Phù phép hàng cũ thành mới

Vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), Hải quan TPHCM liên tục phát hiện nhiều vụ nhập lậu hàng điện tử, điện gia dụng đã qua sử dụng từ nhiều thị trường tên tuổi như Nhật Bản, Nga, Đức… Sau khi tuồn vào thị trường trong nước thành công, các mặt hàng này được đầu nậu “thổi” thành hàng nội địa với giá cao, thậm chí tương đương giá hàng mới được bán tại Việt Nam, còn chất lượng thì… may nhờ rủi chịu.

Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra kho hàng máy điều hòa nhập lậu đã qua sử dụng

Hàng mới 99%, bảo hành chính hãng?

Theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP, những mặt hàng đã qua sử dụng như hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng… không được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay nhiều mặt hàng trên do nước ngoài sản xuất và đã qua sử dụng vẫn đang được bày bán công khai trên thị trường.

Tại TPHCM, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua máy điều hòa, tủ lạnh Nhật Bản đã qua sử dụng tại một số cửa hàng bán đồ cũ hay qua một số trang website như: hangnhat, hangmychinhhieu và nhiều fanpage trên mạng xã hội Facebook. Trong đó, những đồ gia dụng, điện lạnh thương hiệu Nhật Bản đã qua sử dụng nhưng đang bán trên thị trường có giá khá cao, nhiều mặt hàng gần tương đương với hàng mới được sản xuất ở Việt Nam. Chẳng hạn, tại cửa hàng T.T - kinh doanh đồ điện tử đã qua sử dụng trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) - bày bán đầy đủ các mặt hàng điện lạnh Nhật đã qua sử dụng như máy giặt, máy điều hòa không khí , tủ lạnh, nồi cơm điện, máy rửa chén… Thấy khách ngắm nghía chiếc tủ lạnh 6 cánh đời mới, nhân viên liền quảng cáo: “Hàng này tụi em mới nhập về cách đây ít ngày, tuy đã qua sử dụng nhưng còn mới tới 99% và vẫn còn trong thời gian bảo hành. Không tin, cứ tra số seri trên sản phẩm là biết liền”. Khi chúng tôi nghi ngờ đây có phải hàng Nhật thật hay không, thì nhân viên cam kết 100% hàng Nhật chính hãng. Mặc dù người bán cam kết hàng thật nhưng không thể chứng minh cho khách hàng bất cứ giấy tờ hợp pháp nào. Ngay cả việc tra theo mã số seri trên tem nhãn sản phẩm cũng rất hên xui (?!).

Ghé một cửa hàng điện tử gia dụng khác trên đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú), thấy điểm bán này đang phát nhạc rộn rã từ cặp loa thùng đặt trước cửa hàng nhằm thu hút khách. Tại đây, nhiều loại tủ lạnh, nồi cơm điện, máy lạnh cũ đang được nhân viên cạo sửa, tân trang lại như hàng mới. Thấy có khách, bà chủ vui vẻ chào mời: “Vào coi đi em, hàng ngoại mới nhập kho, giá cực rẻ”. Nói rồi bà giới thiệu hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Toshiba, Sanyo, LG, Panasonic… Theo bà chủ cửa hàng, đây đều là sản phẩm nội địa “xịn” và tiết kiệm điện năng hơn các mặt hàng sản xuất trong nước, như tủ lạnh 6 cánh của hãng Toshiba tiết kiệm điện năng đến 20% so với tủ lạnh sản xuất tại Việt Nam; máy điều hòa Panasonic tiết kiệm điện lên đến hơn 50%, lại còn có hệ thống đuổi côn trùng, có khả năng tạo nhiệt làm đẹp da… Tuy là đồ cũ, nhưng giá rất “chát”. Cụ thể, tủ lạnh 6 cánh có giá từ 20 - 30 triệu đồng/sản phẩm, tủ lạnh 5 cánh có giá từ  10 - 15 triệu đồng/sản phẩm, bếp từ có giá 25 - 30 triệu đồng/sản phẩm… Giá cả tùy thuộc vào chất lượng và mẫu mã của sản phẩm. “Giá cao nhưng xài suốt cả đời. Hàng ngoại nên chất lượng tốt lắm em ơi! Mua đi, sẽ không thấy hối hận đâu!”, người bán hàng đon đả mời.

