Rừng căm xe Ninh Hòa kêu cứu!


Cánh rừng căm xe quý và nguyên sinh duy nhất còn sót lại của cả nước tưởng chừng sẽ sống sót ở xứ trầm hương sau những biến cố dai dẳng. Nhưng rồi, cánh rừng ấy cũng tiêu tàn trong tiếc nuối lẫn những phẫn nộ về cách quản lý rừng. 
Lâm tặc ngang nhiên chở gỗ lậu sau khi đốn hạ
Lâm tặc ngang nhiên chở gỗ lậu sau khi đốn hạ

Phá tan “lá phổi xanh” 

Nói đến rừng phòng hộ căm xe trên địa bàn xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, rất nhiều người biết, đây không chỉ là “lá phổi xanh” cho cả thị xã Ninh Hòa và vùng lân cận mà còn là nơi giữ nước, giữ ẩm cho cả vùng đất chuyên canh trồng mía nổi tiếng nhất tỉnh xứ trầm hương - Khánh Hòa.

Rừng nơi đây chỉ có một loại cây gỗ căm xe sinh trưởng, đây là loài gỗ quý hiếm thuộc nhóm 2, tồn tại ngay giữa vùng dân cư và nằm trên tuyến quốc lộ 26 nối Đắk Lắk - Khánh Hòa. Rừng căm xe ở đây có tổng diện tích lên đến gần 600ha, lớn nhất cả nước hiện nay. Rừng còn nổi tiếng hơn bởi nó nằm ngay dưới chân đèo Phụng Hoàng - một địa danh lịch sử hào hùng trong cách mạng của tỉnh Khánh Hòa cũng như chiến trường Tây Nguyên và miền Nam. 

Một cây gỗ căm xe bị đốn hạ tại rừng
 Nhiều tài xế xe du lịch tâm sự, rất nhiều khách khi đi qua tuyến đường này yêu cầu dừng xe ngay chân đèo để được ngắm nhìn cánh rừng nguyên sinh độc nhất vô nhị này. Rồi có nhiều người cũng băn khoăn hỏi, tại sao cánh rừng quý có loại gỗ nhóm 2 lại tồn tại được giữa các khu dân cư, nơi địa hình bằng phẳng và có khối kẻ phá rừng chờ chực. Thế nhưng, đó là chuyện trước đây, còn bây giờ lâm tặc xem cánh rừng này là miếng mồi ngon nên rừng đang bị gặm nhấm từng ngày. 

Cách đây đúng 10 năm, khi tôi được phân công về công tác tại Khánh Hòa. Ngày đó, bài viết đầu tay của tôi là rừng căm xe đã bị xâm phạm bằng một dự án trồng rừng khác, quy mô 230ha. Dự án mới manh nha, nhưng nếu báo chí không phản ánh kịp thời, rừng căm xe đã bị “nuốt trọn” chứ không tồn tại đến bây giờ. Bởi vậy, rừng căm xe Ninh Hòa để lại trong tôi và không ít đồng nghiệp một kỷ niệm đẹp, như thể mình góp công nhỏ vào việc giữ lấy rừng, giữ lấy màu xanh cho người dân “xứ nóng Ninh Hòa”. 

Nhưng rồi, cánh rừng vàng ấy cũng không bình yên được lâu. Ban đầu, việc xâm hại rừng nơi đây bằng việc chặt đi những cây gỗ lớn, tiếp đến là phá từng khoảnh nhỏ đến to dần, khiến rừng như thể một tấm da beo, loang lổ từng nơi. Nếu nhìn từ bên ngoài vào, cứ tưởng rừng căm xe còn đầy đặn, yên ổn, nhưng sâu bên trong rừng đã tan tác. Không những chi chít đường mòn nhỏ chạy xuyên qua khu rừng già, mà còn dấu vết rõ rệt những tuyến đường cho cả xe cơ giới. Giữa rừng, cây mía mọc lên từng khoảng rộng vài trăm đến vài chục ngàn mét vuông. Thậm chí, ngay giữa vùng lõi rừng còn có cả trại chăn dê, gà… Sâu vào rừng, những gốc cây căm xe lớn nhỏ bị đốn hạ nằm nhan nhản, có những vết cưa còn mới. Dễ nhận ra rừng bị đốn hạ quanh năm. 

Rừng bị phá là vậy, nhưng theo ông Nguyễn Công Hà, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Ninh Hòa - đơn vị chủ quản rừng căm xe Ninh Tây, việc phá rừng ở đây chỉ là do lợi dụng cơn bão số 12 năm 2017 làm rừng căm xe bị ngã đổ nhiều, lâm tặc vào rừng để chặt phá lấy gỗ.

Giữ rừng… trên giấy!

Từ sau năm 2008, khi dự án trồng rừng Ninh Tây bị hủy bỏ, nhiều người dân Ninh Hòa nhẹ lòng, rừng sẽ được bảo toàn. Thế nhưng, niềm vui ấy cũng tồn tại ngắn ngủn. Trước đây, 1ha đất trồng mía có giá khoảng 50 - 60 triệu đồng, nhưng càng về sau, do giá mía và nhu cầu mía nguyên liệu tăng cao, giá đất đã tăng lên gấp đôi, gấp ba thậm chí là 5 lần. Vì vậy, nạn phá rừng lấy đất tại Ninh Hòa cứ âm ỉ diễn ra. Trong các điểm phá rừng phòng hộ căm xe, phải kể đến các khu vực buôn Suối Mít, Sông Búng, buôn Tương, thuộc xã Ninh Tây. Trong đó, buôn Tương được xem là nơi phá rừng dữ dội nhất, với hàng chục điểm. Có nơi, rừng bị phá trắng 3 - 4ha. Hiện trường còn lại là những cây gỗ căm xe có đường kính 20 - 30cm bị đốn hạ còn trơ gốc và ở đó mía đang mọc lên. 

Rừng bị phá bằng nhiều cách, nhưng việc dùng dao gọt gốc cây, đổ hóa chất hoặc nước muối khiến cây chết dần chết mòn là cách được áp dụng phổ biến. Với cách này, khi cây mía phát triển đến đâu cũng đồng nghĩa lúc cây rừng vừa chết đến đó. Không chỉ có phá rừng tinh vi, nhiều người còn kéo từng tốp vào rừng chặt cây hàng loạt như ở vườn nhà, rừng trồng sản xuất. Ở Ninh Tây có một nhóm khoảng 15 - 20 người chuyên đi phá rừng theo kiểu đổi công. Họ tập trung phá rừng kiểu chớp nhoáng cho hộ này, rồi kéo qua phá rừng lấy đất cho hộ kia. Cứ vậy, ngày có nhiều người, nhiều nhóm đua nhau phá rừng. 

Mới đây nhất, khi nhiều cánh rừng nhận lệnh đóng cửa rừng, việc kiểm soát lâm sản chặt chẽ hơn nên nhiều lâm tặc trên địa bàn Ninh Hòa đổ xô vào rừng căm xe để phá. Bởi theo cách nghĩ của lâm tặc, có lẽ rừng căm xe này quản lý quá lỏng lẻo nên dễ thâm nhập. Vậy nên, người dân Ninh Hòa phản ánh nạn phá rừng nở rộ từ đầu năm đến nay là hoàn toàn có cơ sở. Việc khai thác rừng lấy gỗ nhiều đến nỗi Ninh Tây trở thành “trung tâm” giao dịch gỗ lậu. Trong vai người mua gỗ về làm quán cà phê, chúng tôi giật mình khi nghe Y Dúi - người đứng đầu một nhóm khai thác gỗ căm xe, bảo: Các anh mua gỗ bao nhiêu cũng có! “Thích lấy hộp thì tôi xẻ hộp, còn không thì để lóng tròn. Mua đi, tôi tính giá hữu nghị cho. Xẻ hộp một khối 10 triệu đồng, còn cây tròn dài 1,5m thì cứ 250.000 đồng một lóng”, Y Dúi báo giá. 

Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa nhận được gần 30 biên bản vi phạm phá rừng căm xe do Ban quản lý Rừng phòng hộ Ninh Hòa chuyển qua, với tổng diện tích rừng bị phá lên đến hàng chục hécta nhưng không có căn cứ để xử lý. Vì thế, với lực lượng hiện có, việc giữ rừng căm xe gần như vô vọng. Giải pháp hiện nay chỉ là vận động người dân ký cam kết không tham gia phá rừng. Kiểu giữ rừng trên giấy như vậy không mất rừng mới lạ! 

