Sách khởi nghiệp của Tạ Minh Tuấn với nỗi ám ảnh ngày mai không còn nữa
SGGPO
Sách khởi nghiệp có lẽ là dòng sách nóng nhất hiện nay, người người ra sách khởi nghiệp, nhà nhà làm sách khởi nghiệp.
Người viết rất nhiều, có những đại gia, chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn lớn, có chuyên gia kinh tế… và gần đây nhất là sách của chính những nhà khởi nghiệp trẻ, những người vốn chính là bạn đọc của các cuốn sách khởi nghiệp vài năm trước. Trước bình minh luôn là đêm tối - Thành công trước tuổi 30 của tác giả Tạ Minh Tuấn là tác phẩm mới nhất trong số đó.
Tác giả, doanh nhân, diễn giả Tạ Minh Tuấn
Đọc lý lịch của Tạ Minh Tuấn, ấn tượng đầu tiên có lẽ là "quá nhanh, quá vội vàng".
19 tuổi khởi nghiệp, 21 tuổi là CEO của một doanh nghiệp chuyên huy động vốn đầu tư với giá trị vốn hóa tính bằng triệu USD.
23 tuổi làm doanh nhân khai phá lĩnh vực y tế tại nhà và giáo dục khởi nghiệp.
25 tuổi trở thành Chủ tịch Chi hội của các hiệp hội kinh doanh, liên đoàn lãnh đạo trẻ thế giới chi nhánh tại Việt Nam.
27 tuổi được ghi danh là một trong 30 người thành công và ảnh hưởng nhất dưới 30 tuổi ở Việt Nam theo đánh giá của tạp chí Forbes.
28 tuổi, ghi danh là một trong những người “Tạo ra thay đổi đột phá trong xã hội” của châu Á dưới 30 tuổi cũng do Forbes bình chọn.
29 tuổi, vào danh sách “Nhà sáng nghiệp đương đại có ảnh hưởng của Việt Nam và thế giới”, lần này là do UNESCO bình chọn. 29 tuổi, tức là hiện nay, được chọn là một trong 8 nhà lãnh đạo trẻ trên toàn cầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu One Young World.
Vỏn vẹn trong 10 năm, Tạ Minh Tuấn làm nhiều việc, đạt nhiều thành công đến mức mà bất cứ ai cũng phải kinh ngạc và dĩ nhiên kèm theo là cả sự tò mò, nghi ngờ.
Vai trò ảnh hưởng nhất của Tạ Minh Tuấn chính là một diễn giả chuyên nghiệp
Lời giải đáp sự vội vàng của tác giả nằm ngay trong phần đầu cuốn sách. Là cuốn sách đầu tay, viết về khởi nghiệp nhưng Trước bình minh luôn là đêm tối lại mở đầu với một triết lý sống của riêng tác giả: Luôn ám ảnh về một ngày mai không còn nữa.
Như chính Tuấn thừa nhận, lên máy bay thì sợ tai nạn, mình sẽ ra đi mãi mãi. Đi ra đường cũng sợ liệu có về đến nhà hay không?. Về nhà lại nghĩ liệu ngày mai mình có mắc bệnh nặng đột tử không nhỉ???
Luôn nghĩ đến cái chết nhưng bản thân lại không phải người yếm thế, cái ám ảnh về việc ngày mai không còn nữa thực tế chỉ là phần phụ của một nỗi ám ánh lớn hơn khác: Chả lẽ cứ thế lặng lẽ biến mất khỏi cõi đời này!
Và đó, theo tác giả chính là nguyên nhân chính để anh lao vào học tập, làm việc, làm mọi thứ có thể, giành mọi thành công có thể, tất cả để nhằm một mục đích, ít nhất dù có bất cứ đều gì xảy ra, mình cũng không hối hận đã sống hoài uổng phí.
Cuốn sách Trước bình minh luôn là đêm tối
Có lẽ vì vậy, cuốn sách Trước bình minh luôn là đêm tối là một cuốn sách khởi nghiệp khá đặc biệt. Tác giả không mang đến lời khuyên mà đem đến trải nghiệm, những trải nghiệm mà 10 năm qua tác giả đã trải qua. Đúng sai, thành bại, tự người đọc phải rút ra kết luận.
Bản thân tác giả, người luôn ám ảnh vì sự bất định ở tương lai cũng không có ý định khuyên người đọc vào một khuôn mẫu nào mà ngược lại, còn kêu gọi bạn đọc của mình hãy phá bỏ mọi khuôn mẫu, liều đi những con đường mà mình mong muốn để tìm kiếm thành công. Thậm chí, tác giả còn phê phán nhiều cuốn sách khởi nghiệp khác là giáo điều và khuôn mẫu khi vẽ ra thành công của cá nhân như một khuôn định để người đọc noi theo mà quên mất rằng mỗi người có những cơ hội và thử thách của riêng mình.
Chính vì vậy, trong cuốn sách, tác giả không nêu ra một định nghĩa thành công nào, thậm chí còn cho rằng không phải cứ khởi nghiệp mới là thành công, đi làm công trong công ty tư nhân, hay công ty nhà nước cũng là khởi nghiệp. Làm một nhân viên giỏi, đạt được vị trí, lợi ích xứng đáng cũng là thành công.
Giữa một rừng sách khởi nghiệp, có thể nói Trước bình minh cũng là đêm tối là một nét chấm phá lạ nhưng như chính tác giả thừa nhận, rốt lại cũng vẫn chỉ là một nét nhỏ. Cũng chỉ giúp người đọc thấy được một góc nhỏ bé của cuộc sống trên con đường khởi nghiệp, có thể giúp ích cũng có thể không và nếu giúp ích được thì đó là thành công của cuốn sách cũng như của tác giả.
Trong buổi giao lưu ra mắt cuốn sách, tác giả Tạ Minh Tuấn cho biết, nỗi ám ảnh của anh đến từ chính sự ra đời của anh.
Là con út, bố mẹ anh, hai người con xứ Quảng đã có đủ cả trai gái nhưng sau chiến tranh, hòa bình đến họ quyết định có thêm một đứa con nữa. Thế nhưng, lần này lại không như hai lần trước, người mẹ liên tục xẩy thai, một lần, hai lần, ba lần, bốn lần… phải đến lần thứ năm, thai mới giữ được nhưng liên tục gặp vấn đề. Tháng thứ hai bị ra huyết phải cấp cứu, tháng thứ bảy đang nằm trên ghế thì ghế gãy, người mẹ té ngã chấn thương, cứ tưởng mọi chuyện đã kết thúc nhưng may mắn sao, đứa bé đã ra đời khỏe mạnh.
Sau này khi hỏi mẹ lý do vì sao đã có hai anh chị, lại quyết tâm có thêm mình dù gian nan như vậy, mẹ anh đã trả lời “Bởi tức quá nên quyết sinh cho bằng được!”.
Và Tạ Minh Tuấn cho rằng, nếu không có "cái tức" đó, có sự bền bỉ quyết không bỏ cuộc dù khá lạ lùng đó, anh đã không có trên cõi đời này. Nỗi ám ảnh về sự tồn tại cũng xuất phát từ đó và cả tên cuốn sách cũng từ đó mà ra, như tác giả thừa nhận, nếu không có sự quyết tâm, bền bỉ của mẹ, nếu để sự tuyệt vọng bao trùm thì anh, một thành công của bố mẹ đã không xuất hiện.