Quy hoạch Cần Giờ có gì mới?

Cần Giờ sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ ưu tiên nông nghiệp sang du lịch, dịch vụ. Và bộ mặt mới của huyện cũng sẽ được “vẽ” theo định hướng này với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Với lợi thế của mình Cần Giờ thuận lợi phát triển du lịch sinh thái Ảnh: Cao Thăng
Với lợi thế của mình Cần Giờ thuận lợi phát triển du lịch sinh thái Ảnh: Cao Thăng
UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) phối hợp với UBND huyện Cần Giờ lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đối với huyện này. Nhiệm vụ này được triển khai sau khi Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc việc nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu vực ven biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Quy hoạch này cũng để cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2030. Sau khi quy hoạch được duyệt, UBND TP xem xét quy mô dự án đầu tư khu đô thị lấn biển Cần Giờ, nếu vượt quá thẩm quyền phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều điểm độc đáo để phát triển du lịch

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch lần này có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặt du lịch, dịch vụ lên hàng đầu sau đó mới tới nông nghiệp. Theo ông Dũng, huyện có rất nhiều điểm độc đáo để phát triển du lịch, như là huyện ven biển duy nhất của TP với chiều dài bờ biển đến 23km, hơn 20.000ha diện tích mặt nước sông - kênh - rạch, 330.000ha diện tích rừng ngập mặn, có di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác…, nhưng bao năm qua vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. “Vì thế, chúng tôi rất mong muốn các chuyên gia cũng như sở, ngành sẽ có nhiều ý kiến, ý tưởng cho đồ án quy hoạch điều chỉnh lần này, cũng như các thiết kế cơ sở để cải tạo bộ mặt huyện, phát triển kinh tế - xã hội Cần Giờ, nâng cao chất lượng đời sống người dân”, ông Dũng gửi gắm.

Theo quy hoạch phát triển Vùng kinh tế TPHCM, Cần Giờ là một trong số các đô thị vệ tinh. Sở QH-KT cho hay, tinh thần điều chỉnh quy hoạch lần này, ngoài đô thị Bình Khánh đã được xác định trong quy hoạch cũ, sẽ phát triển thêm đô thị đặc thù ở Cần Thạnh - đây cũng là điểm nhấn chính của quy hoạch vì có dự án lấn biển và ngành du lịch, dịch vụ sẽ chủ yếu tập trung ở đây. Về giao thông kết nối, Cần Giờ cách trung tâm TP khoảng 50km, hiện đã có tuyến đường Rừng Sác nối đô thị Bình Khánh hiện hữu với đô thị dự kiến Cần Thạnh. Mới đây, UBND TP đã chấp thuận chủ trương xây dựng cầu Bình Khánh nối quận 7, Nhà Bè với Cần Giờ. Như vậy, việc phát triển ở Cần Giờ cũng sẽ giúp giãn dân, “hạ nhiệt” cho vùng nội thành đang quá tải về hạ tầng kỹ thuật - xã hội do dân số tăng nhanh chóng.

Nên ưu tiên phát triển giao thông đường thủy

Tuy nhiên, Cần Giờ không những là khu dự trữ sinh quyển của thế giới mà còn là “lá phổi” của toàn TP, của vùng. Do đó, quy mô phát triển, giải pháp đầu tư, xây dựng, loại hình kinh doanh… để cân bằng giữa kinh tế và bảo tồn, phát triển bền vững là bài toán không hề đơn giản cho các nhà quy hoạch. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TPHCM, nên đặt vấn đề phát triển Cần Giờ trong một tầm nhìn dài hạn, lộ trình ban đầu có thể từ 20 - 30 năm vì nhiều đô thị biển trên thế giới phải mất đến 40 - 50 năm để hình thành và vận hành suôn sẻ. Ông Nam cũng đề xuất việc phát triển giao thông thủy trên sông Lòng Tàu và Soài Rạp để kết nối nội thành với Cần Giờ. Phương án này vừa giảm được việc đầu tư giao thông đường bộ (tốn chi phí lớn, lại ảnh hưởng đến rừng ngập mặn), vừa tạo ra một loại hình dịch vụ du lịch sông nước hấp dẫn du khách. “Sẽ có thuyền phục vụ cho du khách muốn thưởng ngoạn, ngắm cảnh trên sông và có các loại buýt hoặc taxi đường sông để phục vụ cho mục đích thuần giao thông”, ông Nguyễn Hoài Nam nói. 

Song song với quy hoạch điều chỉnh do Sở QH-KT thực hiện thì UBND TP cũng đồng ý về chủ trương cho một doanh nghiệp nghiên cứu quy hoạch khu đô thị lấn biển. Sau 2 lần điều chỉnh, quy mô nghiên cứu lập quy hoạch đã lên đến 2.870ha. Phần diện tích này cũng bao gồm 600ha của dự án lấn biển do Công ty cổ phần Du lịch đô thị Cần Giờ (đã được cấp phép đầu tư) đang thực hiện.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại thì trên địa bàn Cần Giờ mới chỉ có một dự án bất động sản đã hoàn thành là Khu dân cư du lịch nhà vườn Phước Lộc, do Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh nhà Phước Lộc làm chủ đầu tư. Nằm bên cạnh khu vực đang nghiên cứu quy hoạch đô thị lấn biển, dự án nhà vườn này có khoảng 500 căn biệt thự và nhà phố, quy mô 56ha, đã khởi công từ năm 2005 nhưng tình hình kinh doanh rất ế ẩm, nên cho đến nay, các công trình nhà cửa, đường sá trong dự án dù được đầu tư khá bài bản nhưng đã xuống cấp nhiều. Còn lại vẫn ở giai đoạn nghiên cứu, lập quy hoạch chưa có dự án và tất nhiên cũng chưa có nhà đầu tư.
Trong một cuộc họp bàn về hướng điều chỉnh quy hoạch Cần Giờ, các đơn vị tư vấn nước ngoài khuyên TPHCM đánh giá tiềm năng phát triển của Cần Giờ thật cụ thể, thực tế nhưng đừng quá lãng mạn, vì sẽ không đủ vốn đầu tư. Việc quan trọng tiếp nữa là cụ thể hóa nguồn vốn đầu tư: Nhà nước đứng ra làm hay kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và mỗi nguồn vốn sẽ mang lại được - mất như thế nào, để từ đó tính toán phương án đầu tư và quản lý dài hơi. Trong trường hợp phải kêu gọi vốn doanh nghiệp thì cần có cơ chế thật rõ ràng về vai trò quản lý của Nhà nước, doanh nghiệp được ưu tiên những gì và giới hạn đến đâu…

Tin cùng chuyên mục