Sáng 14-12, Đoàn công tác liên ngành của Bộ NN&PTNT đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc kiểm tra tình hình tàu cá Quảng Ngãi vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Qua thống kê của các cơ quan chức năng, từ đầu năm 2017 đến tháng 12-2017, có 32 lượt tàu cá Quảng Ngãi bị các nước kiểm soát, bắt giữ, xử lý, cụ thể là New Caledonia (Pháp) bắt 24 tàu, Solomon bắt 3 tàu, Australia bắt 4 tàu, Philippines bắt 1 tàu. Các tàu bị bắt giữ hầu hết là tàu ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) và xã An Hải (huyện Lý Sơn), làm nghề lặn khai thác hải sâm, tai tượng khổng lồ.
Từ tháng 5-2017, tình trạng tàu cá, ngư dân Quảng Ngãi vi phạm vùng biển nước ngoài có giảm rõ rệt, nhưng cuối tháng 11-2017 có 2 trường hợp tàu cá bị New Caledonia bắt giữ, kiểm soát.
Ngoài ra, theo thông tin từ phía nước bạn, trong tháng 5 và tháng 7-2017 có 73 tàu cá Quảng Ngãi - chủ yếu làm nghề kéo, giã cào của xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) - đánh bắt vi phạm Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ.
Trong khi đó, ngược lại, nhiều tàu cá Việt Nam cũng bị nước ngoài kiểm soát, xua đuổi và bắt giữ, xử lý khi đang khai thác hải sản hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Mặc dù tình hình vi phạm có giảm nhưng vẫn còn, do vậy, ngoài các biện pháp tuyên truyền, cần phối hợp kiểm tra các sản vật khi ngư dân đánh bắt về, có giải pháp để chấm dứt tình trạng này”.
Từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi đã tổ chức 10 lớp cho hơn 600 ngư dân các xã trọng điểm nghề cá để tuyên truyền pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác hải sản; áp dụng các chế tài xử phạt, theo dõi lập danh sách tàu cá và ngư dân vi phạm… Tuy nhiên, tình trạng vẫn chưa chấm dứt.
Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Tình trạng ngư dân Quảng Ngãi chủ động đưa tàu cá xâm phạm trái phép vùng biển các nước vẫn còn; còn tình trạng đối phó với các cơ quan chức năng. Khi các tàu cá bị nước ngoài bắt, cơ quan chức năng không có điều kiện để xác minh ngư dân vô tình hay cố ý xâm phạm vùng biển nước ngoài; một số ngư dân đăng ký sai ngành nghề, chẳng hạn không có nghề lặn nhưng vẫn tham gia hành nghề lặn...
Cũng theo ông Tô, theo phân tích đối với khu vực biển Đông, các nước Indonesia, Malaysia, Philippines đang áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn như phạt tù dài ngày, tăng tiền phạt…, thêm vào đó, nguồn lợi thủy sản ở các nước này không còn dồi dào, lợi nhuận không cao, trong khi rủi ro quá lớn, nên khả năng trong những năm tới, ngư dân Quảng Ngãi sẽ giảm xâm phạm vùng biển các nước này…
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhận định: "Năm nay dự báo xuất khẩu ngành nông nghiệp, giá trị tăng trưởng riêng thủy sản khoảng 7,1 triệu tấn. Qua vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, EU rút thẻ vàng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản".
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, vừa qua, EU đã rút thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam, thời gian cảnh báo là 6 tháng (từ tháng 10-2017 đến tháng 4-2018). Tàu cá Quảng Ngãi vi phạm nhiều nhất trong cả nước, đặc biệt, khi EU cảnh báo thẻ vàng thì vẫn tái diễn tình trạng vi phạm. Vì vậy, phải có giải pháp đủ mạnh ngăn chặn, giảm thiểu và đến năm 2018, phải chấm dứt tình trạng này. Nếu không chấm dứt thì Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm.
Tổng cục Thủy sản đề nghị tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai thực hiện công điện 732/CĐ-TTg ngày 28-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển các nước.
Tính đến tháng 11-2017, toàn tỉnh có 5.580 tàu, với tổng công suất 1.602.001 CV, công suất bình quân 287CV/chiếc, tổng số lao động trực tiếp tham gia sản xuất trên biển khoảng 38.000 người. Sản lượng thủy sản khai thác năm 2017 đạt 185.000 tấn, góp phần cải thiện đời sống ngư dân và tích cực trong việc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.