
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đang ngày càng được phủ kín trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong nội dung và việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật cũng gia tăng. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn gây khó cho việc tuân thủ pháp luật của người dân (Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận 1, TPHCM). Ảnh: H.TRIỀU
Văn bản “đè” luật
Từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Tư pháp rà soát 1.185 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), từ đó phát hiện và thông báo kiểm tra 40 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Trước đó, năm 2015, cả nước có 1.181/42.300 văn bản có dấu hiệu trái luật.
Riêng TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, Sở Tư pháp phát hiện 2 quyết định do UBND TP ban hành có dấu hiệu vi phạm hiệu lực thi hành. Đồng thời, đơn vị cũng góp ý 109 dự thảo, thẩm định 33 dự thảo văn bản QPPL. Từ thực tiễn, cơ quan này ghi nhận nhiều địa phương ban hành văn bản chủ yếu để chỉ đạo, điều hành công việc hoặc triển khai thực hiện văn bản cấp trên. Nhiều văn bản không có đầy đủ yếu tố của văn bản QPPL nhưng địa phương vẫn ban hành dưới hình thức văn bản QPPL. “Một số dự thảo phát sinh thủ tục hành chính nhưng các đơn vị không đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong quá trình soạn thảo, thẩm định”, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết.
Tương tự, luật sư Quách Tú Mẫn, Đoàn Luật sư TPHCM, nhận xét tình trạng ban hành văn bản QPPL chứa nội dung mâu thuẫn với luật khá phổ biến. Ông Mẫn viện dẫn không ít nghị định, thông tư có nội dung chồng chéo lên văn bản có giá trị hiệu lực cao hơn. Một số văn bản ban hành để quy định chi tiết thi hành văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn nhưng lại... sửa luôn nội dung của văn bản cao hơn. Cụ thể, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 chỉ rõ điều kiện miễn thuế là nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất khi chuyển nhượng. Song Thông tư 111/2013 do Bộ Tài chính ban hành vẫn đặt thêm một loạt điều kiện miễn thuế khi chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất, như: phải có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tối thiểu 183 ngày, phải chuyển nhượng toàn bộ nhà, đất ở… Nghiêm trọng hơn, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Nhà ở 2005 đều khẳng định đối với chuyển nhượng mua bán nhà ở, người bán là đối tượng khai thuế và người mua có quyền sở hữu nhà sau khi công chứng hợp đồng mua - bán. Trong khi Thông tư 111/2013 nêu rõ cơ quan quản lý bất động sản chỉ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu khi người bán đã hoàn thành nghĩa vụ khai và nộp thuế. Dù văn bản trên tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu thuế nhưng vi phạm trực tiếp quyền sở hữu hiến định của người mua nhà ở…
Minh bạch thông tin, chế tài cụ thể
Nhằm khắc phục những khiếm khuyết nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng ban soạn thảo văn bản QPPL cần tích cực tiếp nhận ý kiến đa chiều; nghiêm túc tiếp thu và kịp thời phản hồi ý kiến của cá nhân, dư luận về những vấn đề liên quan đến văn bản QPPL. Luật sư Quách Tú Mẫn phản ánh: “Tại nhiều hội thảo góp ý văn bản QPPL, tôi thấy rất nhiều ý kiến đóng góp sát thực tế, có lợi cho cơ quan chức năng và nhân dân. Ban thư ký hội thảo ghi chép kỹ lưỡng nhưng sau đó không rõ lý do, những nội dung này không xuất hiện trong văn bản QPPL chính thức”.
Phân tích nguyên nhân của thực trạng trên, Sở Tư pháp nhận xét thủ trưởng một vài đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra và rà soát văn bản QPPL. Hiện Nhà nước chưa quy định cụ thể biện pháp, hình thức xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân ban hành văn bản QPPL trái luật, sai thẩm quyền, trình tự. Bên cạnh đó, quy định pháp luật về xây dựng và ban hành văn bản QPPL tồn tại một số vướng mắc, như: Khái niệm văn bản QPPL thiếu tính cụ thể, dễ bị hiểu và áp dụng theo nhiều cách khác nhau; văn bản QPPL do trung ương ban hành có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn mặc dù đây là cơ sở pháp lý trong kiểm tra, rà soát tại cơ sở. Do đó, Nhà nước cần quy định rõ ràng hình thức xử lý hay mức chế tài cụ thể đối với cá nhân, tập thể làm công tác liên quan đến văn bản QPPL nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như đảm bảo chất lượng văn bản QPPL. Đồng thời, hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản văn bản QPPL (trang Công báo điện tử) phục vụ công tác kiểm tra, rà soát cần được xây dựng hoàn thiện hơn.
KỲ LÂM