Phân vùng phát triển đô thị

Hệ thống các đồ án quy hoạch đô thị của TPHCM tưởng như đã hoàn thiện vì đã được lập, thẩm định và phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật, lại đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình đưa vào quản lý phát triển đô thị. Chính những bất cập này đã làm cản trở quá trình chỉnh trang và phát triển đô thị, hoặc tại nơi này, nơi kia đã được xử lý, nhưng thường bằng những giải pháp mang tính “tình thế”, thiếu tính bền vững.
Phân vùng phát triển đô thị

Phản hồi loạt bài ''Thay đổi cách làm quy hoạch để phát triển'':

>> Thay đổi cách làm quy hoạch để phát triển bền vững: Lãng phí nguồn lực
>> Quy hoạch duy ý chí

Hệ thống các đồ án quy hoạch đô thị của TPHCM tưởng như đã hoàn thiện vì đã được lập, thẩm định và phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật, lại đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình đưa vào quản lý phát triển đô thị. Chính những bất cập này đã làm cản trở quá trình chỉnh trang và phát triển đô thị, hoặc tại nơi này, nơi kia đã được xử lý, nhưng thường bằng những giải pháp mang tính “tình thế”, thiếu tính bền vững.

Quy hoạch theo phân chia dân số?

Chỉ cần phân tích qua bài toán dân số và phân bố dân cư tại các quận, huyện là chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ những thách thức này: Hiện nay, theo các đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị các quận, huyện, chúng ta phân chia dân số khá đều thông qua quá trình “thỏa thuận” khi lập quy hoạch, mà không dựa trên các cơ sở khoa học như điều kiện tự nhiên, điều kiện và khả năng phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí còn cần chỉ ra được “xuất đầu tư” cho việc đưa thêm dân cư mới đến những khu vực đó. Chính vì vậy mà tại các khu vực thuận lợi cho phát triển đô thị cũng không thể phát triển hơn được, trong khi đó tại các khu vực không thuận lợi thì dù các dự án đã được giao đất từ nhiều năm vẫn trong tình trạng “án binh bất động”, thử hỏi làm sao không có các “dự án treo”. Có thể phân tích nhiều vấn đề nữa, song bài toán phân chia dân số theo chúng tôi đã nói lên tất cả…

Bên cạnh đó, cần nhìn nhận lại việc “phủ kín” quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 có thực sự cần thiết ở mọi nơi, mọi lúc hay không? Khi mà nguồn lực đầu tư phát triển đô thị của chúng ta còn bị hạn chế mà chúng ta tự đóng khung “tương lai” phát triển đô thị của TP. Cách làm này, qua nghiên cứu chúng tôi chỉ thấy tại Việt Nam, chính vì vậy mà chúng ta trong thời gian vừa qua đã sử dụng đất - một nguồn tài nguyên vô giá - thiếu hiệu quả. Chính vì việc phủ kín một cách vội vã, thiếu nghiên cứu quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 nên vấn nạn đầu cơ đất đai phát triển tới mức mà hiện nay TP muốn phát triển các dự án quan trọng đều bị vướng vào việc giải tỏa, đền bù rất tốn kém và phức tạp. Có phải, chính chúng ta đã tự làm khó mình! Thậm chí những nỗ lực của chúng ta trong thời gian vừa qua trong việc nhanh chóng lập, thẩm định và phê duyệt hệ thống đồ án quy hoạch đô thị, nhất là phần lớn các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, cho thấy việc lập quy hoạch là để nhanh chóng giao hết đất, chứ không phải để phát triển đô thị theo đúng ý nghĩa!

Một góc trung tâm TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ

Đề xuất giải pháp

Chúng ta cần tổ chức nghiên cứu “phân vùng” trong quản lý phát triển đô thị và nghiên cứu “kế hoạch” phát triển đô thị cho từng vùng - khu vực cụ thể cũng như cho toàn TP. Theo đó, TPHCM nên phân thành 3 khu vực gồm: Khu vực nội thành hiện hữu (13 quận), khu vực nội thành phát triển (6 quận mới) và khu vực các huyện ngoại thành theo 3 phương án sau:

- Phương án 1: (Là phương án đơn giản nhất) với việc thực hiện phân vùng quản lý chỉnh trang và phát triển đô thị vẫn được giữ nguyên theo hệ thống các đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị tại các quận, huyện đã được phê duyệt như hiện nay. Nghiên cứu phân vùng quản lý công trình và phát triển đô thị ngay trên địa bàn các quận, huyện này (nhất là tại các quận nội thành phát triển và các huyện ngoại thành), dựa trên hiện trạng đất đai, địa hình, địa chất - thủy văn, dân số và bài toán phát triển kinh tế - xã hội được dự báo chính xác của từng vùng. Nhất thiết cần có sự nghiên cứu điều chỉnh quy mô dân số dự kiến tăng thêm và một số dự án, kế hoạch đầu tư theo các đồ án quy hoạch chung quận, huyện hiện nay. Chúng ta không thể tăng thêm dân số, xây dựng các công trình  ở các khu vực có nền đất yếu, đã, đang và sẽ bị ngập nước do biến đổi khí hậu. Khu vực nào đất yếu thì ta không đầu tư, hạn chế phát triển đô thị để bớt tốn kém, khu vực nào nền đất cứng, cao ráo thì có thể phát triển cư dân nén, không nên phân bố dân số theo kiểu “chia đều” như hiện nay.

- Phương án 2: (Là phương án triệt để) với việc phải bỏ hệ thống các đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị tại các quận, huyện đã được phê duyệt và nghiên cứu lập hệ thống đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ  1/5000, các đồ án này không nhất thiết phải theo ranh giới hành chính các quận, huyện mà dựa trên hiện trạng đất đai, địa hình, địa chất - thủy văn, hiện trạng dân số, hiện trạng các công trình kiến trúc và mạng lưới giao thông, cũng như các khả năng phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng lớn, nhỏ cụ thể. Luật Quy hoạch đô thị đã quy định vấn đề này rồi.

- Phương án 3: (Là phương án triệt để nhất) đã được nghiên cứu đề xuất trong đề án Chính quyền đô thị, phương án này sẽ giúp TPHCM phát triển ổn định và bền vững.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, TPHCM nên sử dụng phương án 1, bởi đây là phương án mang tính khả thi nhất vì những lý do sau:

- Không cần phải nghiên cứu lập lại các đồ án quy hoạch đô thị, cái mà người dân đã “sợ lắm” rồi.

- Không gây nên những biến động lớn về đầu tư, thậm chí còn giúp cho các nhà đầu tư rút khỏi những dự án không khả thi hoặc kém hiệu quả tại một số khu vực mà họ đã “trót nhận” và cũng không tạo nên cơn sốt về đầu cơ đất đai vì về mặt nguyên tắc, hệ thống các đồ án quy hoạch đô thị không thay đổi.

- Bằng phương án này, TP có đủ cơ sở để phân bố lại phần dân cư mới dự kiến tăng thêm tại những quận, huyện có các điều kiện, tiềm năng phát triển không thuận lợi để tập trung cho các đề án phát triển lớn trong tương lai cũng như tại các quận, huyện có các điều kiện, tiềm năng phát triển thuận lợi.

- Theo giải pháp phân vùng trong quản lý chỉnh trang và phát triển đô thị này, chúng ta có thể xây dựng được các tiêu chí khá thuận lợi cho công tác chỉnh trang đô thị. Lấy một ví dụ cụ thể trong việc cải tạo chung cư cũ, các chung cư này rải rác tại nhiều quận, huyện, nhiều khu vực khác nhau trong TP. Sẽ không thể tìm ra được lời giải chung cho việc tháo dỡ và xây dựng mới nếu chúng ta không xác định các tiêu chí riêng cho từng khu vực, bên cạnh các tiêu chí chung để có thể kêu gọi được các nhà đầu tư tham gia. Có thể trong khu vực trung tâm sẽ phải chấp nhận cho nhà đầu tư “tăng thêm” tầng cao để “có hiệu quả”, vì quỹ đất bị hạn chế (giải pháp này luôn luôn gây áp lực cho hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội…); song ở các khu vực xa trung tâm, có thể giao thêm quỹ đất để nhà đầu tư vừa xây dựng lại chung cư cũ, vừa xây dựng thêm các chung cư mới để kinh doanh theo các thỏa thuận với các cấp chính quyền…

Bên cạnh việc phân vùng trong quản lý chỉnh trang và phát triển đô thị cần nghiên cứu thực hiện đồng thời việc xây dựng kế hoạch phát triển đô thị cho từng vùng hoặc khu vực đô thị. Nếu tạo được sự đồng thuận và được các cấp có thẩm quyền quan tâm ủng hộ triển khai nghiên cứu thực hiện theo hướng đề xuất này thì chúng ta sẽ tạo được một nền tảng vững chắc cho chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị theo hướng bền vững.

PGS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA

Tin cùng chuyên mục