Ông phó nháy ở Đền Đô

Suốt 15 năm nay, du khách ghé thăm Đền Đô, Từ Sơn, Bắc Ninh đều dừng lại trầm trồ trước bức ảnh Hoàng long linh hiện. Điều đặc biệt là tác giả bức ảnh ấy năm nay đã 77 tuổi, ông là Nguyễn Đức Thìn, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân.
Ông phó nháy ở Đền Đô

Suốt 15 năm nay, du khách ghé thăm Đền Đô, Từ Sơn, Bắc Ninh đều dừng lại trầm trồ trước bức ảnh Hoàng long linh hiện. Điều đặc biệt là tác giả bức ảnh ấy năm nay đã 77 tuổi, ông là Nguyễn Đức Thìn, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân.

Đam mê chụp ảnh

Tuổi thơ của cậu bé Thìn trôi đi trong những tháng năm kháng chiến chống Pháp ác liệt. Nhớ lại hồi đó, ông kể: “Từ bé, mỗi lần được ra Hà Nội chơi, ấn tượng nhất đối với tôi là hiệu ảnh Hạ Long ở phố Hàng Trống với những chiếc máy ảnh”. 

Được người chị dâu cho một ít tiền, ông nghĩ ngay đến việc mua máy ảnh. Năm 1951, sau nhiều lần vào hiệu ảnh Hạ Long, phố Tràng Tiền (Hà Nội), ông mua chiếc máy ảnh Roc với giá 100 đồng Đông Dương. “Tôi quyết định mua chiếc máy ảnh Roc chụp phim Kodak 4 x 4cm (mỗi cuốn phim chỉ có 12 kiểu) bởi giá của nó rẻ nhất trong hiệu Hạ Long, hơn thế nữa, máy này được giới thiệu là ai cũng chụp được. Ông lão bán máy ảnh đã hướng dẫn tôi cả cách tráng phim trong điều kiện không có buồng tối và cách tự in ảnh bằng đèn dầu”, ông Thìn nhớ lại.

Ông Thìn trong căn phòng lưu giữ những đồ đạc tác nghiệp của đời mình

Có được chiếc máy ảnh Roc, ông tập chụp ảnh bạn bè, rồi chụp Đền Đô quê mình trước khi bị thực dân Pháp tàn phá vào mùa hè năm 1952. “Khoái nhất là sau khi chụp ảnh xong, mình lại về trùm chăn, lấy lá chuối bịt lại và dùng đèn pin để soi ảnh trên cuốn phim”, ông Thìn nói.

Năm 1951, khi mới 11 tuổi, Nguyễn Đức Thìn tham gia đội thiếu niên du kích Đình Bảng, hoạt động bí mật trong lòng địch. Ông đã dùng chiếc máy ảnh Roc đút trong quần soóc vào khu Pháp chiếm đóng để chụp ảnh nơi để vũ khí quân sự của địch. Sau khi chụp xong, buổi tối ông lại giao cuốn phim đó cho cơ sở, rồi chuyển vào hòm thư bí mật để phục vụ cách mạng.

Sau kháng chiến chống Pháp, năm 18 tuổi, ông Thìn trở thành anh giáo làng. Trong quãng thời gian dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ, niềm ao ước có một chiếc máy ảnh mới luôn đau đáu trong ông khi chiếc Roc đã bị hỏng. Phải đến sau ngày thống nhất đất nước, niềm mong ước đó mới thành hiện thực. Năm 1975, khi vào Sài Gòn công tác, ông quyết định mua chiếc máy ảnh Praktica với giá tương đương 1 chỉ vàng. Kể lại chuyện ấy, ông nói: “Chiếc Praktica này tôi đã thích từ lâu. Năm 1971, nhân chuyến phụ trách thiếu nhi Việt Nam dự trại hè thiếu nhi quốc tế ở Berlin, tôi đã thấy nhiều người sử dụng nó. Đây là chiếc máy ảnh nổi tiếng nhất của các nước xã hội chủ nghĩa khi ấy, do Đức sản xuất. Chính vì thế, nên dù phải mất số tiền tương đương 2 tháng lương, tôi vẫn quyết định mua nó”.

