Phản hồi loạt bài Quy hoạch đô thị TPHCM: Cần tầm nhìn, giải pháp đồng bộ

Phản hồi loạt bài Quy hoạch đô thị TPHCM: Cần tầm nhìn, giải pháp đồng bộ

Sau khi báo SGGP đăng loạt bài 3 kỳ, phản ánh quá trình quy hoạch và phát triển đô thị ở TPHCM sau năm 1975, một số ngành chức năng đã có các ý kiến phản hồi.

  • Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM TRẦN CHÍ DŨNG: Đầu tư mạnh chương trình nhà cho người thu nhập thấp
Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Trần Chí Dũng

Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Trần Chí Dũng

Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho tình trạng xây dựng nhà không phép tồn tại dai dẳng, ảnh hướng xấu đến mỹ quan đô thị, gây ngập nước, ô nhiễm môi trường và rất khó xử lý là người thu nhập thấp (vốn chiếm khá đông) không thể mua nhà theo giá thị trường hiện nay. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Nhà nước phải có cơ chế để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp.

Hiện nay, giá các căn hộ thuộc loại trung bình thấp trên thị trường cũng vào khoảng 500 - 700 triệu đồng/căn, vượt xa khả năng mua của đại bộ phận người lao động. Chúng ta cũng có thể dùng các cơ chế tài chính phù hợp để thu hút các nguồn lực trong xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng phải điều chỉnh được giá nhà đất phù hợp với mức thu nhập của đại bộ phận người dân. Ở Hàn Quốc, chính quyền phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn, chiếm đến khoảng 70%-80% trị giá căn nhà, để xây nhà cho người thu nhập thấp.

Bên cạnh việc xử lý tình trạng xây dựng nhà trái phép, nên hạn chế tình trạng phát triển quá nhiều các dự án địa ốc nhỏ lẻ. Không ít dự án này đang để lại hậu quả tiêu cực vì thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoặc có nhưng không đạt yêu cầu.

Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TPHCM đã có các quy định cụ thể về diện tích tối thiểu cần phải có khi xây dựng các đô thị mới. Nhưng phần đông các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, không đủ khả năng để tiếp nhận các dự án lớn. TPHCM đã có thí điểm, tạo cơ chế cho các doanh nghiệp này liên kết lại với nhau, nhằm tạo nên sức mạnh chung lớn hơn nhưng kết quả chưa rõ nét.

Nói tóm lại, các bất cập trong phát triển đô thị của TPHCM đã được nhận diện và đã có chủ trương khắc phục, chấn chỉnh. Vấn đề còn lại triển khai các chủ trương ấy mạnh mẽ hơn trong thực tế.

  • Giám đốc Sở GTVT TPHCM TRẦN QUANG PHƯỢNG: Kiểm soát chặt chẽ quy chuẩn xây dựng
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Phượng

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Phượng

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM diễn biến phức tạp là do chưa kiểm soát hiệu quả quá trình phát triển đô thị, đặc biệt khu vực trung tâm. Hiện nay việc phát triển đô thị tập trung quá cao ở khu vực trung tâm TP và sự mất cân đối lớn giữa phát triển hạ tầng kỹ thuật và gia tăng dân số là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông ở đây.

Để giải quyết căn cơ vấn đề này không có cách nào khác, phải kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị. Hạn chế đến mức tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình này đến hoạt động giao thông. Hiện tại khu vực trung tâm TP đang triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết 1/2000.

Đồ án quy hoạch này nên theo hướng tạo sự kết nối giữa các cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học… với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Đồng thời tại các trung tâm này cũng phải xây dựng khu vực đậu xe nội bộ phù hợp với quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Tránh sử dụng lòng, lề đường làm nơi đậu xe. Không cấp phép xây dựng mới, mở rộng quy mô các trung tâm đô thị tại những khu vực nhạy cảm về ùn tắc giao thông. Rà soát và hàng năm ban hành danh mục các tuyến đường, đoạn đường, khu vực không cấp giấy phép kinh doanh các loại hình dịch vụ, thương mại tập trung đông người, gây ùn tắc giao thông, làm cơ sở để xem xét, không giải quyết cấp phép kinh doanh đối với loại hình này.

Một vấn đề rất quan trọng là cần có cơ chế khuyến khích đầu tư, xây dựng các đô thị vệ tinh trên tinh thần cao hơn khu vực nội thành để hấp dẫn các nhà đầu tư và người dân đến sinh sống và làm việc ở đây. Tất nhiên, một vấn đề không thể thiếu, cần ưu tiên vốn cho phát triển hệ thống giao thông kết nối đến các đô thị vệ tinh này, đặc biệt phải phát triển hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn. Trong các khu đô thị vệ tinh, cần phải cương quyết dành đất đủ để phát triển hệ thống giao thông theo đúng quy chuẩn.

  • Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM ĐÀO ANH KIỆT: Buộc cơ sở sản xuất xử lý chất thải
Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Đào Anh Kiệt

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Đào Anh Kiệt

Trong giai đoạn này, Sở TN-MT cũng đặt ra các mục tiêu rất cụ thể như 100% KCN-KCX phải có hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn; 100% chất thải rắn thông thường và nguy hại được xử lý đúng quy định…. Rác thải sinh hoạt sẽ được tái chế triệt để với mục tiêu chỉ còn khoảng 10% phải chôn lấp. 100% kênh, rạch không có rác, 90% khu đô thị mới, 50% khu đô thị hiện hữu có hệ thống xử lý nước thải tập trung; giảm thiểu 70% mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn do sản xuất và 50% mức độ ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông…

Căn cứ vào kế hoạch này, Sở TN-MT TPHCM sẽ có giải pháp buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh phải có hệ thống xử lý chất thải và kiến nghị không cho phép các cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề gây ô nhiễm hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm được thành lập và hoạt động trong các khu dân cư.

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí do khói xe, Sở TN-MT sẽ phối hợp với Sở GTVT thực hiện kế hoạch hạn chế xe cá nhân. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức đầu tư vào các dự án vệ sinh môi trường. Tất nhiên, để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả không thể thiếu sự đồng tình ủng hộ của người dân. Thiếu yếu tố này, Sở TN-MT khó hoàn thành nhiệm vụ.

Nguyễn Khoa thực hiện

Thông tin liên quan

- Bài 1: TPHCM - to đẹp, đàng hoàng hơn

- Bài 2: Những điều trăn trở

- Bài 3: Dự phóng tương lai và hành động thực tế

Tin cùng chuyên mục