Tất cả đều được má gói cẩn thận để vô giỏ cho không dập rồi mới chất lên xe cho em vợ tôi chở đi. Thấy vợ chồng tôi lo má mệt, bà nói ngay: “Có gì đâu mà mệt, con ơi. Ở quê lúc này hàng hà đồ ăn, trong khi ở thành phố, cái gì cũng phải mua, chưa kể có đảm bảo vệ sinh hay không nữa. Trước khi má lên đây, ba tụi con leo hái xoài và căn dặn: “Khi nào đi lên thành phố, bà nhớ mang theo cho con cháu mình một mớ…”. Rồi mấy trái thanh long nhà trồng, không xịt thuốc men gì hết, trái vỏ mỏng, trông không đẹp mắt nhưng ăn rất ngọt. Còn mấy trái bầu, đọt bầu, chị ba ở xóm trồng ngay trước ngõ, trái sum suê, đọt tược nhiều vô số kể… Mấy cây trái này mà đợi tới dịp lễ 30-4, 1-5, thì làm gì còn…”. Mấy má con ngồi nói chuyện mới được vài chục phút, má đi khám bệnh và trở về Long An ngay trong đêm để kịp khuya dậy sớm coi chừng cháu cho vợ chồng mấy anh em vợ tôi cắt, bán thanh long…
Khi em vợ chở má về Long An, tôi nhìn đồng hồ cũng đã hơn 8 giờ tối, nếu chạy tà tà về đến nhà chắc cũng gần 10 giờ đêm. Thôi kệ, mấy bữa nay ban ngày trời nắng gắt như đổ lửa, nên đi vào ban đêm đường vừa ít xe cộ, trời lại mát mẻ, cũng dễ chịu hơn. Vừa thoáng suy nghĩ vậy, tôi liền nghe vợ nói: “Quà quê má xách lên nhiều, thôi để em xách một ít cho mấy nhà hàng xóm nhà mình ăn lấy thảo”. Nói xong, vợ tôi chọn mỗi loại một ít để thành nhiều bịch, lần lượt xách đi một vòng cho láng giềng gần. Thấy cách cư xử của vợ, tôi cũng vui vui, bởi tình làng nghĩa xóm, trước sau tối lửa tắt đèn có nhau, nhất là nhà ở thành phố, san sát nhau, sáng ra mạnh ai nấy đi làm, hiếm khi gặp nhau, sống có tình có nghĩa, được lúc nào mừng lúc ấy vậy!
Bỗng có tiếng điện thoại, vợ nghe xong, nói: “Má điện lên nói đã về đến nhà rồi. Đi đường không kẹt xe, má khỏe lắm!”. Nói dứt lời, vợ kéo ghế lại ngồi gần tôi và bảo: “Nhìn mấy món quà quê má xách lên cho hồi chiều, tự nhiên em nhớ một thời ở quê của mình ghê”. Vợ hào hứng kể về những ngày xưa thân ái ở quê Long An của mình. Vợ tôi bảo, ngày xưa khi còn trồng lúa, hôm nào không đi học, vợ cũng ra ruộng phụ má nhổ cỏ, cắt lúa, bắt cá. Khi vụ lúa xong, vợ lại phụ má trồng rau, trồng bầu. Vợ thích nhất là khi dây bầu có trái, sáng sớm ra hái trái tươi xanh nhìn rất bắt mắt, đến gần trưa nấu canh bầu bầm với cá lóc đồng là khỏi chê. Đến tầm khoảng tháng 5, tháng 6 (âm lịch), những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, nước ngập ruộng, ếch lên bờ, những thanh niên trong làng rủ nhau đi pha đèn bắt ếch. Thời điểm này, những cây me ở khắp xóm cũng nảy những chồi non. Khi có ếch đầu mùa, lá me non, chỉ cần ra đồng hái thêm mấy trái đậu bắp, rau muống, rau quế… là người dân có thể nấu được một nồi canh chua ngon ngọt, đậm đà hương vị miền quê. Nhưng giờ cơ cấu cây trồng ở Long An đã thay đổi, người dân dần dần giảm trồng lúa, tăng trồng thanh long ruột trắng, ruột đỏ. Thành thử, bây giờ những món ăn chân quê như vậy cũng trở thành “hàng hiếm”. Dẫu vậy, người dân cũng không đến nỗi buồn lòng cho lắm. Bởi giờ đây ở Long An, cây thanh long, nhất là thanh long ruột đỏ đã giúp rất nhiều người dân giàu lên. Nghe đến đây, tôi chợt thầm nghĩ: “Biết đâu, khi vật chất đủ đầy, đến một ngày nào đó, người dân ở miền quê này cũng sẽ tự điều chỉnh, tự chừa cho mình một khoảng đất trống để trồng các loại rau, bầu, bí… phục vụ cho chính nhu cầu của gia đình. Điều mà thời gian gần đây, một số gia đình ở nội thành TPHCM đã và đang làm”. Chưa biết thời gian dần trôi rồi mọi điều sẽ như thế nào, nhưng giờ đây trước mắt vợ chồng tôi là những món quà quê của má mang lên cho, trông rất ngon và chất chứa bao nhiêu là tình trong đó…