Cùng thời điểm năm ngoái, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng ra mắt cuốn sách Khảo luận về Tết (NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành), giới thiệu đến bạn đọc những tập tục, lễ hội Tết còn lưu giữ đến ngày nay cùng những phong tục đang dần mất đi nhưng vẫn còn tồn tại chút tàn dư.
Tiếp nối nguồn mạch cảm xúc này, năm nay, ông ra mắt cuốn sách Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội. Đây được xem như một công trình nghiên cứu công phu về các hình thức diễn xướng dân gian mà ông cùng nhóm nghiên cứu đã dày công điều tra theo phương thức điền dã trong suốt nhiều năm (từ 1980 đến 1990).
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng tại buổi giao lưu ra mắt sách của mình.
Theo sự vận động và phát triển của thời gian, hầu như những giá trị văn hóa truyền miệng ngày nay đã thất truyền do những nghệ nhân, những con người sống trong thời đại xưa đã trở nên hiếm hoi hoặc không còn nữa.
Bởi vậy, việc tập sách Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội ghi nhận các hình thức diễn xướng dân gian ở vùng đất Gia Định - Sài Gòn xưa, tức khuôn trong địa bàn TPHCM ngày nay có thể xem như một món quà từ quá khứ gửi đến thế hệ trẻ hôm nay.
Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, trước đây, ông theo đuổi công việc nghiên cứu văn học dân gian, chủ yếu sưu tầm thành phần ngôn từ của sáng tác dân gian chứ không quan tâm đến thành phần nghệ thuật. Sau đó ông có nhân duyên làm các bộ địa chí về Long An, Bến Tre. Sau này cụ Trần Văn Giàu làm bộ địa chí về TPHCM và mời ông cùng tham gia.
“Tôi nhận lời làm về Văn học dân gian Gia Định - Sài Gòn, rồi làm về diễn xướng. Như mọi người biết, nó khó vô cùng kể. Khi nhận lời, đọc tài liệu thì không có, người ta không viết gì về văn học Gia Định - Sài Gòn cả, chỉ có mấy câu về cây đa Bình Đông, Bình Tây… Nhưng vì mình là lớp trẻ, lỡ hứa với người lớn; tôi cũng nghĩ sao mình không thử xem sao”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng kể lại.
Buổi giao lưu ra mắt sách của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.
Không muốn thất lễ với bậc tiền bối, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng quyết đình liều mạng lên đường đi điền dã về Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Đước, Cần Giuộc, Trảng Bàng… Càng đi ông càng thấy có nhiều người am tường vấn đề mà mình không biết. Từ đó ông tiếp tục đi, tìm hiểu rồi gom lại cũng trả nợ xong món nợ dư địa chí văn hóa. Sau đó, ông tiếp tục tìm hiểu về diễn xướng trong lễ hội, trong cung đình như thế nào; cúng miếu các nữ thần như thế nào… Nhờ đó mà cuốn sách Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội mới được ra đời.
Bạn đọc xếp hàng xin chữ ký của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng.
Gia Định - Sài Gòn là xứ đô hội ở ngã ba đường, luôn đón lấy những luồng giao lưu văn hóa rộng lớn với thế giới bên ngoài nên các dạng thức văn hóa nói chung, các loại hình nghệ thuật biểu diễn nói riêng luôn đổi thay không ngừng để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của công chúng từng thời đại.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết thêm: “Trong các vùng của Gia Định - Sài Gòn thì riêng vùng Bính Chánh được xem là trọng điểm vì nơi đây có sự giao lưu rất lớn với các vùng khác như Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa (Long An), Nhà Bè… Ở Bình Chánh hò có 4 giọng: hò hòa hơ, hòa hòa hi, hòa mái ố, hò giọng đồng; lý ở đó cũng nhiều dạng. Trong khi các vùng khác nhơ Thủ Đức, Hóc Môn thì lại không có sự phong phú như vậy”.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc (giữa) đến chia vui cùng người thầy của mình.
Từ năm thứ hai đại học, khi bắt đầu bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học thì cuốn sách đầu tiên mà PGS.TS Nguyễn Đức Lộc được đọc là sách về đình Nam bộ của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Bởi vậy, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cũng xem nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng là thần tượng của mình.
Đến chia vui cùng nhà nghiên cứu nhân dịp ông ra mắt sách mới, ngoài việc dành tình cảm cho người thầy của mình PGS.TS Nguyễn Đức Lộc còn dành lời khen cho cuốn sách: “Đây là cuốn sách được tích lũy trong thời gian khá dài. Một trong những tư liệu đáng quý ở cuốn sách này là những lời vè, lời hò đã được kí âm. Theo tôi đây là một trong những cách mà mình bảo vệ được tốt nhất”.