Người quản lý khu địa đạo
Chúng tôi đến thăm Khu di tích lịch sử cấp quốc gia địa đạo Phú Thọ Hòa trong những ngày tháng 4 lịch sử. Đúng lúc chúng tôi gặp đoàn khách tham quan đặc biệt - các cháu thiếu nhi đến từ Trường Mầm non Thiên Lý, quận Tân Phú. Trong lúc các cháu được bảo vệ và nhân viên khu di tích hướng dẫn xuống hầm để tham quan, tôi gặp một cô giáo, cô nói: “Nhà trường cho các cháu một chuyến tham quan dã ngoại đầy ý nghĩa. Dù các cháu còn nhỏ, nhưng cũng đã hiểu biết, giáo dục truyền thống phải ngay từ đầu và bằng những hình ảnh cụ thể, như vậy mới gieo vào tâm trí các cháu sự cảm nhận cụ thể và dễ hiểu nhất”. Thấy chúng tôi gật gù tỏ ý tán đồng, cô tâm đắc nói tiếp: “Sắp đến ngày kỷ niệm chiến thắng lịch sử 30-4-1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đây là hình ảnh minh chứng tinh thần của chiến dịch Hồ Chí Minh là như thế nào”.
Anh Ngô Văn Chung, người quản lý khu di tích địa đạo, cũng nói: “Tuy không trực tiếp tham gia xây dựng địa đạo, nhưng qua tư liệu trong thư viện của khu di tích, cũng như những kỷ vật lưu lại, nên tôi nắm từng chi tiết nhỏ, từng giai thoại về các cụ tham gia đào địa đạo”. Rồi như một hướng dẫn viên, anh nói rành rọt cho tôi và mọi người cùng nghe: “Phú Thọ Hòa là vùng tiếp giáp giữa ngoại thành và nội thành, xã Phú Thọ Hòa ngày xưa là vùng đất quân sự có nhiều chiến lũy phòng thủ chống giặc. Như Lũy Ông Đầm, Lũy Bán Bích, Lũy Chí Hòa… các cư dân sống trong vùng này đã thấm nhuần tinh thần chiến đấu của cha ông ngày trước, trong đó nổi bật là nhiều phong trào yêu nước tự phát như Bề Đường (Nguyễn Văn Bường), Thiên Địa Hội (Phan Phát Sanh), Hội kín Nguyễn An Ninh… Sau ngày 23-9-1945 Phú Thọ Hòa là một trong những căn cứ địa cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.
Anh Chung kể tiếp: “Để đối phó với ý đồ của giặc Pháp là quyết tiêu diệt hết lực lượng và cơ sở cách mạng quanh vành đai thành phố, tại Đình Lộc Hòa, Ủy ban kháng chiến xã Phú Thọ Hòa được thành lập. Sau đó có chủ trương xây dựng và phát triển hệ thống đường giao thông hào và đào địa đạo chiến, để lực lượng võ trang bám đất, bám dân, làm bàn đạp tiến công vào thành phố. Vào những năm 1930, tại thôn Lộc Hòa, người ta đã đào những căn hầm bí mật để che giấu cán bộ địa phương. Sau năm 1947, địa đạo được nới rộng và phát triển sang các vùng phụ cận. Vì nơi đây có những đặc điểm như vùng đất cao, cây cối rậm rạp, địa hình địa vật phức tạp, nhân dân có truyền thống chống bất công, áp bức của chế độ phong kiến, bọn cường hào, bọn thực dân và tay sai bán nước”.
Cấu trúc của địa đạo được nhân dân ấp Lộc Hòa cải tiến từ hầm ếch thành đường hầm xe lửa hai ngăn. Qua thời gian, nhận thấy không được an toàn mấy nên các đồng chí lãnh đạo xã cho phát triển đường hầm xe lửa thành hệ thống địa đạo liên xã. Chiều dài địa đạo tính theo đường chim bay khoảng 1km, nhưng chiều dài chạy theo địa hình dài cả 10km. Trên mặt đất được đào giao thông hào chữ L, trồng tre dứa dọc theo, tạo thành địa hình chiến đấu liên xã Phú Thọ Hòa - Bình Hưng Hòa - Tân Sơn Nhì”.
