Đó là thành quả từ xây dựng nông thôn mới, mà cụ thể là từ khi điện lưới quốc gia ra đảo đã cải thiện sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất cho người dân, góp phần từng bước nâng cao đời sống.
Đường sá khang trang
Tại bến đò Tắc Suất (huyện Cần Giờ) nhiều chuyến tàu chở đầy cây kiểng, hoa tươi cho đến hộp mứt tết, xúc xích, lạp xưởng… Ôm chậu cây mai đang chớm nở hoa, anh Nguyễn Văn Bình cho hay: “Lúc trước, chưa có điều kiện chơi cây kiểng dịp tết. Nhờ khoảng hai năm trở lại đây làm ăn thuận lợi, khấm khá hơn nên tôi quyết định xây dựng nhà mới khang trang và sắm thêm cây mai chưng trong nhà”.
Men theo con đường chính rộng hơn 3m dẫn vào trung tâm xã đảo, có rất nhiều nhà đang làm mới để đón tết. Nhiều nhà thì công nhân đang hối hả sơn phết để sớm hoàn thiện. Bên cạnh đó, một số nhà vừa xây xong, đang sắp xếp lại đồ dùng, dán bông mai hay chưng cây quất trong nhà.
Bước vào căn nhà có nhiều đồ mới, ông Ung Văn Giây cho biết: “Đã gần tuổi 70 nhưng giờ mới có căn nhà gạch “cứng cáp” như thế này. Căn nhà xây lên được là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương đã hỗ trợ một phần kinh phí từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Một phần nữa là kinh tế của xã vài năm gần đây đã phát triển hơn trước. Nhà này được xây dựng theo tiêu chí đảm bảo 3 “cứng” (vách, mái, nền) của Bộ Xây dựng, có thể chống bão được. Từ nay, gia đình cũng không phải “chạy” trú bão, không những thế mà còn hỗ trợ được một số hàng xóm xung quanh vào nhà trú bão”.
Theo như lời ông Nguyễn Minh Tuấn, cán bộ UBND xã, cuộc sống người dân so với vài năm trước kia thì nay đã đầy đủ tiện nghi, tiện ích. Hiện đã có dự án xây nhà máy lọc nước biển sang nước ngọt để người dân sử dụng. Nếu có thêm nước sạch ổn định thì cuộc sống người dân sẽ phát triển. Từ ngày có điện, các diêm dân ấp Thiềng Liềng thay vì sản xuất muối bằng quạt tay thì nay có mô tơ điện quạt muối khô nhanh hơn, nâng cao năng suất, cũng như chất lượng. Điều này được thể hiện qua mức thu nhập năm 2015 chỉ 37 triệu đồng/người/năm thì đến 2017 đã tăng hơn 43 triệu đồng/người/năm.
Đời sống nâng cao
Cũng chính xuất phát từ khi có điện mà Trường cấp 2 THCS Thạnh An xây dựng mới khang trang, đạt tiêu chuẩn quốc gia đã không còn phấn trắng, bảng đen thay vào đó là các trang thiết bị hiện đại như phòng thí nghiệm máy tính, ti vi thông minh…
Thầy Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước kia, nhà trường không đủ cơ sở vật chất nên kiến thức truyền tải còn rất chung chung. Từ ngày có điện, Internet thì mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Trong phòng học gắn ti vi thông minh có thể lên Internet tương tác thông tin thực tế làm bài giảng phong phú, sinh động và các em dễ tiếp thu hơn. Bên cạnh cái mới thì cũng có cái khó là giáo viên phải vận dụng hết công năng của mọi thứ hiện đại vào môn học”.
Không những thế mà sức khỏe người dân cũng được quan tâm, nếu trước kia khám bệnh phải vào đất liền thì nay trạm y tế xã đã có máy siêu âm, đo điện tim, thở ôxy… có thể khám, chữa bệnh ban đầu. Nhờ máy móc hiện đại mà có thể chẩn đoán kịp thời để trị dứt nhiều căn bệnh, chỉ có trường hợp nặng thì mới chuyển vào đất liền.
Ông Lê Hoàng Nam (50 tuổi) nhớ lại, trước đó, người dân chỉ có điện sinh hoạt từ 18 giờ cho đến 24 giờ qua UBND xã phát mở chạy máy phát điện. Nhưng cùng lắm chỉ có bóng đèn, quạt để sinh hoạt. Giờ thì có nhà lắp máy lạnh. Đặc biệt là có Internet giúp người dân có thể biết được nhiều thông tin. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… có thể hoạt động 24/24 giờ. Đơn cử, cơ sở bánh mì của chị Lê Thị Lệ đã sản xuất hơn 10 năm nay thì không còn cảnh nấu bằng củi mà thay vào đó là lò điện.