Sản vật độc đáo nức tiếng mọi miền

 Bàu Chánh Trạch, được ví như một vùng chứa “vạn tấn” phù sa, tươi tốt bậc nhất ở miền Trung, là “túi mật” của đất võ Bình Định, nơi tích tụ phù sa từ hàng ngàn năm nay. Vùng đất màu mỡ này đã sinh ra kỳ hoa, dị thảo trứ danh, đó là bí đao khổng lồ và nếp 3 tháng dai dẻo, thơm ngon nức tiếng.

Theo dấu phù sa

Tương truyền một vị thần có sức khỏe kỳ lạ đã gánh 2 hòn núi ra lấp biển. Ra đến biển Mỹ Thọ, đòn gánh gãy làm đôi, 2 hòn núi nghiêng đổ, vô tình án ngữ làm bệ chắn phù sa trước bàu Chánh Trạch (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định) về phía biển. Cũng vì vậy bàu Chánh Trạch luôn dầm mình trong nước lũ và được ví như “túi lũ” của vùng mấy trăm năm. Người dân nơi đây tin rằng trời đất vì thương họ quanh năm lầm lũi ở rốn lũ nên đã dẫn phù sa về.
Bàu Chánh Trạch nằm lọt thỏm giữa tứ bề núi dựng, những hòn núi như Kên Kên, Chóp Bà Đặng, Đá Qua, Đá Xối... đã kết hợp, hun đúc làm cho thổ nhưỡng của vùng bàu trở nên độc đáo, trồng cây gì cũng tốt tươi, nhiều quả. Bàu rộng chừng 80ha, phù sa trong đó chia ra làm nhiều loại khác nhau. Vùng giàu phù sa nhất nằm ở trước miếu Cây Đa (thôn Chánh Trạch 1) với khoảng 30ha. “Trước đây, bàu Chánh Trạch là 1 con sông lớn, về sau lũ bồi lấp lại thành bàu. Đến nay, mỗi khi đào giếng chúng tôi vẫn nhặt được rất nhiều xác tàu mục nát hoặc vỏ sò” - ông Nhữ Xuân Nhân, Trưởng thôn Chánh Trạch 1 nói.
Ông Võ Hồng Đô, 61 tuổi (thôn Chánh Trạch 1) kể: “Bàu Chánh ngày trước cá, tôm nhiều vô kể, nhất là cá diếc được coi là đặc sản của bàu này. Ở đâu cũng có cá diếc hết, nhưng chỉ riêng cá ở bàu Chánh Trạch nấu lên thơm ngon nhất vùng, ai cũng ca ngợi. Đến mùa nắng lên, nước bàu cạn dần người dân chỉ cần vạch xác cây cói lên là tha hồ nhặt cá lóc, cá diếc, tôm, ốc…”.
Sản vật độc đáo nức tiếng mọi miền ảnh 1                   Trái bí đao khổng lồ trên 40kg được trồng tại bàu Chánh Trạch
Đặc sản nếp 3 tháng
Nếp 3 tháng là thứ đặc sản chỉ có ở bàu Chánh Trạch, không một vùng bàu thứ 2 nào ở miền Trung trồng được thứ “lộc” này. Nếp ấy khi đem nấu xôi, gói bánh tét, bánh chưng hay dập cốm rất dai dẻo và thơm ngon đặc biệt. Chỉ cần đến bàu Chánh vào những ngày cuối tháng 8, trong lúc những chủ nếp 3 tháng đang thu hoạch, mùi thơm của nếp lan tỏa khắp mọi nẻo bàu, cuốn hút thực khách miên man vào cõi quê bất tận. Nếp 3 tháng của bàu Chánh Trạch hôm nay đã sang đến tận trời Âu, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản…
Ông Võ Thanh Tân, 60 tuổi, thôn Chánh Trạch 1, nói: “Giống nếp 3 tháng chúng tôi đang níu giữ là thứ giống gia truyền, trải qua nhiều thế hệ. Nếp có tên 3 tháng xuất phát từ quá trình sản xuất của người nông dân nơi bàu Chánh, tính từ ngày cấy mạ xuống đất đến khi thu hoạch vỏn vẹn đúng 3 tháng trời. Đặc biệt, chỉ gieo trồng ở bàu Chánh Trạch nếp mới giữ được hương vị, nếu đưa đi vùng đất khác chỉ 1 mùa là nếp mất vị ngay”.
Thời phong kiến, những thửa ruộng giàu phù sa nhất có tên là Lỗ Chình, Công Dụng, So Đũa, Mẫu Hai (bàu Chánh Trạch) đều dành cho các Lý trưởng, Cai địa hay những người có máu mặt trong vùng. Có đoạn, những thửa ruộng ấy được dân làng dành riêng ra để thưởng cho những công trạng của làng. “Nếp 3 tháng có nhiều loại lắm, nhưng ngon nhất vẫn là nếp trồng ở Lỗ Chình, Công Dụng. Nhiều Việt kiều, khách sành ăn luôn tìm về để mua thứ nếp loại 1 đó” - ông Tân cho biết.
Chủ nếp Nguyễn Trung Hải (45 tuổi, thôn Chánh Trạch 1) chia sẻ: “Để níu giữ hương vị của nếp, những chủ nếp như chúng tôi phải thường xuyên thăm đồng theo dõi thời điểm để lựa dé (bông) chọn giống cho vụ sau. Mỗi năm bàu Chánh Trạch chỉ có 1 vụ chính làm nếp 3 tháng. Bắt đầu vào tháng 4 gieo nếp, tháng 5 cấy mạ và thu hoạch vào tháng 8, chậm hơn lúa 1 tháng. Để có được giống đẹp cho vụ mùa sau, khi nếp ngoài đồng chín, chủ nếp phải canh thời điểm để lựa dé. Những dé nếp cao, hột nếp mập hơn, sáng đỏ rực lên sẽ được lựa để cắt mang về đem phơi, giữ giống. Việc chọn giống cũng rất quan trọng, nhằm tăng thêm chất lượng cho nếp 3 tháng”.

