Công cụ mở rộng ảnh hưởng
Mới đây, Đại sứ của 27 nước Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc đã ký vào văn bản lên án sáng kiến “Vành đai và Con đường” ngăn cản thương mại tự do và tạo thuận lợi cho các công ty Trung Quốc.
Văn bản của EU cho rằng, Trung Quốc đang cố định hình toàn cầu hóa để phù hợp với lợi ích riêng và theo đuổi các mục tiêu chính trị, như giảm thiểu năng lực sản xuất dư thừa, tạo ra các thị trường xuất khẩu mới và bảo đảm việc tiếp cận nguyên liệu thô.
Dù cách xa về địa lý, nhưng dòng vốn đầu tư của Trung Quốc liên tục đổ về Trung - Đông Âu nhằm thiết lập hành lang hợp tác Á - Âu giúp Bắc Kinh tiến sâu vào thị trường châu Âu.
Cuối năm ngoái, tại Hội nghị Thượng đỉnh 16+1 diễn ra ở Budapest (Hungary), Trung Quốc cam kết đầu tư thêm 3 tỷ USD ở khu vực này, để hiện thực hóa sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Trái với sự đón nhận hồ hởi của 16 quốc gia Trung - Đông Âu, giới lãnh đạo EU đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ chia rẽ trong nội khối, khi một loạt dự án hạ tầng quan trọng đã nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư Trung Quốc. Đầu tư của Bắc Kinh càng hấp dẫn, các nước EU càng khó đạt được chính sách thống nhất về Trung Quốc.
Cảng Hambantota của Sri Lanka đã chuyển giao cho Trung Quốc
Theo điều tra, Hy Lạp và Hungary là những quốc gia đang đón nhận dòng vốn đầu tư của Bắc Kinh có số phiếu thấp nhất ủng hộ một chính sách chung về Trung Quốc.
Hiện Mỹ, Nga và Ấn Độ cũng đang khó chịu trước việc Bắc Kinh cố gắng sử dụng “Vành đai và Con đường” để phát triển một cấu trúc chính trị tập trung vào Trung Quốc, làm xói mòn ảnh hưởng của Washington, Mátxcơva và New Delhi.
Tuy nhiên, bất chấp những nghi ngờ về tính khả thi và những xu hướng đang yêu cầu xét lại sáng kiến “Vành đai và Con đường”, chính sách đối ngoại mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình đang giành được sự ủng hộ của 70 quốc gia.
Lo ngại về tính khả thi của “Vành đai và Con đường” không phải là không có cơ sở. Đây là sáng kiến vốn lấy cảm hứng từ “Con đường tơ lụa xưa”, đó là hệ thống các tuyến đường buôn bán cách đây nhiều thế kỷ giữa châu Âu và châu Á, giữa Đông và Tây.
Trung Quốc tuyên bố rằng, đây là một sáng kiến thương mại, một chiến lược kết nối kinh tế khổng lồ, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước, các khu vực, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả văn hóa, xã hội thông qua mạng lưới đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, nhà máy năng lượng cùng các dự án hạ tầng khác.
Tuy nhiên, sau hơn 4 năm được công bố, giới chuyên gia thế giới đã đánh giá sáng kiến không hướng tới cái mác có lợi cho đôi bên như Bắc Kinh tuyên bố, mà đó là công cụ để mở rộng ảnh hưởng chính trị và hiện diện quân sự của Trung Quốc.
Nhận định trên đã được nêu ra trong báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng cấp tiến (C4ADS). Đây là một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận chuyên về phân tích dữ liệu và các vấn đề an ninh xuyên quốc gia có trụ sở tại thủ đô Washington, Mỹ.
Báo cáo đặt vấn đề rằng, dự án ngàn tỷ USD của Trung Quốc qua một loạt quốc gia Á - Phi - Âu có thật sự nghiêm túc là để thúc đẩy phát triển kinh tế hay không.
