Sạt lở gây đảo lộn cuộc sống người dân An Giang

Sau 4 ngày xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang, cuộc sống người dân vẫn chưa thể ổn định. 
Người dân xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới, An Giang) chạy lở, tá túc trong các ngôi chùa Ảnh: ĐÔNG XUYÊN
Người dân xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới, An Giang) chạy lở, tá túc trong các ngôi chùa Ảnh: ĐÔNG XUYÊN
Bà con vẫn sống trong nỗi lo sợ và hoang mang, công việc lẫn chuyện học hành đều bị gián đoạn. Trong 2 ngày 25 và 26-4, Đoàn công tác của Bộ TN-MT do Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã về An Giang làm việc với chính quyền địa phương, khảo sát thực tế, thăm hỏi, tặng quà và chia sẻ khó khăn với những hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở.
Cần khảo sát, đánh giá tổng thể
Báo cáo với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang cho biết: Bình quân mỗi năm toàn tỉnh xảy ra khoảng 20 vụ sạt lở bờ sông, làm thiệt hại về tài sản khoảng 100 tỷ đồng. Đến thời điểm này, ở An Giang có khoảng 51 đoạn sông bị sạt lở và nguy cơ sạt lở, tổng chiều dài 162km, làm ảnh hưởng khoảng 20.000 hộ dân. Có nhiều nguyên nhân gây ra sạt lở như: thay đổi dòng chảy; thời tiết bất thường; tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng các công trình ven sông… Do sạt lở ngày càng phức tạp, nên tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống, khắc phục, tuy nhiên, địa phương vẫn chưa thể xử lý một cách căn cơ, lâu dài. Cũng theo ông Đức, đối với vụ sạt lở ở xã Mỹ Hội Đông là do thiên tai, bởi khu vực này không có khai thác cát. 
Tại buổi làm việc, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang kiến nghị Bộ TN-MT sớm khảo sát, đánh giá tổng thể về tình hình sạt lở ở An Giang và vùng ĐBSCL; qua đó có cơ sở khoa học để giúp các địa phương nâng cao năng lực đề phòng và xử lý sạt lở, cũng như cách ứng phó lâu dài; kiến nghị Bộ TN-MT đề xuất Chính phủ quan tâm và có cơ chế hỗ trợ khoảng 20.000 hộ dân trong tỉnh bị ảnh hưởng sạt lở di dời đến nơi an toàn trong 5 năm tới. 
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tình hình sạt lở hiện nay rất phức tạp, vì vậy cần sớm có nghiên cứu, đánh giá về hiện tượng sụp lún do các nguyên nhân khách quan, chủ quan; từ đó, có những giải pháp cụ thể. Đối với tình trạng sạt lở ở xã Mỹ Hội Đông những ngày qua, cần xem xét triển khai một số giải pháp như điều chỉnh quy hoạch các khu dân cư để tránh vùng nguy hiểm; hạn chế tối đa những hoạt động trái với quy luật tự nhiên; cân bằng lại dòng chảy ở khu vực này. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sẽ chỉ đạo Tổng cục Môi trường nghiên cứu đánh giá tác động môi trường toàn bộ các dự án liên quan đến nạo vét, khai thác cát. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng ân cần thăm hỏi từng hộ dân đã bị sạt lở trong ngày 21-4; trao quà và 5 triệu đồng tiền mặt cho mỗi hộ bị sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông vừa qua. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng quyết định trích từ Quỹ Bảo vệ môi trường 1 tỷ đồng để ủng hộ và góp phần giúp người dân vùng sạt lở ổn định cuộc sống và có sinh kế bền vững lâu dài.
Nỗi khổ chạy lở
Ngoài 107 hộ đã di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm, hiện tại đã có thêm 1 hộ bắt buộc rời nơi sinh hoạt thường ngày, do vết nứt vẫn còn và sạt lở tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. “Có nhà không thể ở trong nhà” luôn là câu cửa miệng của người dân sống khu vực bị di dời sau vụ sạt lở. Trường học, nhà chùa, trụ sở làm việc và nhiều nhà đã mở cửa đón những người dân trong cảnh khó khăn. Tuy nhiên, với lượng người đến tá túc ngày càng đông, các nơi trú tạm cũng không thể chứa hết. Ông Lê Phước Hòa, người dân “chạy lở”, cho biết: “Chúng tôi có nhà nhưng không thể ở được, cắt điện, cắt đài hết, giờ chúng tôi đi lang thang vô ở trọ nhà này nhà nọ của các cháu trong khu dân cư vậy thôi, chứ giờ không biết ở về đâu đi đâu”. 
Ông Võ Văn Nhựt rơm rớm nước mắt kể: “Mới khuya hôm trước dời đồ, thì chưa đầy 2 hôm sau chúng tôi phải chứng kiến cảnh đau lòng. Đất rung, nhà từ từ sụp, lún xuống sông. Tui chỉ biết khóc đứng nhìn căn nhà nứt răng rắc rồi chìm xuống nước, mất hút”.
Vụ sạt lở vừa qua không chỉ gây ảnh hưởng rất lớn đến nhà dân trong khu vực mà thậm chí ảnh hưởng đến cả Trường Tiểu học A Mỹ Hội Đông khiến nhiều em học sinh đang học ở đây phải nghỉ học. Theo đánh giá của cơ quan chức năng có khả năng cả trường tiểu học này cũng phải di dời, có thể nói đây là một sự cố thiên tai rất nặng nề.  Chị Lê Thị Hạnh có con đang theo học tại đây chia sẻ: “Tôi rất mong các hộ bị sạt lở được các nhà hảo tâm, các ngành, các cấp có liên quan hãy giúp cho các hộ có nơi ăn chốn ở để nuôi con ăn học”. Theo ông Trần Anh Thư, Giám đốc NN-PTNT tỉnh An Giang, địa phương đã bố trí diện tích đất khoảng 5ha để xây dựng 200 nền nhà, mặt bằng do tỉnh hỗ trợ. Còn kinh phí xây dựng kiến nghị Trung ương sớm phê duyệt. 
Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn ngân sách từ Trung ương và huyện Chợ Mới đã chi hỗ trợ cho 58 hộ dân bị sạt lở và di dời số tiền là 2,3 tỷ đồng. Mặc khác, những nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, chia sẻ và hỗ trợ tiền mặt cùng hiện vật, tổng cộng hơn 432 triệu đồng... 

Tin cùng chuyên mục