Cho thuê rừng trái phép

Theo đơn vị quản lý rừng, việc quản lý, bảo vệ rừng căm xe hiện nay rất khó, thậm chí cực kỳ khó bởi quân số mỏng, trong khi diện tích rừng lớn, thẩm quyền xử phạt không có. Mặt khác, nhiều vụ việc vi phạm như lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép đã được chuyển cho Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa xử lý. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa ban và hạt kiểm lâm chưa chặt chẽ. Để có cách quản lý rừng tốt hơn, Ban quản lý Rừng phòng hộ Ninh Hòa đã có “sáng kiến” giao luôn rừng phòng hộ cho một số hộ cá nhân để họ tùy ý làm gì thì làm. 

Theo điều tra, vào tháng 3-2017, Ban quản lý Rừng phòng hộ Ninh Hòa đã lấy hơn 257ha rừng giao cho ông Nguyễn Thành Công Tuấn (thường trú phường Ba Ngòi, TP Cam Ranh) bảo vệ, không nhận công nhưng được phép nuôi dê dưới tán rừng. Trong đó, hơn 150ha đất có rừng căm xe, 6,5ha đất có gỗ tái sinh và hơn 100ha đất nương rẫy. Trả lời đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa Lê Tấn Bản cho biết: Qua kiểm tra công tác quản lý và bảo vệ rừng, Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa phát hiện Ban quản lý Rừng phòng hộ Ninh Hòa ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng cho cá nhân. Thế nhưng, hợp đồng này không đúng quy định của pháp luật vì căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực về mặt pháp lý mà không căn cứ vào các văn bản về luật bảo vệ phát triển rừng cũng như các nghị định, thông tư có liên quan. 

Không những thế, theo điều tra của chúng tôi, Ban quản lý Rừng phòng hộ Ninh Hòa còn cho ông Công Tuấn xây dựng 200m2 trại nuôi dê và 1 nhà cấp 4 để công nhân chăn nuôi dê ở dưới rừng phòng hộ, cũng không đúng với quy định của pháp luật. Về vấn đề này, ông Lê Tấn Bản cho rằng, bản thân ông và trên sở không nắm được, nếu biết đã cho dừng ngay. 

Ngay sau khi phát hiện, sở đã yêu cầu ban quản lý rừng chấm dứt ngay hợp đồng và yêu cầu ông Tuấn di dời 200m2 chuồng trại và nhà ở đã xây. Đồng thời, yêu cầu ban quản lý rừng xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng căm xe theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa; xây dựng phương án khoán bảo vệ rừng ưu tiên cho đồng bào dân tộc có hộ khẩu thường trú tại địa phương. “Chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có liên quan gây bức xúc cho dư luận. Sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Với trách nhiệm là người đứng đầu, tôi xin nhận khuyết điểm vì để một đơn vị trực thuộc vi phạm”, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận.

Rừng Ninh Tây là cánh rừng quý có loại cây căm xe duy nhất tại Việt Nam còn sót lại. Nhưng trong thời gian dài, cánh rừng này được quản lý hời hợt, thiếu trách nhiệm và có cả việc cố tình làm sai. Rừng căm xe đã hấp hối và nếu không được cứu khẩn cấp, sớm muộn nó sẽ biến mất.

Theo thống kê, 600ha rừng căm xe Ninh Tây nay đã bị mất khoảng 200ha và đang tiếp tục bị phá. Việc phá rừng kéo dài và gần như công khai nhưng biện pháp ngăn chặn gần như bế tắc. Chỉ đến khi hàng chục hécta rừng bị triệt hạ, các ngành chức năng mới kiểm tra rồi lập biên bản vi phạm. Nhưng trớ trêu thay, biên bản vi phạm ngày mỗi dày nhưng diện tích phá rừng càng nhiều thêm. Việc lập biên bản xem như cho qua chuyện, vì không bắt quả tang người vi phạm, không có tang vật mà chỉ ghi nhận thông tin…

Tin cùng chuyên mục