Từ nay đến cuối năm: Tiếp tục tổ chức lại hệ thống giao thông

Từ nay đến cuối năm: Tiếp tục tổ chức lại hệ thống giao thông

Khoảng 15 tuyến đường, khu vực đã được ngành công chính TPHCM điều chỉnh giao thông và hầu như tất cả đều từng bước có chuyển biến tốt. Lộ trình từ nay đến cuối năm sẽ còn trên dưới 20 tuyến đường, khu vực được điều chỉnh tương tự.

Điều chỉnh và phân luồng hợp lý

Từ Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 11-1-2012 của UBND TPHCM về việc thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn, ngành công chính TP đã xác định và lên phương án thực hiện, theo đó có 36 tuyến đường, khu vực bức xúc về giao thông đi lại cần được xem xét nghiên cứu điều chỉnh.

Việc phân luồng một chiều ô tô và lắp đặt dải phân cách trên đường Cách Mạng Tháng Tám đã làm ngã 3 Sương Nguyệt Anh - Cách Mạng Tháng Tám thông thoáng. Ảnh: DIỄM THY

Việc phân luồng một chiều ô tô và lắp đặt dải phân cách trên đường Cách Mạng Tháng Tám đã làm ngã 3 Sương Nguyệt Anh - Cách Mạng Tháng Tám thông thoáng. Ảnh: DIỄM THY

Tính cho đến thời điểm này, Sở Giao thông Vận tải đã điều chỉnh giao thông trên 15 tuyến đường, khu vực. Có thể nhắc đến trường hợp tổ chức phân luồng lại giao thông ở cụm khu vực Sương Nguyệt Anh - Bùi Thị Xuân, quận 1 hồi đầu quý 2 vừa qua như là một dẫn chứng điều chỉnh giao thông thành công của ngành công chính TP. Theo sự điều chỉnh này, đường Sương Nguyệt Anh chỉ còn cho phép ô tô lưu thông một chiều, hướng từ đường Tôn Thất Tùng đến Cách Mạng Tháng Tám và đường Bùi Thị Xuân thì ô tô cũng giao thông một chiều, theo hướng từ Cách Mạng Tháng Tám đến đường Tôn Thất Tùng.

Đồng thời cấm ô tô quay đầu trên đường Cách Mạng Tháng Tám tại giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Bùi Thị Xuân theo hướng từ quận Tân Bình về quận 1. Sự chuyển biến giao thông bước đầu tại điểm nóng này có lẽ cũng còn nhờ ngành công chính cho lắp đặt bổ sung một loạt yếu tố điều độ giao thông khác, như lắp đặt 153m giải phân cách thép trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn từ Nguyễn Thi Minh Khai đến đường Bùi Thị Xuân; lắp đặt biển báo và treo băng rôn tại nhiều giao lộ bao quanh đó như giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Sương Nguyệt Anh; giao lộ Bùi Thị Xuân - Cách Mạng Tháng Tám; Bùi Thị Xuân - Tôn Thất Tùng…

Giảm hơn 90% số vụ ùn tắc giao thông

Một thành công khác là tổ chức lại giao thông ở khu vực giao lộ Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng, quận 1. Điều bất cập lớn nhất trước đó tại khu vực giao lộ này là đèn tín hiệu giao thông được bố trí hoạt động với chế độ 2 pha, pha 1 cho đường Hàm Nghi và pha 2 cho đường Tôn Đức Thắng, đồng thời cấm rẽ trái từ đường Tôn Đức Thắng vào đường Hàm Nghi. Hệ quả là thường xuyên xảy ra tình trạng mất TTATGT vì các phương tiện phải rồng rắn nối đuôi nhau dừng chờ trên dốc cầu Khánh Hội theo hướng từ quận 4 sang quận 1 trong khi các phương tiện xe hai bánh lưu thông từ cầu Khánh Hội sang phía quận 1 khi đến giao lộ này rất “dễ” phạm vào lỗi rẽ trái hoặc quay đầu xe tại khoảng mở giải phân cách, bất chấp có biển báo cấm rẽ trái để đổ vào đường Hàm Nghi cho… tiện! Nút giao lộ này trở thành điểm nóng ùn ứ bởi vì cả đường Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng lẫn Hồ Tùng Mậu gần đó đều đang lưu thông hai chiều với mật độ xe cộ qua lại rất cao. Mỗi giờ, đường Tôn Đức Thắng có hơn 25.700 xe cộ lưu thông theo cả hai hướng, con số đó trên đường Hàm Nghi là hơn 10.000 xe các loại.