Sản phẩm “lên đời”

Cách đây vài tuần, các đội QLTT TPHCM phát hiện “ổ” hàng nhập lậu (tại huyện Củ Chi) đã qua sử dụng có xuất xứ từ Trung Quốc và số ít hàng khác xuất xứ từ Nhật Bản, toàn máy điều hòa cũ. Trước đó, QLTT, Hải quan TP cũng tạm giữ lô hàng tủ lạnh, máy giặt, đồ điện gia dụng (nồi cơm, bàn ủi…) các loại tuồn vào tiêu thụ tại TPHCM. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng buôn lậu cho biết, toàn bộ số hàng đã qua sử dụng này sẽ được “lên đời” qua các khâu cạo, tẩy sửa logo các kiểu, sau đó đem tiêu thụ tại khu vực vùng ven, các tỉnh lân cận. Cũng có những sản phẩm được “hô biến” thành hàng nội địa của một số quốc gia có tên tuổi và bán với giá khá cao. Trường hơp người tiêu dùng không sành sỏi sẽ rất dễ mắc lừa.

Trở lại địa điểm bán lô hàng “còn mới tới 99%” nêu trên, sau nhiều lần hỏi mua hàng làm quen, chúng tôi “bắt mối” được với đầu nậu tên T. (quê Quảng Ngãi) chuyên cung cấp hàng cho các điểm kinh doanh hàng nội địa cũ ngoại nhập. T. bật mí: “Giới thiệu là hàng Nhật Bản, Mỹ, Đức, Hàn Quốc… nhưng số lượng thực ra rất ít, còn đa số đều là hàng Trung Quốc nhái thương hiệu. Họ làm giả rất tinh vi đến mức dân trong nghề nhiều khi còn bị lầm chứ đừng nói tới khách hàng”. Theo T., hầu hết sản phẩm điện lạnh, đồ gia dụng ngoại nhập đã qua sử dụng khi chuyển về Việt Nam đều được mông má, sơn mới để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, mua hàng điện tử loại này giống như trò chơi may rủi, người may mắn mua được đồ tốt, còn ngược lại sẽ mua phải hàng kém chất lượng. Việc sửa chữa những sản phẩm này cũng gặp nhiều khó khăn, bởi không có linh kiện thay thế. Tuy nhiên, số lượng khách hàng có nhu cầu vẫn rất cao, bởi tâm lý sính ngoại nên các cửa hàng kinh doanh vẫn luôn có nơi tiêu thụ.

Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn kinh doanh mặt hàng này nhưng sợ bị phát hiện, T. cười lớn, nói: “Cùng lắm chỉ bị tịch thu, xử phạt thôi chứ có thấy ai bị bỏ tù gì đâu. Tui làm nghề này mấy chục năm có sao đâu. Quan trọng là mình phải có kho cất giữ, chỉ trưng ra vài sản phẩm làm mẫu. Với lại chủ yếu bán online là chính”. Theo đầu nậu này, do lợi nhuận bán đồ điện tử nhập lậu đã qua sử dụng rất cao, nên dù biết phạm pháp nhưng người kinh doanh vẫn cố tình vi phạm.

Rõ ràng, vẫn còn có những góc khuất, những “mảnh đất” kinh doanh màu mỡ, trong đó bán hàng trực tuyến là một ví dụ mà các cơ quan chức năng chuyên trách vẫn chưa kiểm tra, giám sát hết được. Để giải quyết vấn nạn hàng lậu, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng liên ngành, sự cảnh giác cao độ của người tiêu dùng, chủ động tẩy chay hàng không rõ nguồn gốc nhằm góp phần lành mạnh hóa thị trường tiêu dùng.

 Tạm giữ hơn 44 tấn hàng lậu, hàng nhái

Lãnh đạo Chi cục QLTT TPHCM cho biết, đơn vị vừa kiểm tra 27 công ty, cửa hàng, hộ kinh doanh và phát hiện số lượng hàng hóa vi phạm trên 44 tấn. Các lỗi vi phạm gồm hàng nhập lậu, hàng không hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Trong số đó, QLTT tạm giữ 750kg, 210 lít và 3.604 đơn vị sản phẩm rượu trắng, thực phẩm các loại đã qua sử dụng. Đối với hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng QLTT cũng đã tạm giữ 308 thùng, gần 44 tấn và 8.802 đơn vị sản phẩm bột bánh xèo Hương Quê (có bao bì, mẫu mã, nhãn mác gần giống bột Hương Xưa), bột mì trái lê (bao bì, nhãn mác gần giống bột trái táo của Công ty Đại Phong), rượu Vodka, rượu nếp Hà Nội…

MINH PHƯƠNG - GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục