Sách giáo khoa mới: Chắc hãy làm, đừng thí nghiệm học sinh!

Do công tác chuẩn bị chưa chín muồi, Chính phủ xin lùi đến 2019-2020 mới áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới cho lớp 1, dự kiến đến 2023-2024 áp dụng toàn bộ cho các lớp học. Trên diễn đàn Quốc  hội vài ngày qua, một số ĐBQH cũng đã bày tỏ lo ngại việc lùi thời gian thực hiện có thể gây thêm lãng phí, tốn kém...
Sách giáo khoa mới sẽ lùi thực hiện so với kế hoạch
Sách giáo khoa mới sẽ lùi thực hiện so với kế hoạch

Chiều nay 2-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, từ tháng 7-2016 đến tháng 6-2018 phải biên soạn, duyệt xong và cho phép phát hành, sử dụng bộ SGK mới từ lớp 1, lớp 6, lớp 10. Từ 2018 đến 2019 bắt đầu triển khai theo hình thức cuốn chiếu và kết thúc đề án vào năm 2023.

Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị chưa chín muồi, Chính phủ xin lùi đến 2019-2020 mới áp dụng cho lớp 1 và dự kiến đến 2023-2024 mới áp dụng toàn bộ cho các lớp học. Trên diễn đàn Quốc hội vài ngày qua, một số ĐBQH cũng đã  bày tỏ lo ngại việc lùi thời gian thực hiện có thể gây thêm lãng phí, tốn kém.

SGGPO ghi nhận ý kiến một số ĐBQH về vấn đề này

* ĐB PHẠM TẤT THẮNG (Vĩnh Long), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: 
"Việc lùi áp dụng SGK mới là không tránh khỏi và không có giải pháp khác"
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, áp dụng SGK phổ thông mới bắt đầu từ năm 2018- 2019, tức là còn chưa đầy 1 năm nữa mà vừa qua Bộ GD-ĐT mới công bố chương trình phổ thông tổng thể, trên cơ sở chương trình phổ thông đó mới biết chương trình bộ môn, rồi mới có SGK. Rồi SGK phải áp dụng thí điểm mới có thể áp dụng đại trà; và để áp dụng đại trà phải tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên... 

Như vậy, còn rất nhiều công việc phải thực hiện, trong thời gian ngắn rõ ràng không thể thực hiện theo đúng tiến độ lộ trình Nghị quyết 88 của Quốc hội nêu ra. Đó là lý do mà Chính phủ xin lùi.

Việc lùi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới là không tránh khỏi và không có giải pháp khác.

Trong phiên họp toàn thể vừa qua của Ủy ban, chúng tôi - cơ quan thẩm tra Tờ trình của Chính phủ - tất cả các ĐB đều thống nhất việc lùi. Tuy nhiên lùi như thế nào thì ý kiến vẫn còn khác nhau.

Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất của Chính phủ là lùi 1 năm sang năm học 2019-2020 mới áp dụng chương trình SGK mới và có thay đổi so với Nghị quyết 88, đó là năm đầu tiên áp dụng cả cho ba lớp đầu cấp: lớp 1, lớp 6, lớp 10.

Nhưng theo tờ trình của Chính phủ, năm đầu tiên chỉ áp dụng đối với lớp 1 , năm thứ hai áp dụng đối với lớp 6 và năm thứ 3 áp dụng cho lớp 10.

Tức là, thực tế không phải chỉ lùi 1 năm. Một số đại biểu băn khoăn là lùi 1 năm thì có thể giải quyết tất cả các công việc còn lại hay chưa để có thể thực hiện tốt chương trình SGK mới?.

* ĐB NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG (Quảng Bình): 

"Đã từng có những cải cách giáo dục thất bại"
Tôi ủng hộ việc lùi lại. Từ những năm 80 trở lại đây, Bộ GD-ĐT luôn trăn trở, băn khoăn và có nhiều giải pháp trong vấn đề thay đổi SGK và chương trình giáo dục phổ thông. Nhưng đổi mới mà hiệu quả đưa lại lại không cao và có những điểu trở thành ngớ ngẩn. Ví dụ như thay đổi chữ viết, hay một số bài, một số chương trình khi đưa ra để cải cách lại không đúng tên tác giả, có những tên bài phản cảm... Đây là những cải cách giáo dục thất bại.

Thất bại do nhiều nguyên nhân: chuẩn bị chưa kỹ lưỡng; tổ chức thí điểm lại chọn nơi có kinh phí; có điều kiện địa lý, điều kiện việc làm nhưng sau đó áp dụng dàn trải, do đó không đáp ứng yêu cầu; chương trình đưa ra chưa phù hợp với đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý; điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được...

Vì vậy, rút kinh nghiệm từ những lần đổi mới trước, đổi mới lần này chậm một chút nhưng phải chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm hiệu quả.

* ĐB DƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai): 

"Giáo dục của ta "ngưng đọng" quá lâu, quá lạc hậu"
Thời điểm thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội là một pháp lệnh nên phải được thực hiện nghiêm túc và theo nguyên tắc. Nhưng sở dĩ Chính phủ đề nghị lùi 1 năm cho SGK, tôi nghĩ là có lý do khách quan. Chủ quan của ngành giáo dục và khách quan của những người thực hiện nó. Đến cuối nhiệm kỳ trước, vấn đề chương trình còn bề bộn như thế. Bộ GD-ĐT mới triển khai công việc 2 năm nay. Nếu thực hiện theo đúng kế hoạch thì thời gian vật chất để có thể làm SGK quá ngắn ngủi. Việc lùi lại 1 năm mới áp dụng SGK lớp 1 là cần thiết bởi SGK sách giáo khoa là vấn đề rất quan trọng trong đổi mới giáo dục. Nếu chúng ta làm không tốt sẽ tạo ra những tiền đề ảnh hưởng tới tất cả các khâu tiếp theo.

Thậm chí khi thảo luận, nhiều đại biểu, trong đó có tôi, từng đặt vấn đề tại sao không lùi thêm để làm cho chu đáo, vì chúng ta đừng mang các cháu ra thí nghiệm, cần thử nghiệm nhiều đi, chắc chắn mới làm tiếp. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT quyết tâm thực hiện.

Giáo dục của ta đã trải qua một thời kỳ "ngưng đọng" quá lâu, quá lạc hậu từ chương trình đến phương pháp giáo dục, vì vậy lần này theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, chúng ta thay đổi một cách căn bản và toàn diện GD-ĐT. Thay đổi một cách căn bản và toàn diện là phải theo kịp nhu cầu phát triển của đất nước và hội nhập với nền giáo dục của thế giới, đó là trách nhiệm hết sức nặng nề.

* ĐB NGUYỄN THANH HẢI (Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội): 

"Chúng ta cần tin vào cơ quan chuyên môn. Chắc chắn Bộ GD-ĐT cũng đã phải tính toán thận trọng rồi"
Việc đề xuất lùi theo tôi thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT, vì nếu thấy chưa chuẩn bị kỹ thì nên chưa làm.

Chính phủ  xin lùi  1 năm nhưng thực tế là là lùi 1 năm cho áp dụng SGL lớp 1,  còn lùi 2 năm cho SGK lớp 6 và 3 năm cho SGK lớp 10.  Đó là cách lùi bậc thang, vì Bộ GD-ĐT thực hiện viết SGK theo hình thức cuốn chiếu. Chính phủ cũng đã nêu rõ những nguyên nhân lùi.

Tôi cho rằng, cần chuẩn bị thật kỹ, cả về cơ sở vật chất, nhất là đội ngũ. Giáo viên muốn dạy chương trình, SGK mới thì cần phải được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn.

Lùi 1 năm thì đã chắc chắn cho việc triển khai hiệu quả chưa? Tôi cho rằng chúng ta cần tin vào cơ quan chuyên môn. Chắc chắn Bộ GD-ĐT cũng đã phải tính toán thận trọng rồi.

Tin cùng chuyên mục