Sau khi khảo sát, xem xét thực tế, một loạt giải pháp đồng bộ được ngành công chính đưa ra. Thử nghiệm dùng giải phân cách bê tông dài 28m để bít khoảng mở tại giao lộ Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng, tạm thời chuyển hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao này sang chế độ chớp vàng cảnh báo trong thời gian thử nghiệm. Song song đó, các phương tiện lưu thông trên đường Hàm Nghi, hướng từ Hồ Tùng Mậu đến Tôn Đức Thắng muốn rẽ trái vào đường Tôn Đức Thắng đi theo lộ trình thay thế là Hàm Nghi rẽ phải qua Hồ Tùng Mậu, rẽ trái vào đường nhánh S2 rồi ra Tôn Đức Thắng. Lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại giao lộ Hồ Tùng Mậu - Võ Văn Kiệt và lắp biển báo “Cấm đậu xe” từ 6 - 21 giờ hàng ngày trên cả hai hướng đường Hồ Tùng Mậu cho đoạn từ Hàm Nghi đến Võ Văn Kiệt.

8 tháng đầu năm nay, tình trạng ùn tắc giao thông tại 15 “điểm nóng” vừa được tổ chức lại giao thông đã giảm mạnh. Số vụ ùn tắc giao thông từ 22 vụ hồi cùng kỳ năm ngoái nay tụt xuống chỉ còn 2 vụ, tương đương mức giảm hơn 91%. Với những kết quả trên, Sở Giao thông Vận tải xác định từ nay đến cuối năm, sẽ nghiên cứu tổ chức lại giao thông ở hàng loạt tuyến đường, giao lộ, khu vực khác trên toàn TP. Chẳng hạn nút ngã sáu Gò Vấp, vốn dĩ tập trung lưu lượng xe rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông trong giờ cao điểm. Hiện nay cơ quan chức năng đang thu thập số liệu giao thông, cũng như phương án điều chỉnh giao thông đang được cân nhắc, nhưng dự kiến sẽ thay đổi theo hướng tổ chức lưu thông một chiều trên đường Nguyễn Văn Nghi, cải tạo kích thước hình học mở rộng diện tích giao lộ, giảm bớt các giao cắt trong phạm vi nút giao lộ.

Tương tự, khu vực bao quanh bởi các tuyến đường Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Văn Nghi - Lê Lợi - Nguyễn Văn Bảo thuộc quận Gò Vấp dự kiến sẽ chuyển hết sang giao thông một chiều. Còn tại điểm nóng ngã tư An Sương thuộc quận 12 chiều hướng là nghiên cứu tạo làn xe quay đầu dưới dạ cầu phía An Lạc.

21 tuyến đường, khu vực tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh giao thông trong thời gian tới:

Khu vực giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng; khu vực Lạc Long Quân - Ni Sư Huỳnh Liên; Thành Thái - Sư Vạn Hạnh, đoạn từ đường 3 Tháng 2 đến Tô Hiến Thành; khu vực Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý - Tân Sơn Nhì; khu vực Tân Thành - Âu Cơ - Lũy Bán Bích; khu vực Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Thiện Thuật - Phạm Viết Chánh - Cống Quỳnh; giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo; khu vực Phó Đức Chính - Calmette - Ký Con - Yersin và khu vực Nguyễn Công Trứ - Nguyễn Thái Bình - Lê Thị Hồng Gấm; nút ngã sáu Gò Vấp; khu vực Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Văn Nghi - Lê Lợi - Nguyễn Văn Bảo; vòng xoay ngã tư An Sương; khu vực Trần Tuấn Khải - Nguyễn Văn Đừng - An Bình - Nguyễn Thời Trung; Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh - Lê Văn Lương; khu vực Nguyễn Cảnh Chân - Trần Đình Xu - Hồ Hảo Hớn - Đề Thám; khu vực Lê Quang Định - Nguyên Hồng - Phan Văn Trị - Trần Quốc Tuấn; tổ chức giao thông sau khi hoàn thành công trình mở rộng nâng cấp đường Đặng Công Bỉnh; Hai Bà Trưng - Lê Văn Sỹ - Cách Mạng Tháng Tám; khu vực Lê Văn Khương - TA 16 - Lê Thị Riêng - quốc lộ 1; cầu Xáng - Tỉnh lộ 10; cặp đường song song tỉnh lộ 10 và tỉnh lộ 10B; khu vực giao quốc lộ 22 - TMT 2A.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục