vớt tài sản và kêu gọi nhân dân kiểm tra, gia cố tàu thuyền đang neo đậu tại bến.

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định tham mưu UBND tỉnh này hỗ trợ các chủ tàu cá bị thiệt hại theo Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND về việc quy định mức hỗ trợ dân sinh, hỗ trợ sản xuất, tàu thuyền bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt. Theo đó, tàu từ 50 - 90CV; mức hỗ trợ 30 triệu đồng; tàu từ 90 - 250CV mức hỗ trợ 60 triệu đồng; tàu từ 250- 450CV mức hỗ trợ 100 triệu đồng; tàu từ 450 CV trở lên mức hỗ trợ 150 triệu đồng…

Màn sương sớm còn bao bọc vùng núi đồi Hương Sơn- Hà Tĩnh, chúng tôi đã theo con thuyền dọc bờ sông Ngàn Sâu để ngắm nhìn hình dáng những miền đất thường xuyên chịu sự gầm rú của lũ dữ. Chưa đầy 2 tháng oằn mình gánh chịu những đợt lũ dữ lịch sử, bằng tinh thần vượt khó cùng với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã góp phần giúp người dân Hương Khê dần khôi phục sản xuất, cuộc sống hồi sinh. Những cánh đồng bên sông Ngàn Sâu bị lũ phủ đầy bùn đất, rác rưởi, nay đã bao phủ bạt ngàn màu xanh non của cây bắp vụ đông, rau màu các loại. Hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá, chăn nuôi cũng được sửa sang, phục hồi.

Đang làm cỏ trên ruộng ngô xanh mướt, bà Phạm Thị Thảo (60 tuổi, ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê) phấn khởi: “Gia đình gieo trồng được 5 sào cây bắp vụ đông, nhờ có lượng phù sa sông Ngàn Sâu bù đắp sau lũ nên cây phát triển xanh tốt, dự kiến hơn 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch với lợi nhuận hàng triệu đồng… Năm nay, nhà tôi và nhiều gia đình khác ở xã này sẽ yên tâm, vui vẻ đón tết no ấm”.

Còn ông Nguyễn Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê phấn khởi: “Địa phương đã cơ bản khôi phục xong hậu quả lũ lụt, đồng thời gieo trồng được 92ha ngô, hơn 5ha rau màu các loại và đang tập trung làm đất để sản xuất lúa vụ xuân với 286ha. Lũ bắt đầu rút, lần lượt đã có 167 tổ chức, đoàn thể, cá nhân hỗ trợ tiền mặt và quà trị giá tương ứng 10,1 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh, huyện còn hỗ trợ người dân 100% giống và 50.000 đồng cho một sào đất sản xuất. Địa phương đang rà soát các hộ khó khăn để tiếp tục quan tâm, hỗ trợ gạo. Đặc biệt, xã đang triển khai chương trình “Tết vì người nghèo”, vận động tất cả cán bộ, nhân viên trong cơ quan quyên góp tương ứng một ngày lương, ở thôn xóm vận động quyên góp tối thiểu 20.000 đồng/hộ để chia sẻ, hỗ trợ những hộ dân quá khó khăn; quyết tâm không để một hộ nào trong xã thiếu đói, không có tết”, ông Quân tin tưởng.

Những tia nắng cuối đông rải xuống dòng sông Ngàn Sâu chở nặng phù sa. Những nương ngô bắt đầu nhú màu xanh mơn mởn. Chúng tôi chợt nhớ lời cảm ơn của cụ Mai Văn Dương ở xã Hương Trạch:  “Năm nào cũng có mưa bão, người dân cứ gồng mình vượt qua. Thiệt hại này chưa xong, thiệt hại khác lại ập đến. Song được bạn đọc Báo SGGP quan tâm giúp đỡ, người dân chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh vượt qua thiên tai, gầy dựng lại cuộc sống mới ngay trên đống đổ nát hoang tàn”.

VĂN THẮNG - DƯƠNG QUANG - NGUYỄN TRANG

Tin cùng chuyên mục