Mới đây chuyện các cô bảo mẫu đánh đập các cháu nhỏ ở Lớp mẫu giáo Mầm Xanh (quận 12, TPHCM), có phụ nữ nghe xong phát biểu tỉnh queo: “Con tôi mà bị đánh như vậy, tôi đến trường bằm cho mấy bả tan xác, rồi ra sao thì sao!”. Người phụ nữ đó nói mà không nghĩ đến việc con mình đang ở gần đấy, bị gieo vào đầu suy nghĩ: phải đánh, phải trả thù. Cái ác kia chưa được giải quyết thì cái ác khác đang được hình thành.
Đi ngoài đường dễ nhìn thấy cảnh va quệt xe, thay vì thông cảm, nhẹ nhàng hỏi han nhau mức độ thiệt hại, rồi xử lý sao cho tốt đẹp cả hai bên, họ lại nổi xung thiên lên, đỏ mặt tía tai, bất chấp là mình có thể đang có lỗi hoặc cả hai đều có lỗi. Họ dùng từ ngữ cục cằn, nhục mạ nhau, thậm chí dùng đến nắm đấm… Rồi cuối cùng, từ va chạm nhẹ có thể kết thúc bằng án mạng.
Nhiều vụ án giết người hoặc gây thương tật cho nhau khi ra tòa, họ thường cho biết lý do lúc đó nóng giận quá không kiềm chế được. Như vậy vấn đề là làm sao kiềm chế được cơn nóng giận bộc phát?
Có thể thấy ngoài xã hội nhiều người đã rèn cho mình đức tính bình tĩnh, nhẫn nại, chịu đựng, hơn nữa là lòng nhân ái, tha thứ cho người khác xung quanh mình. Những người ấy thường giải quyết tốt đẹp các chuyện xấu xảy ra với mình. Mọi việc có thể khác và không dẫn đến tội ác nếu con người có được đức tính nhân ái, sự tha thứ độ lượng. Cha mình có thể sai, thường xuyên đánh đập vợ con, nhưng thay vì đầu độc cha, hãy thương yêu, khéo léo dùng lời lẽ hoặc các biện pháp khác nhau để người cha sửa đổi. Người vợ có ngoại tình, không loại trừ khả năng nguyên nhân xuất phát từ lỗi của người chồng, thì thay vì giết vợ, hãy tha thứ nhau, chia tay trong êm đẹp…
Truyện xưa kể rằng có gia đình 9 đời hòa thuận ở cùng nhau. Vợ chồng, con cháu lên đến mấy trăm người không có điều tiếng xích mích, trong ấm ngoài êm. Vua nghe tin, bèn đến hỏi nguyên nhân. Ông lão bèn viết chữ “nhẫn” thật lớn rồi tâu với Vua rằng cả gia đình, dòng họ đều học chữ này trước khi muốn làm điều gì. Thực hiện được chữ này, cả đời không xích mích, giữ được hòa khí. Vua nghe xong, liền ban thưởng.
Chuyện xưa tích cũ nhưng thông điệp truyền tải vẫn còn giá trị đến ngày nay. Chỉ cần “nhẫn”, nóng giận được kiểm soát sẽ không sinh ra tội ác. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, sâu xa của đức tính nhẫn nhịn là lòng nhân ái. Có lòng nhân ái mới có đức tính nhẫn nhịn cao quý. Mà lòng nhân ái thì không từ trên trời rơi xuống. Đừng nói, đừng làm điều ác. Nói điều lành, làm việc thiện chính là rèn luyện lòng nhân ái trong mỗi người, là tấm gương cho con cháu soi vào học tập, làm theo.