“Tiệm cầm đồ”?
Tuần qua, tại hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp do Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức, một lãnh đạo sở này nhận xét, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thì nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) phù hợp với đặc thù nông nghiệp đô thị của TPHCM khi tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng. Nhưng vấn đề các doanh nghiệp NNCNC tỏ ra bức xúc là việc tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất không dễ. Trong khi đó, đại diện ngành ngân hàng cho rằng phải tuân thủ quy định pháp luật và điều quan trọng là đảm bảo an toàn nguồn vốn.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật sinh học nông nghiệp Sài Gòn, cho biết không thể vay được vốn nếu không có tài sản thế chấp là nhà hoặc đất đủ lớn. Còn đại diện Công ty NNCNC Nông Phát (đơn vị đầu tư nhà lưới theo tiêu chuẩn quốc tế chống côn trùng, hệ thống quản lý qua điện thoại thông minh…) phàn nàn, công ty có hơn 11,8ha trồng dưa lưới với giá 530.000 đồng/m2, nhưng tài sản này không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng. “Sau khi xây dựng mô hình NNCNC, công ty đã mời nhiều ngân hàng đến tham quan để đặt vấn đề vay vốn. Lúc ấy, ngân hàng nào cũng gật đầu cho vay nhưng đến khi biết tài sản thế chấp nhà xưởng và thiết bị công nghệ cao thì… lắc đầu. Tại sao ngân hàng không dựa vào tính khả thi của dự án, dựa vào nguồn thu của công ty để định giá? Nếu làm vậy, ngân hàng chẳng khác gì như “tiệm cầm đồ”?”, ông Trang Quốc Dũng, Giám đốc Công ty NNCNC Nông Phát, bức xúc. UBND huyện Củ Chi cũng cho biết, nhiều dự án NNCNC trên địa bàn muốn vay được vốn ngân hàng phải thế chấp đất hoặc nhà ở.
Một doanh nghiệp cho biết, vay vốn nông nghiệp đã khó, còn NNCNC càng khó hơn khi ngành ngân hàng định giá đất nông nghiệp theo bảng giá nhà nước rất thấp, trong khi giá trị đất thị trường cao hơn rất nhiều; đã vậy, còn chịu lãi suất cao. Thời gian vay cũng ngắn, không theo chu kỳ cây, con đang nuôi, trồng nên doanh nghiệp NNCNC gặp khó.
Nói đi và nói lại
Ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM, đánh giá doanh nghiệp làm NNCNC vẫn còn yếu về quản lý sổ sách. Hiện nhiều doanh nghiệp NNCNC sản xuất ra sản phẩm đem bán ngoài chợ để thu tiền mặt. Thậm chí, có doanh nghiệp được siêu thị thu mua sản phẩm nhưng khi ngân hàng đề nghị cung cấp hợp đồng kinh doanh với siêu thị thì doanh nghiệp cho rằng thông tin mua bán không thể cung cấp, vậy làm sao ngân hàng có thể cho vay? Thiết nghĩ, doanh nghiệp NNCNC phải minh bạch như sổ sách tính toán thu chi từ khâu mua vật liệu, trả lương, tiêu thụ thể hiện qua hợp đồng… đều giao dịch qua ngân hàng. Chỉ cần chứng minh có dòng tiền “chảy qua” bất kỳ ngân hàng nào thì sẽ được vay.
Ông Trần Quốc Khánh, Phó trưởng đại diện Văn phòng Ngân hàng NN-PTNT khu vực miền Nam, cho biết, ngân hàng luôn phối hợp Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM triển khai kết nối cho vay nông nghiệp và NNCNC. Về phía tiếp cận vốn vay thì định giá tài sản thế chấp phải tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thiết nghĩ, ngân hàng và doanh nghiệp phải gặp nhau để tìm hiểu phương án kinh doanh, dòng tiền cho vay… để cùng phối hợp hoặc nhờ các sở, ban, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Theo ông Trần Tiến Khai, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, thông tin từ Sở NN-PTNT được biết, trong tỷ lệ đóng góp 58% tổng vốn đầu tư thì người đầu tư góp 38% và nhà nước hỗ trợ 4%. Còn lại phải vay ngân hàng 58% nên có lo lắng về rủi ro là đương nhiên. Để có thể giải tỏa được vấn đề này, người vay và ngân hàng phải cùng phối hợp. Người vay phải học qua lớp do Sở NN-PTNT tổ chức có thực hành, thi cử và đặc biệt phải học qua chương trình quản lý kinh tế, vì nếu được tập huấn tốt sẽ làm phương án kinh doanh tốt và có thêm sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT sẽ chắc tay hơn, tạo tin tưởng cho ngân hàng.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho biết, năm 2018 sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển NNCNC trên địa bàn TPHCM. Dù có rất nhiều chính sách cho vay nhưng vẫn có khó tiếp cận nguồn vốn. Có thể thấy, NNCNC phải đầu tư rất cao, rủi ro thấp do NNCNC kiểm soát tốt dịch bệnh nên lợi nhuận cao, khả năng thu hồi vốn nhanh. Trong khi đó, TPHCM đã được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù thì tại sao các ngân hàng không thử đề xuất với Ngân hàng Nhà nước triển khai một số mô hình cho vay tại TPHCM để thí điểm và sở luôn sẵn sàng phối hợp. Sở NN-PTNT TPHCM sẽ tiếp tục mở các khóa đào tạo nhân lực, kỹ năng sản xuất công nghệ… để nông dân có thể tiếp cận vốn vay dễ hơn nếu có phương án sản xuất kinh doanh tốt.