Dự án đường trên cao tại TPHCM vẫn chưa có nhà đầu tư

Nhiều dự án

Để giải quyết bài toán giao thông trên địa bàn TPHCM cần phối hợp nhiều giải pháp, trong đó đường trên cao được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng giao thông quá tải hiện nay của TP. Tuy nhiên, dự án có gần chục năm nay, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc báo cáo.

Nhiều dự án

Đầu tháng 6 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TPHCM báo cáo với UBND TP về tình hình thực hiện dự án 4 tuyến đường trên cao (được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2007).

Theo đề án, tuyến số 1 dài 8,44km đi qua địa bàn các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Cụ thể, lộ trình bắt đầu từ nút giao Lăng Cha Cả, theo đường Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rồi tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh. Vốn đầu tư tuyến này hơn 14.900 tỷ đồng.

Tuyến số 2 dài 10,2km đi qua các quận 3, 6, 10, 11, Tân Bình và Bình Tân. Lộ trình bắt đầu từ điểm giao với tuyến đường trên cao số 1 tại vị trí cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đi dọc theo đường Cách Mạng Tháng Tám - Bắc Hải - Thiên Phước - Âu Cơ - Đầm Sen - hương lộ 2 rồi kết thúc tại quốc lộ 1A (đường Vành đai 2). Vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.

Tuyến số 3 dài 8,1km đi qua các quận 1, 3, 4, 5, 7, 8, 10 và huyện Bình Chánh. Bắt đầu từ điểm giao với đường trên cao số 2 tại vị trí đường Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - rạch Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh, cần 19.500 tỷ đồng để xây dựng.

Tuyến cuối cùng ngắn nhất (7,72km) qua địa bàn các quận 12, Bình Thạnh và Gò Vấp với số vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Lộ trình bắt đầu từ nút giao quốc lộ 1A với đường Vườn Lài, vượt sông Vàm Thuật; tiếp tục đi theo hướng đường Phan Chu Trinh qua chung cư Mỹ Phước - cầu Bông - nhập vào đường Điện Biên Phủ và kết nối với đường trên cao số 1 tại khu vực rạch Thị Nghè.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, cả 4 tuyến này hiện vẫn chưa có nhà đầu tư. Sở đang tiếp tục điều chỉnh hướng kết nối giữa các tuyến đường trên với các trục giao thông cho phù hợp với thực tế. Chủ yếu kết nối đường trên cao với các trục đường giao thông chính, khu dân cư nhằm phát huy tối đa năng lực giao thông khi dự án đưa vào sử dụng. Đồng bộ về lộ giới giữa đường trên cao và dưới mặt đất, phạm vi và khối lượng giải tỏa đối với từng địa bàn và tổng thể dự án, sau đó công bố công khai quy hoạch điều chỉnh để lấy ý kiến rộng rãi người dân trước khi thực hiện. Sau khi điều chỉnh, UBND TP sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ xem xét. Về vốn đầu tư, thành phố đang nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi để kêu gọi nhà đầu tư bởi nếu đầu tư theo mô hình thu phí hoàn vốn, khả năng nguồn thu chỉ đạt khoảng 15% - 20%.

Phương án nào?

Xây dựng hệ thống đường trên cao sẽ giảm tai nạn giao thông, giảm kẹt xe gấp 10 lần so với hiện tại. Ngoài ra, còn giúp tăng diện tích kinh doanh và giải quyết môi trường giao thông… phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế của TPHCM.

Cách đây gần 10 năm, tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) đã lập phương án thiết kế dự án đường trên cao Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhưng sau đó rút lui vì thiếu năng lực tài chính. Tiếp đó một tập đoàn của Hồng Công đặt vấn đề với TPHCM để làm chủ đầu tư (khoảng năm 2003). Theo phương án lúc đó, đường trên cao Nhiêu Lộc - Thị Nghè bắt đầu từ đường Cộng Hòa (vòng xoay Lăng Cha Cả) đi theo đường Bùi Thị Xuân ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (gần cầu Thị Nghè 2). Đường có tổng chiều dài khoảng 8,5km, gồm 4 làn xe (mỗi làn rộng 3,5m), vận tốc thiết kế 80km/giờ, tuổi thọ 100 năm. Đánh giá của Sở GTVT tại thời điểm đó, việc xây dựng đường trên cao được xem là một giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, đảm bảo mật độ diện tích mặt đường hợp lý, giải tỏa ít.

Theo TS Võ Kim Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Quy hoạch và phát triển TPHCM, nhu cầu cảnh quan là hết sức quan trọng, tuy nhiên vẫn ưu tiên cho nhu cầu giao thông. Nhưng cần cân nhắc kỹ để đảm bảo hài hòa hoặc giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động xấu tới cảnh quan. Như vậy, hoàn toàn có thể khắc phục nhược điểm trên bằng cách thiết kế kiến trúc công trình thật kỹ. Bên cạnh đó, xem xét nhiều hướng tuyến khác nhau, với độ cao thấp khác nhau để chọn hướng tuyến đẹp và hài hòa nhất.

PGS-TS Vũ Xuân Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Bách Khoa (đơn vị trước đây được Khu Quản lý giao thông đô thị hợp đồng để thực hiện việc lập dự án nghiên cứu xây dựng đường trên cao Nhiêu Lộc - Thị Nghè) cho rằng, ngay trong khâu thiết kế đã tính tới các giải pháp để đảm bảo ít ảnh hưởng tới cảnh quan. Theo thiết kế, thời điểm đó, đường trên cao chỉ rộng 16m và nằm cao hơn hai đường ven kênh Hoàng Sa và Trường Sa khoảng 8m (có nơi hơn 10m), do đó con đường sẽ “nằm gọn” trong hành lang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hơn nữa, con đường gần như đi một bên mép của bờ kênh nên sẽ không làm choán hết không gian mặt kênh.

Dự án đã có gần chục năm nay, nhưng để hình thành một con đường chưa biết chờ đến khi nào, trong khi tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng.

Đường trên cao Nhiêu Lộc - Thị Nghè theo quy hoạch là trục đường xương sống để các đường trên cao còn lại kết nối vào. Đường có chức năng cao tốc đô thị, là một bộ phận đường trục xuyên tâm Bắc-Nam, kết nối khu vực phía Tây Bắc và sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm hiện hữu và Khu đô thị Thủ Thiêm. Đường cũng sẽ góp phần giải tỏa áp lực đáng kể cho các trục đường Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sỹ…

4 tuyến đường trên cao tại TPHCM sẽ được kết nối liên thông và giữ vai trò giải quyết ùn tắc ở các trục có lưu lượng giao thông lớn. Tổng vốn đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục