Quân đội riêng: châu Âu đã thật sự sẵn sàng?

Liên minh các lực lượng quân sự châu Âu sẵn sàng phản ứng trước các cuộc khủng hoảng gần biên giới châu lục đã ra mắt ngày 7-11 tại Paris, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc thành lập một “quân đội châu Âu thực sự”.

 

Quân đội Đức và Bỉ trong cuộc tập trận của NATO tại Na Uy hôm 30-10
Quân đội Đức và Bỉ trong cuộc tập trận của NATO tại Na Uy hôm 30-10

9 nước ủng hộ

Sáng kiến do Pháp dẫn đầu không mâu thuẫn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã 70 năm tuổi, nhưng phần nào phản ánh một nước Mỹ bị cô lập hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Macron đã đề xuất ý tưởng này cách đây hơn 1 năm, nhưng vấp phải sự hoài nghi của các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU), do trùng với việc EU ra mắt một hiệp ước quốc phòng mang tính bước ngoặt nhằm thúc đẩy đầu tư quân sự chung.

Đến nay, 9 quốc gia gồm Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã hưởng ứng sáng kiến của Pháp. Các thành viên hợp tác trên các lĩnh vực quy hoạch, phân tích khủng hoảng quân sự và nhân đạo mới, đưa ra các kế hoạch quân sự để giải quyết khủng hoảng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker từ lâu đã ủng hộ ý tưởng EU nên có khả năng phòng thủ, độc lập khỏi NATO. Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Pháp, trong môi trường nhiều đe dọa và biến động về địa chính trị hoặc khí hậu như hiện nay, sự ra đời của Liên minh các lực lượng quân sự đưa ra thông điệp rằng “châu Âu đã sẵn sàng, châu Âu có đủ năng lực”. Ông cũng nhấn mạnh, sáng kiến này không “mâu thuẫn hoặc phá vỡ các nỗ lực phòng thủ truyền thống” của EU cũng như của NATO. Ngược lại, nó cải thiện khả năng tương tác giữa các nước tham gia.

Sự kiện Anh rời khỏi EU càng làm tăng cơ hội thành lập lực lượng quân sự riêng của châu Âu vì Anh từ lâu đã phản đối mô hình này. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo EU chia sẻ quan điểm của Anh rằng, việc trao cho EU một vai trò quân sự lớn có thể làm suy yếu NATO.

Nhiều ý kiến khác biệt

Khi được hỏi về mong muốn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thành lập Liên minh các lực lượng quân sự châu Âu, người phát ngôn của EC, ông Margaritis Schinas, lưu ý rằng, dự án hợp tác mới của EU nghiên cứu về trang bị quốc phòng cũng như các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của EU ngoài biên giới châu Âu là sáng kiến bắt đầu xây dựng dần dần một bản sắc quốc phòng châu Âu, có ý nghĩa và quyết đoán hơn trong thời kỳ địa chính trị khó khăn.

Theo tướng Jean-Claude Allard, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thành lập lực lượng quân sự riêng của EU chỉ thực sự có ý nghĩa khi EU đạt được sự thống nhất cao. Ông Jean-Vincent Brisset, tướng không quân đã nghỉ hưu và cũng là nghiên cứu viên cấp cao tại IRIS, cho rằng một đội quân chung được cho là để bảo vệ người châu Âu khỏi một mối đe dọa chung, xem ra không thuyết phục. Tổng thống Pháp từng cho rằng, EU cần độc lập trong việc chống lại các “mối đe dọa từ Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Mỹ”. Nhưng ông Brisset tin rằng, hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt về “kẻ thù chung của EU”. Tướng Pháp về hưu, Jean-Paul Paloméros, cựu chỉ huy cao cấp của NATO, nói với truyền hình Pháp rằng, Tổng thống Macron có đề xuất tốt nhưng các nước thành viên EU sẽ phải quyết định liệu họ có muốn trở thành một phần của quân đội châu Âu hay không.

Còn chuyên gia quân sự Pháp Philippe Migault lại nghĩ ý tưởng của Tổng thống Macron là vô lý vì xuất phát “từ một người đứng đầu nhà nước không biết gì về vấn đề quân sự”. Theo ông Migault, NATO vẫn là lực lượng không thể thay thế, cho cả người châu Âu. Chủ tịch đảng Những người Cộng hòa của Pháp, ông Laurent Wauquiez, cho rằng thay vì thành lập lực lượng quân sự riêng cho EU, Pháp và Đức nên cùng nhau làm cho lực lượng quân sự của họ đi đầu trong việc bảo vệ EU.

Tin cùng chuyên mục