Quản chưa chặt, xử lý chưa nghiêm tai nạn lao động trong xây dựng

Vi phạm an toàn lao động tại các công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM đang diễn ra tràn lan. Trong khi đó, công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm của ngành chức năng, chính quyền địa phương chưa thật hiệu quả...
 Công nhân thi công trong điều kiện không đảm bảo an toàn lao động (ảnh chụp tại một công trình xây dựng ở KDC Phi Long 5, huyện Bình Chánh vào chiều 24-4)
Công nhân thi công trong điều kiện không đảm bảo an toàn lao động (ảnh chụp tại một công trình xây dựng ở KDC Phi Long 5, huyện Bình Chánh vào chiều 24-4)
3 tháng, 15 người chết Chiều 18-4, trong lúc thi công ở tầng 9 của công trình xây dựng chung cư Tam Phú (quận Thủ Đức), hai công nhân Võ Văn Điền (25 tuổi, ngụ xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè) và Nguyễn Văn Thanh Tâm (24 tuổi, quê An Giang) bị rơi xuống đất do giàn giáo bất ngờ đổ sập. Tai nạn đã làm anh Điền chết tại chỗ, còn anh Tâm bị đa chấn thương, được chuyển đến bệnh viện cấp cứu, hiện vẫn trong cơn nguy kịch. Trước đó sáng 14-4, khi đang tháo dỡ một công trình xây dựng tại ấp 2, xã Tân Kiên, công nhân Hà Thanh Nhã (39 tuổi, quê Bạc Liêu) cũng bị té ngã từ trên cao xuống đất và tử vong. 
Liên quan đến vụ TNLĐ tại công trình xây dựng chung cư Tam Phú (quận Thủ Đức) làm 2 người thương vong, Thanh tra Sở LĐTB-XH TP cho biết đã xác định được nguyên nhân ban đầu là do biện pháp thi công của nhà thầu không đảm bảo an toàn. Cụ thể là khi chưa thu gom hết xà bần trên giàn hứng (nơi công nhân đứng thi công và hứng bê tông thừa rơi), tổ thi công đã tháo cáp chịu lực ở cây dầm (cây đỡ giàn hứng) khiến cây dầm không chịu nổi tải trọng đã gãy đổ, xảy ra sự cố. Hai công nhân Điền và Tâm khi làm việc trên sàn hứng không cài dây đai an toàn vào dây cứu sinh nên khi sàn hứng bị đổ, công nhân đã rơi xuống đất.
Trong khi dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước hai vụ tai nạn lao động (TNLĐ) thương tâm nêu trên thì tại nhiều công trình xây dựng ở TPHCM, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, thậm chí cả công nhân lao động vẫn bất chấp nguy hiểm, vi phạm nhiều quy định về ATLĐ.
Theo ghi nhận của phóng viên vào chiều 24-4 tại công trình xây dựng nhà ở số 25, lô P3, khu dân cư Phi Long 5 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), dù thi công trên tầng cao nhưng tất cả công nhân không đội nón bảo hộ, thắt dây cứu sinh.
Đã vậy, các công nhân còn “làm xiếc” khi vô tư ngồi, đi lại trên những thanh gỗ mỏng manh… Cách đó vài trăm mét, công trình xây dựng nhà cao tầng thuộc dự án Khu dân cư Dương Hồng cũng tồn tại hàng loạt lỗi vi phạm tương tự dù ở công trình này có nhà thầu giám sát, phía dưới gắn bảng “An toàn là trên hết”.
Một cán bộ Thanh tra Sở Lao động Thương binh - Xã hội (LĐTB-XH) TPHCM nhìn nhận thực tế, cứ kiểm tra công trình xây dựng là phát hiện có vi phạm ATLĐ. Đặc biệt, tại nhiều công trình xây dựng chung cư, chủ đầu tư, nhà thầu còn vi phạm những lỗi nghiêm trọng, có thể xảy ra TNLĐ bất cứ lúc nào, như: không tập huấn kiến thức ATLĐ cho công nhân; hệ thống dây dẫn điện, giàn giáo trong công trình không đảm bảo an toàn; công trình gắn lưới chắn sơ sài… 

Theo Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM, tính từ đầu năm 2016 đến nay, TPHCM xảy ra 82 vụ TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng làm chết người. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2017, trung bình mỗi tháng TPHCM xảy ra 5 vụ, làm chết 5 người. TNLĐ gây chết người chủ yếu xảy ra ở các công trình xây dựng chung cư cao tầng do lỗi từ phía người sử dụng lao động. Điều đáng nói là hơn 80% chủ đầu tư này đã được trang bị kiến thức về ATLĐ!

Cần siết chặt quản lý 

Vì sao vi phạm ATLĐ cứ tràn lan, TNLĐ gây chết người ngày một gia tăng? Giải thích vấn đề này, lãnh đạo UBND một số quận, huyện cho rằng do số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hiện quá lớn, trong khi cán bộ chuyên môn làm công tác kiểm tra ATLĐ còn thiếu (1 cán bộ kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau). Do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động cũng như xử lý các vi phạm chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Dưới góc độ cơ quan chuyên trách trong quản lý nhà nước về ATLĐ, Thanh tra Sở LĐTB-XH TP cũng thừa nhận, do lực lượng thanh tra mỏng nên mỗi năm cơ quan này chỉ tổ chức kiểm tra được khoảng 1/5 số lượng công trình cấp 1 và cấp 2 trên địa bàn TP. Số công trình còn lại không được thanh kiểm tra, nhắc nhở, xử lý. Vi phạm tồn tại nên TNLĐ xảy ra là khó tránh khỏi. 

Để ngăn chặn TNLĐ trong xây dựng, theo ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH TP, trước hết bản thân mỗi người lao động, doanh nghiệp sử dụng lao động phải tự ý thức và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về ATLĐ trong thi công. Thời gian tới, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, Thanh tra Sở LĐTB-XH TP sẽ mở thêm các lớp tập huấn kiến thức ATLĐ cho kỹ sư, công nhân lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. 

Đại diện lãnh đạo Thanh tra Sở LĐTB-XH TP cũng đề nghị việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong quản lý công tác ATLĐ cần phải chặt chẽ hơn. Đặc biệt, cơ quan điều tra phải mạnh tay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về ATLĐ dẫn đến sự cố. Có như vậy mới đảm bảo tính răn đe đối với các chủ đầu tư, nhà thầu cố tính vi phạm.

Tin cùng chuyên mục