Theo chương trình cụ thể, sáng 16-11, Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc phiên chất vấn, tiếp đến Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Quốc hội tiến hành chất vấn thành viên Chính phủ, đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời chất vấn về công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.
Tại phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan.
Thời gian Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn ĐBQH đến 15 giờ ngày 16-11.
Theo tập hợp của Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại lỳ họp này, cử tri cả nước gửi nhiều kiến nghị thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Trong đó, đáng chú ý cử tri đề nghị phân bổ ngân sách nhà nước năm 2018 cần cắt giảm kinh phí tham quan, chi hành chính, chi xây dựng trụ sở, tượng đài, quảng trường…nhằm đảm bảo tiết kiệm ngân sách.
Cử tri cũng cho rằng tình hình nợ công của nước ta ngày càng tăng cao đang là mối lo lắng đối với người dân Việt Nam. Kiến nghị Nhà nước cần có biện pháp căn cơ trong sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để giảm áp lực trả nợ cho các thế hệ sau.
Nhiều cử tri cũng đề nghị cần rà soát, xem lại quy định về các loại phí, lệ phí vì hiện nay quá nhiều làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân. Việc tăng giá điện, giá xăng, dầu, rất nhiều loại thuế, phí chồng chéo nhau không phù hợp đối với tình hình đất nước hiện nay cũng như quan hệ thương mại quốc tế, Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.
Nhiều ý kiến cử tri cũng cho rằng giá đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng theo chính sách hiện hành cho việc đầu tư các dự án hiện nay quá thấp dẫn đến có nhiều đơn thư khiếu nại. Đề nghị Chính phủ điều chỉnh nâng khung giá đất nông nghiệp để làm cơ sở cho việc đền bù giải phóng mặt bằng đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Có cơ chế nâng giá đền bù đất cho nhân dân khi bị thu hồi và có cơ chế rõ ràng về thẩm định, giám sát chặt chẽ tránh tình trạng thu hồi đất để làm dự án nhưng xong lại bỏ hoang, không triển khai thực hiện.
Cử tri cũng đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan và các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN); cần chú trọng tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, đặc biệt là việc tính giá trị đất của DNNN trước khi cổ phần hóa phải sát với thị trường để chống thất thoát tài sản nhà nước... Cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý tài sản công, đặc biệt là các trường hợp sáp nhập các cơ quan, đơn vị nhà nước, di chuyển đi nơi khác, sau đó bán trụ sở cũ với giá rất thấp, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Cần có sự kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp có biểu hiện tiêu cực, làm thất thoát ngân sách nhà nước.