Nói đến đây, vị quản lý khu di tích chỉ tay về phía các bụi tre xanh um, trải dài những chiếc lá trong nắng, rồi với tay lấy xấp tài liệu trên bàn, chỉ cho xem mô hình cắt đứng của cấu trúc địa đạo: “Địa đạo được đào sâu khoảng 3m, có nơi lên đến 4m, lòng địa đạo cao khoảng 1m, rộng khoảng 0,8m, hai bên có nhiều ngách đi sang nhiều hướng khác nhau, địa đạo có 2 tầng, đường đi có lúc lên lúc xuống, có nhiều lỗ thông hơi và nhiều miệng hầm có nấp đậy, được nghi trang tùy theo địa hình bên trên mặt đất. Những người tham gia đào địa đạo được chia làm 4 tổ, mỗi tổ 4 người, thay phiên nhau làm việc suốt đêm. Trước tiên đào một cái giếng khô sâu 3m, gọi là “khai tâm” địa đạo. Từ trung tâm này bắt đầu phát triển ra. Người đào đất ngồi xếp bằng tròn, dùng cuốc chim phá vỡ lớp đất trước mặt mà nhích tới. Những người phía sau kéo đất ra chuyền lên trên. Để định hướng, người ngồi sau cầm đèn để một khoảng cách nhất định mà rọi bóng người ngồi trước lên vách. Người ngồi trước cuốc vào cái bóng của mình, bao giờ bóng ngay thẳng tròn trịa là lòng hầm đúng ni tấc và phương hướng”.
Những chiến công
Địa đạo Phú Thọ Hòa được phát triển đầu tiên ở Sài Gòn, phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã thể hiện sự sáng tạo trong đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng, làm nên chiến công oanh liệt, hai lần tấn công vào kho bom Phú Thọ (1952 - 1954), nhiều lần đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, làm tiêu hao nhiều lực lượng địch, hỗ trợ cho chiến trường Điện Biên Phủ gây tiếng vang trong nước và thế giới.
Chi đội 12, tiểu đoàn Ký Con, tiểu đoàn Ngô Gia Tự, chi đội 13 và nhiều ban công tác thành đã được địa đạo Phú Thọ Hòa che giấu. Trong 9 năm kháng chiến, địa đạo đã đảm bảo cho nhiều cán bộ quân dân chính đảng các cấp về hoạt động nội thành trú chân tại đây. Địa đạo Phú Thọ Hòa ra đời chính từ lòng yêu nước và căm thù giặc sôi sục của nhân dân Phú Thọ Hòa. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Phú Thọ Hòa cũng là nơi để bám trụ đánh địch, xây dựng cơ sở bí mật, làm căn cứ cho các đơn vị võ trang ém quân, là nơi xuất phát các trận đánh lớn nhỏ vào sào huyệt địch, dùng làm bàn đạp để tấn công vào nội thành Sài Gòn. Có thể nói, địa đạo Phú Thọ Hòa là minh chứng cho tinh thần yêu nước sắt son của người dân ấp Lộc Hòa nói riêng và của dân và quân xã Phú Thọ Hòa nói chung. Năm 1966, địa đạo Phú Thọ Hòa bị bọn tề xã Phú Thọ Hòa đánh phá một số đoạn giao thông hào. Năm 1996, địa đạo Phú Thọ Hòa được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận là “di tích lịch sử cấp quốc gia”.
Ngày 17-11-1984, một lần về thăm lại khu di tích lịch sử địa đạo, đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ đạo, nên khôi phục lại khu di tích để giáo dục cho thế hệ trẻ. Bút tích của đồng chí còn lưu lại tại khu di tích như sau: “Làm lại các di tích này cốt không chỉ để ca ngợi những cái đã qua, mà chính là để truyền lại tinh thần đoàn kết, yêu nước, tinh thần chiến đấu anh dũng cho thế hệ thanh niên ở thành phố chúng ta, đất nước chúng ta”.