Giữ gìn đạo hiếu bằng tiếng nói dân gian
Giống như văn học thì ca dao, tục ngữ phản ánh rất thực tế và sinh động về đời sống xã hội. Đó là tiếng nói của dân gian Việt, là loại văn chương truyền khẩu, biểu hiện đa dạng về cuộc sống của mọi tầng lớp trong xã hội để nhận định hành vi tốt xấu của con người khi giao tiếp với nhau, bà Nguyễn Thị Thắm (Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ) chia sẻ.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thắm, trong thực tiễn đã chứng minh vai trò của phụ nữ có đóng góp rất lớn trong việc gìn giữ đạo hiếu được thể hiện thông qua tục ngữ, ca dao Việt Nam xuyên suốt hành trình ở mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc chúng ta.
Nói về xu hướng biến đổi vai trò người phụ nữ trong giai đoạn hiện nay, bà Trần Kim Cúc (công tác tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM) cho biết, trong công cuộc đổi mới, đất nước ta chuyển sang thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, phụ nữ có nhiều cơ hội tổ chức hoặc tham gia các hoạt động lao động sản xuất để cùng nam giới tạo ra thu nhập kinh tế cho gia đình. Đây chính là cách để giải phóng phụ nữ từ gia đình, giảm sự lệ thuộc vào nam giới rất lớn.
Lấy ví dụ thực tế là trong các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ngày càng ghi nhận thành tích đóng góp đáng kể của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bà Trần Kim Cúc chia sẻ.
Gắn kết
Cha mẹ ngoài việc mua các món quà tặng con, có lẽ nên chú ý tặng con mình những cuốn sách, chỉ dẫn cho con và hướng dẫn chúng đọc sách sao cho thật ý nghĩa và bổ ích. Sẵn sàng cùng con đam mê đọc sách, đi nhà sách, thiết kế những buổi đọc sách mini tại nhà và cùng nhau kể lại những câu chuyện đã đọc trong sách. Đây là điều hết sức thú vị mà ông Vũ Trung Kiên (giảng viên Học viện Chính trị Khu vực II) chia sẻ. Khi làm như vậy sẽ tạo sự gắn hết hơn giữa các thành viên trong gia đình, tạo nên nếp sống lành mạnh và xây dựng nên xã hội học tập rộng khắp. Để làm được điều này, người phụ nữ trong gia đình chính là nhân tố quyết định rất lớn chi phối đến câu chuyện tuy nhỏ mà vô cùng quan trọng này.
Cũng đề cập đến vai trò của người phụ nữ, bà Huỳnh Thị Kim Loan (Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ) góp thêm cái nhìn quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong văn hóa tết truyền thống. Tục lệ ngày tết có giá trị văn hóa cao nên phần lớn phụ nữ là người thực hiện các nghi lễ thờ cúng thường ngày trong gia đình. Bởi họ luôn thể hiện sự đảm đang, khéo léo từ việc mua sắm, chuẩn bị chu đáo đầy đủ nhu yếu phẩm đến việc dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ gia tiên mỗi dịp năm mới đến.
Mẹ chồng và nàng dâu trong cuộc sống đời thường
Gia đình Việt Nam chính là nơi lưu giữ, chuyển giao các giá trị văn hóa của dòng tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong mỗi gia đình dù quy mô lớn hay nhỏ thì ít nhiều truyền thống văn hóa gia đình cũng ảnh hưởng sâu đậm đến các thành viên, mối quan hệ, xung đột trong ứng xử giữa mẹ chồng và nàng dâu với diễn biến qua nhiều cung bậc, trạng thái khác nhau. Đó là xung đột bắt nguồn từ những phép tắc, lễ nghi, từ tình yêu của người đàn ông bị san sẻ.
Thực tế này đã được bà Quách Thu Nguyệt (Hội xuất bản sách Việt Nam) thẳng thắng chỉ ra và chính bà cũng đang là mẹ chồng trong một gia đình đã thấu hiểu chia sẻ. Bà Nguyệt còn dẫn chứng nhiều bộ phim gần đây có đề cập nội dung xoay quanh mẹ chồng, nàng dâu đã ít nhiều chạm đến đời thực nên đã tác động mạnh đến cuộc sống của nhiều gia đình. Người phụ nữ trong gia đình nếu được giáo dưỡng bằng sự yêu thương, sự tôn trọng, lòng bao dung và sự chia sẻ thì mọi mâu thuẫn không đáng có giữa mẹ chồng, nàng dâu đều có thể hóa giải được.