Quá nhiều bất cập trong việc cấp phép phổ biến biểu diễn

Ngày 12-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức họp báo cung cấp thông tin về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành đã thực hiện trong quý 1-2017. Những câu hỏi xung quanh vấn đề cấp phép phổ biến ca khúc đang gây bức xúc trong dư luận, vẫn tiếp tục chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD).

Ngày 12-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức họp báo cung cấp thông tin về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành đã thực hiện trong quý 1-2017. Những câu hỏi xung quanh vấn đề cấp phép phổ biến ca khúc đang gây bức xúc trong dư luận, vẫn tiếp tục chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD).

Rất nhiều câu hỏi được phóng viên đưa ra như có nên xây dựng danh sách các bài hát bị cấm không được phổ biến thay vì lập danh sách các bài hát được phổ biến; hay việc cấp phép này cần được cải tiến như thế nào để không rơi vào tình trạng “xin - cho”… Tuy nhiên, ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục NTBD đã không đưa được ra câu trả lời thấu đáo. Theo ông Hoàn, không thể xây dựng danh mục các bài hát bị cấm vì phải thông qua xin phép mới có cơ sở, dữ liệu để thẩm định ra quyết định cho phép phổ biến hay không. Ông Hoàn cũng cho rằng đúng là có nhiều bài hát đang phổ biến trong cuộc sống nhưng không có trong danh mục được phép phổ biến, điều đó có nghĩa là chưa cấp phép chứ không phải là không cấp phép.

Chia sẻ về việc tại sao bài hát Nối vòng tay lớn, một bài hát quen thuộc với đông đảo công chúng và được sử dụng trong nhiều chương trình nghệ thuật, chương trình mang ý nghĩa chính trị, có sức lan tỏa mạnh mẽ lại chưa được phép phổ biến, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng cục NTBD, cho biết: “Đúng là bài hát này được sử dụng nhiều, được cấp phép sử dụng trong một số chương trình riêng biệt vì được đánh giá là có nội dung và chất lượng nghệ thuật tốt, nhưng ca khúc này chưa có trong danh sách bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến thì chúng tôi cũng phải nói là chưa… Khi có đơn vị yêu cầu chúng tôi thẩm định thấy sáng tác có giá trị đã cấp phép phổ biến rộng rãi ngay!”.

Tuy nhiên, trên thực tế, trên website chính thức của Cục NTBD, ở danh mục các bài hát sáng tác trước năm 1975 được cấp phép phổ biến - một tài liệu được coi là căn cứ để các địa phương cấp phép biểu diễn lại xuất hiện khá nhiều lỗi. Cụ thể, rà soát 2.587 ca khúc được Cục NTBD cấp phép phổ biến đăng tải lại không xuất hiện bất cứ sáng tác nào đề tên nhạc sĩ Văn Cao. Trong khi đó, có tới 7 ca khúc là sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao nhưng lại xuất hiện trong bảng danh mục trên với tư cách tác phẩm của… một người khác (nhạc sĩ Văn Chung-PV). Cụ thể đó là các ca khúc: Buồn tàn thu, Chiều buồn trên bến Bạch Đằng, Cung đàn xưa, Đàn chim Việt, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi. 

Không chỉ vậy, giữa 2 danh mục các bài hát sáng tác trước năm 1975 được cấp phép phổ biến được đăng tải trên website chính thức của Bộ VH-TT-DL và của Cục NTBD cũng có những điểm vênh nhau về tác giả, tác phẩm được cấp phép. Lý giải điều này, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và Cục NTBD lại cho rằng đó hoàn toàn do lỗi kỹ thuật và Bộ VH-TT-DL sẽ rà soát kiểm tra lại.

Trước câu hỏi về việc tại sao Quốc ca - một tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao, được lựa chọn là Quốc ca ghi trong Hiến pháp năm 1946, nhưng đến năm 2009 mới có quyết định cấp phép phổ biến và việc cấp phép này có phải mang tính hình thức không? Ông Đào Đăng Hoàn đã lúng túng và không đưa ra được câu trả lời nào.

Điều 29 Nghị định 79 về lĩnh vực NTBD quy định: Tổ chức, cá nhân nào muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục NTBD. Hồ sơ gồm các thủ tục như: đơn đề nghị cấp phép, bản sao bản nhạc có chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả, bản sao chứng thực chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của tác giả, bản sao chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bản ghi âm có nội dung tác phẩm. Tuy nhiên, nhiều phóng viên cũng đặt ra câu hỏi, liệu yêu cầu này có quá rườm rà, gây khó cho người sử dụng tác phẩm không và Cục NTBD có kiến nghị để sửa đổi cho phù hợp không? Ông Lê Minh Tuấn bày tỏ mong muốn qua cổng dịch vụ công của Cục NTBD, những tổ chức cá nhân đang nghiên cứu sưu tầm các ca khúc mà chúng tôi chưa có dữ liệu thì gửi thông tin qua đó để đăng ký. Bởi nhiều ca khúc chủ sở hữu cũng như chính các tác giả không cung cấp dữ liệu thì chúng tôi không thể căn cứ thẩm định cấp phép các ca khúc chất lượng tốt. Riêng về vấn đề kiến nghị sửa đổi văn bản cho phù hợp với thực tế, ông Tuấn cho biết sau cuộc họp này Cục NTBD sẽ tổng hợp các ý kiến tham mưu cho các đơn vị cấp trên trong việc sửa các văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 12-4, Cục NTBD đã gửi công văn ban hành quyết định cho phép ca khúc Nối vòng tay lớn được phổ biến và lưu hành hợp pháp. Trong công văn cấp phép ghi rõ: “Xét đề nghị kèm hồ sơ ngày 28-3-2017 của Trường Đại học Y Dược Huế về việc cấp giấy phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975; căn cứ biên bản thẩm định của Hội đồng nghệ thuật ngày 11-4-2017 và đề nghị của Trưởng phòng Quản lý Băng đĩa, ca khúc Nối vòng tay lớn, do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác trước năm 1975, được phép phố biến trên toàn quốc.

MAI AN

>> "Nối vòng tay lớn" được cấp phép phổ biến

Tin cùng chuyên mục