Rủi ro nợ công
Lời cảnh báo tương tự về sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng từng được Trung tâm Phát triển toàn cầu Mỹ (CGD) đưa ra. Theo tính toán của CGD, trong số 68 quốc gia được xác định là “con nợ” tiềm năng của Trung Quốc trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”, có khoảng 23 quốc gia có nguy cơ nợ công tăng cao.
Nghiên cứu của CGD chỉ ra rằng, sáng kiến “Vành đai và Con đường” không gây ra vấn đề nợ hệ thống, nhưng làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ công ở một số quốc gia nhỏ và nghèo.
Trong đó, có khoảng 8 quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc trả lãi và nợ gốc liên quan đến việc tài trợ tương lai của Trung Quốc cho các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường”, bao gồm Pakistan, Djibouti, Maldives, Lào, Mông Cổ, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan.
Hiện Pakistan có liên quan nhiều nhất đến sáng kiến, vì cảng Gwadar nằm trong sáng kiến được xây dựng ở quốc gia này.
Cảng này góp phần hình thành vành đai kinh tế Trung Quốc - Pakistan. Do đó, Pakistan đang là quốc gia có nguy cơ nợ công tăng cao nhất khi Trung Quốc tài trợ khoảng 80%, trong số 62 tỷ USD để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, việc phải thực hiện một số nghĩa vụ tài chính không hợp lý đã làm dấy lên mối quan ngại về “bẫy ngoại giao” tiềm ẩn.
Theo ông Brahma Chellaney, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách New Delhi, Bắc Kinh đang sử dụng nợ chính phủ để gây ảnh hưởng. Ông Chellaney thậm chí đã mô tả các chính sách của đại lục như một hình thức “chủ nghĩa chủ nợ”.
Trường hợp của Sri Lanka là một ví dụ điển hình. Do không thể trả lại các hóa đơn nợ nặng nề cho Trung Quốc, Sri Lanka gần đây đã phải chuyển giao cảng Hambantota cho Công ty China Merchants Port Holdings thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc theo một hợp đồng trị giá 1,1 tỷ USD.
Tương tự, năm 2017 Sri Lanka đã chấp thuận để Trung Quốc nắm giữ 70% cổ phần của cảng Hambantota trong 99 năm, bất chấp người dân địa phương phản đối. Khởi nguồn câu chuyện bắt đầu từ năm 2008 khi Sri Lanka khởi công cảng biển chiến lược Hambantota với hơn 300 triệu USD vay từ Trung Quốc, nhưng đến nay Sri Lanka lại gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Mặc dù giới chức Trung Quốc nhiều lần tuyên bố, sáng kiến “Vành đai và Con đường” chỉ nhằm thiết lập không gian hợp tác mới, nhưng thực tế lại cho thấy, cùng với những khoản đầu tư hậu hĩnh của Bắc Kinh là những đánh đổi về lợi ích, như quyền tiếp cận tài nguyên khoáng sản, chủ quyền, lợi ích chiến lược… của các nước khác.
Điều này đúng trong trường hợp các quốc gia nợ nần chồng chất và vỡ nợ. Các dự án này nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” đều có điểm chung là hướng đến mục tiêu an ninh của Trung Quốc và đều “lưỡng dụng”, tức phục vụ các mục đích vừa dân sự vừa quân sự. Ngoài ra, cũng phải kể đến mục đích quốc tế hóa đồng nhân dân tệ khi Trung Quốc triển khai sáng kiến này.
Bất chấp lo ngại về rủi ro tiềm ẩn, Trung Quốc vẫn đẩy nhanh tiến độ thực hiện sáng kiến kể từ năm ngoái, khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tại Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện lo ngại về nguồn quỹ phục vụ cho sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Ông Vương Nhật Minh, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Chính phủ Trung Quốc cho rằng, dù nhiều dự án “Vành đai và Con đường” được các thể chế tài chính lớn tài trợ, nguồn quỹ vẫn còn thiếu tới 500 tỷ USD/năm.
Sự tham gia hạn chế của các nhà đầu tư tư nhân, khả năng thu lợi nhuận thấp và kênh cấp vốn hạn hẹp là những vấn đề lớn, trong khi các nước tham gia thì lại có năng lực tài chính thấp và tỷ lệ nợ cao.