Có chiếc Praktica trong tay, anh giáo Thìn trở về quê và làm ngay đề tài nhiếp ảnh về giáo dục. Ông tâm sự: “Bằng những bức ảnh tư liệu, người ta có thể truyền đạt tới học sinh những tri thức thật nhanh. Tôi đã chắt chiu từng đồng tiền để đi mua phim, in ảnh phục vụ cho đề tài nhiếp ảnh”. Ông Thìn vui vẻ kể rằng khi ấy mình đã sáng tạo ra một chiếc máy phóng ảnh độc nhất vô nhị, bằng ánh sáng mặt trời: “Tôi đã chui vào bể nước để làm buồng tối, tháo hết nước đi để ánh sáng chui vào một cái khe tối om, đặt chiếc máy ảnh trong hộp gỗ, lấy đèn pin, giấy màu phóng ra được những tấm ảnh bằng bàn tay”.

Chính đề tài nhiếp ảnh này của ông đã được nhận bằng lao động sáng tạo vào năm 1984. Không những thế, ông đã cùng với tổ sử học dựng ra những phòng tư liệu truyền thống trong một số trường như: THCS Đình Bảng, THCS Phù Khê, THCS Tam Sơn, THCS Mai Lâm.

Những bức ảnh độc và lạ

Năm 1951, với chiếc máy ảnh Roc, ông Thìn đã chụp được một số bức ảnh về Đền Đô. Đến năm 1989, ông đến nhiều nơi sưu tầm lại những bức ảnh về Đền Đô trước chiến tranh, trong đó có ảnh của Thư viện Khoa học xã hội và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Cũng trong năm 1989, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh đã quyết định xây dựng lại Đền Đô. Ông Thìn khi đó được bầu làm ủy viên tuyên truyền của Ban vận động xây dựng Đền Đô. Là người gắn bó với Đền Đô qua bao thăng trầm bằng những tấm ảnh từ đen trắng đến màu, vào một ngày mùa thu năm 1998, khoảnh khắc ngàn năm có một đã đến với ông Thìn.

Bức ảnh gốc Hoàng long linh hiện

Ngày 1-9-1998, đất nước tổ chức ngày hội chào mừng 300 năm Sài Gòn - Gia Định, hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội ở Trung tâm Văn hóa dân tộc Việt Nam (số 2 Lê Đại Hành, Hà Nội). Trung ương yêu cầu tổ chức một lễ rước lớn với 300 người mang linh vị các đức vua nhà Lý từ Đền Đô ra Hà Nội. Với chiếc Praktica đeo trên người, ông Thìn đã ra Đền Đô từ rất sớm để 5 giờ sẽ cùng đoàn rước bắt đầu ra Hà Nội. Ông kể: “Sáng sớm, khi trời mùa thu còn chưa sáng, dưới ánh đèn neon, khi tôi đang chụp ảnh đội múa rồng thì tự nhiên thấy nền trời chuyển màu vàng. Tôi ngước lên thấy áng mây rồng từ phía Hà Nội bay về. Ngay tức khắc, tôi đưa máy ảnh bấm được duy nhất một kiểu trước khi áng mây rồng tản ra lúc đến đỉnh Đền Đô”. Nhiếp ảnh gia làng Nguyễn Đức Thìn đã biết để chế độ vô cực, tốc độ 30 ống kính 4, phim Fuji 100ASA để thu được duy nhất một bức ảnh về vân long này.

Sau này, ông Thìn quyết định đặt tên cho bức ảnh đó là Hoàng long linh hiện, có nghĩa rồng vàng xuất hiện. Không chỉ chụp được áng mây rồng, ông Thìn còn chụp được một số bức ảnh thú vị khác như bức Bát Đế điện linh - 8 vua hiện về với con cháu, bức Tiếng vọng cội nguồn… Tất cả những bức ảnh trên đều được ông Thìn chụp ở khu vực Đền Đô với những cảm xúc rất đặc biệt.

Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn còn sáng tác thơ, sách về quê hương Kinh Bắc nói chung, về Đền Đô nói riêng. Trong đó, ông đã in cuốn sách thơ ảnh mang tên Tiếng vọng cội nguồn, Thơ Đền Đô, Đất rồng thiêng… bằng kinh phí cá nhân. Sau đó, ông đã bán sách lấy tiền để tặng trẻ em khuyết tật.

NGUYỄN HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục