Sách Việt xuất ngoại - Vẫn chỉ là giấc mơ

Ngoài một số nhà văn có sách được NXB nước ngoài mua bản quyền và xuất bản như: Tô Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần… thì có thể nói thị trường sách trong nước đang trong tình trạng nhập “siêu”.

Ở các nhà sách, danh mục các NXB sách ngoại luôn chiếm ưu thế, không chỉ ở dòng sách văn học mà cả sách khoa học kỹ thuật, thậm chí sách thiếu nhi… Chính vì thế, mỗi cuốn sách trong nước được các NXB nước ngoài tìm tới đàm phán mua bản quyền, in ấn và phát hành ở nước ngoài đều dễ dàng trở thành sự kiện “bom tấn” trong làng sách.

Một trong những người khiến giấc mơ vượt biên giới, đưa sách Việt Nam đến với bạn bè quốc tế là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Có lẽ ông là tác giả làm cho dòng chảy sách Việt ra nước ngoài nổi đình nổi đám hơn khi Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ được NXB Nanmee Books của Thái Lan ký hợp đồng chuyển ngữ sang tiếng Thái, sau đó lại được NXB Dasan Books của Hàn Quốc tiếp tục mua bản quyền dịch sang tiếng Hàn và phát hành tại Hàn Quốc. Cùng thời điểm đó, một số sách khác cũng được chuyển ngữ và phát hành ở nước ngoài như Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (chuyển ngữ sang tiếng Hàn), được NXB Asia Publishers ấn hành tại Hàn Quốc…

Người dân tham gia hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 4 tại Hà Nội

Song cũng giống như nhiều tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng trước đó được chuyển ngữ và phát ở nước ngoài, việc chủ động xuất khẩu sách Việt hiện nay còn yếu. Chia sẻ khó khăn này, ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản, nói: “Một trong những nhược điểm là các bản in sách của chúng ta chưa đạt chuẩn quốc tế, chưa đăng ký các chỉ số quốc tế. Tiêu chuẩn về giấy, mực in… chưa được coi trọng và quan trọng hơn cả là sách cần nhận được sự hỗ trợ của nhà nước trong việc quảng bá, giới thiệu, đưa sách ra nước ngoài…”.

Lâu nay, tại nhiều hội chợ sách quốc tế, chúng ta mới chỉ tham dự với nhiệm vụ chính là trưng bày, còn việc quảng bá, giao lưu, tiếp thị sách chưa được làm một cách chuyên nghiệp. “Để sách có thể xuất bản ra nước ngoài, được bạn bè biết tới để trao đổi, giao dịch bản quyền, chúng ta không thể tay không bắt giặc”, ông Đỗ Quý Doãn nói. Cần phải đầu tư nghiên cứu lĩnh vực, đề tài được thị trường nước ngoài quan tâm, cần khai thác; đầu tư công nghệ in ấn và đầu tư cho chính các tác giả để có thể có được nhiều tác phẩm tốt.

Xuất khẩu sách Việt, ngoài việc giới thiệu đến bạn bè thế giới những tác phẩm văn học hay, lạ của Việt Nam thì đó còn là cách làm du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam hay nhất, bởi trong mỗi tác phẩm văn học đều in đậm dấu ấn văn hóa của mỗi quốc gia, vùng miền. Gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam cũng thành lập Trung tâm Dịch thuật văn học Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga, song sức lan tỏa chưa thực mạnh. Vì thế, có thể nói sách Việt xuất ngoại vẫn chỉ là giấc mơ…

MAI AN

Tin cùng chuyên mục