Dị thảo bí đao khổng lồ
Cây bí đao nhiều vùng trong cả nước đều trồng được. Nhưng trồng bí đao cho ra quả gần 1 tạ chỉ có ở bàu Chánh Trạch. Người ta nói bí đao khổng lồ những nông dân nơi bàu Chánh Trạch trồng ra phải sức lực sĩ mới khiêng nổi. “Bí to quá cỡ, đến nỗi một vườn bí cả làng ăn không hết phải chẻ tư gánh đến các chợ vừa bán, vừa cho” - chủ bí Nguyễn Minh Triền (thôn Chánh Trạch 1) nói.
Bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 11, người dân bàu Chánh Trạch ra vườn để làm đất gieo hạt bí. Tháng chạp họ cất giàn lớn cho bí leo. Giàn bí đao đòi hỏi phải chắc chắn, được thay liên tục. Ăn Tết Nguyên đán xong, ngoài vườn bí bắt đầu ra quả, chủ giàn phải canh lựa những quả đẹp để giữ lại, mỗi dây họ chỉ giữ 1 quả bí. Những quả bí đao khổng lồ sẽ được chủ giàn thu hoạch vào khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.
“Mấy năm trở lại đây, có nhiều nhà máy ở ngoài tỉnh tìm đến mua về làm nước bí đao, nên giá cũng khá cao, có năm bí đạt gần 5.000 đồng/kg. “Hôm rồi, có ông khách ở tận Kiên Giang ra đặt mua gần 20 trái bí từ 50kg trở lên. Ổng nói bí đao ở đây lớn nên mua vào để triển lãm, quảng bá cho các nơi biết về thứ bí đao kỳ lạ này” - anh Triền cho hay.
Căn nhà nhỏ của ông Hai Thuấn (63 tuổi), năm nay chứa được 30 quả bí đao, nặng trên 2 tấn. Vừa rồi vợ chồng ông Thuấn phải một phen lao đao với vườn bí khủng của mình. “Vợ chồng tôi già rồi nên không còn sức để khiêng những quả bí đao đó vào nhà được. Vụ rồi, bí cho quả lớn quá, ông nhà tôi phải thuê nhiều người về để chuyển bí vào nhà” - bà Trương Thị Nguyệt (60 tuổi) vợ ông Thuấn nói.
Bà Nguyệt đưa chúng tôi vào sâu trong căn nhà hẹp của mình, rồi vạch những quả bí đã lót ổ bằng rơm khéo léo. Dáng dấp của bà lúc ấy trông nhỏ thó, khuất sau 10 “cái bụng” bí đao khổng lồ do chính tay mình trồng ra. Tay mân mê quả bí, bà Nguyệt chép lời: “Bí đao cũng như nếp 3 tháng vậy, chỉ khi trồng trên đất bàu Chánh Trạch này mới cho ra quả to như thế. Đưa hạt giống đến ươm trồng ở nơi khác quả không to được như vậy”. Bà Nguyệt cho biết thêm nổi tiếng cả mấy trăm năm nay nhưng nếp 3 tháng và bí đao khổng lồ của bàu Chánh Trạch vẫn chưa có được thương hiệu để đứng chân.

Tin cùng chuyên mục