Vũ điệu trên đảo Cò

Xuất phát ngày đầu tiên ở tỉnh Hải Dương, đoàn tham quan của tỉnh Phú Yên chúng tôi chọn đảo Cò (thuộc xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện). Đây là nơi trú ngụ hàng ngàn cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò ruồi, cò đen, cò hương, cò nghênh, cò ngang và đặc biệt là cò nhạn, loài cò nằm trong Sách Đỏ Việt Nam...
Vũ điệu trên đảo Cò

Xuất phát ngày đầu tiên ở tỉnh Hải Dương, đoàn tham quan của tỉnh Phú Yên chúng tôi chọn đảo Cò (thuộc xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện). Đây là nơi trú ngụ hàng ngàn cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò ruồi, cò đen, cò hương, cò nghênh, cò ngang và đặc biệt là cò nhạn, loài cò nằm trong Sách Đỏ Việt Nam...

Hình thành sau trận đại hồng thủy

Đến đảo Cò lúc ấy đã 3 giờ chiều, ngồi trên chiếc xuồng nhỏ đưa chúng tôi vòng quanh đảo Cò, ánh mắt của bao người trong đoàn công tác “bơi” theo vận tốc chậm chạp của chiếc xuồng trên lòng hồ An Dương để chiêm ngưỡng nét đẹp của đảo Cò. Trong khu rừng tre, trúc xen lẫn với những hàng cây khác thấy cò đậu ken dày. Trên cành cây khô, có những đôi cò đứng gá mỏ vào nhau, có con ngồi trên đọt cao cúi đầu nhìn “người lạ”, còn con đậu ở cành thấp ngước nhìn chiếc xuồng đang tiến lại gần. Chiêm ngưỡng như vậy chưa đã mắt, người trong đoàn nêu ý kiến làm sao cho cò bay lên? Người lái xuồng liền lấy cái nón đội trên đầu giơ lên cao và cất giọng… ơi hời! Ngay lập tức, tại một góc nhỏ của đảo, hàng trăm con cò dáo dác bay lên “biểu diễn” trên không gian một màu trắng rợp. Có cánh cò bay thẳng, có cánh cò chao nghiêng, có cánh cò bay lã bay la vần vũ làm nên những “vũ điệu” cò. Chị Ái Phi, thành viên trong đoàn Hội sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, lạ mắt trầm trồ: “Từ nhỏ đến giờ, ở quê tôi chỉ thấy đàn cò 10 - 20 con, chưa lần nào thấy đàn cò hàng trăm con như ở đây”.

Cò đậu trên cành cây khô

Tôi hỏi thăm thì người lái xuồng, anh cho biết tên Bùi Văn Luống, có thâm niên hành nghề ở đây trên 10 năm và giãi bày: Đảo Cò có diện tích 7.324m2, riêng lòng hồ An Dương rộng 3,5ha. Theo thống kê mới nhất của UBND xã Chi Lăng Nam, hiện có trên 15.000 con cò, gồm 9 loài như cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò ruồi, cò đen, cò hương, cò nghênh, cò ngang, diệc và còn trên dưới 5.000 con vạc cùng một số loài chim quý hiếm như bồ nông, mòng két, le le… về đây trú ngụ.

Chiếc xuồng đưa đoàn du khách đến một eo nhỏ, nơi mặt nước hồ An Dương ăn sâu vào đảo Cò, đoàn chúng tôi yêu cầu anh Luống nán lại để chụp ảnh những con cò “đi bộ” sát mép nước hồ lặn lội tìm mồi. Người lái xuồng xởi lởi: Cò ở đây đa số bay đi ăn ở cánh đồng xa, còn đây chỉ là nơi trú ngụ, nhưng có con bay đi kiếm mồi cả ngày vẫn chưa no nên về đây kiếm thêm mồi.

Khi xuồng dừng lại, tôi mới nhìn kỹ ổ cò giống như đống rơm nhỏ. Cò mẹ cần mẫn nằm ấp trứng; cạnh đó có tổ cò con ngồi thu mình ngóng chờ cò mẹ kiếm mồi về. Tôi nhớ lại lúc nãy khi anh Luống “hù” cho cò bay lên, có con cò nhỏ đang nằm trong ổ, nghe tiếng người liền rướn cổ đập cánh làm “điệu bộ” muốn bay nhưng chưa đủ lông đủ cánh nên cứ run rẫy, ngơ ngác nhìn theo đàn cò đang bay chao nghiên cánh. 

Anh Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, phân trần: Cò sống trong cảnh “nghèo” từ nhỏ. Trong ổ cò không đủ che chở, lắm lúc cò con lọt ra ngoài nên Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Đảo Cò đã cho trồng thêm cây xanh, đặt các rổ nhỏ đan bằng mây, tre để cò, vạc xây tổ.

Đi vòng nửa đảo Cò, anh Toàn kể: Đảo Cò nằm giữa hồ An Dương, xưa kia là vùng chiêm trũng nằm bên bờ sông Hồng, ở giữa nổi lên gò đất cây cối xanh tốt. Vào thế kỷ 15, một trận đại hồng thủy ập đến, làm vỡ đê sông Hồng, gây ngập lụt, làng mạc bị cuốn trôi. Lũ rút đi để lại một hồ nước rộng có độ sâu hơn 20m tồn tại đến ngày nay. Năm tháng đi qua, từng đàn cò, vạc cùng nhiều loài chim nước tìm về đây trú ngụ mỗi lúc một nhiều...

Chúng tôi rời đảo Cò dưới ánh hoàng hôn, lúc từng đàn cò từ bốn phương tìm về tổ ấm... Đảo Cò càng đẹp và thơ mộng hơn. Trên bờ người bán hàng lưu niệm bày bán đủ loại cò… nhựa, như cò đi bộ, cò chạy xe. Chúng tôi ngoái đầu nhìn lại, thì ra là chiếc xuồng đưa chúng tôi đi quanh đảo cũng có hình con cò.

Bảo tồn đảo Cò

Tối đó, tại nhà hàng ở trung tâm huyện Thanh Miện, chúng tôi ngồi lai rai chén rượu, chén trà. Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, cho biết đảo Cò đã được tỉnh quy hoạch thành khu du lịch sinh thái với tổng diện tích 67ha. Do số lượng chim, cò, vạc về ngày càng nhiều, tỉnh có chủ trương mở rộng đảo, trồng thêm cây để các loài chim trú ngụ. Trong số đó có cò nhạn, còn được gọi cò ốc hoặc cò thìa, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, bậc R - loại cực kỳ quý hiếm. Cò thường xuất hiện ở những nơi có nước ngọt, cánh đồng ngập nước và các bãi triều ven sông, ven biển. Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại ốc, cua, ếch, nhái và nhiều loại côn trùng khác. Chúng di cư và sinh sống thành bầy...

Chiếc xuồng đưa khách du lịch quanh đảo Cò

Còn theo ông Vũ Bá Hân, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam, năm 2012 đảo xuất hiện đàn cò nhạn với số lượng lên tới hàng ngàn con bay về trú ngụ. Đây là loài có kích cỡ lớn nhất trong số gần chục loài chim đang trú ngụ. Trung bình mỗi con khi trưởng thành nặng 1 - 1,5kg, cao gần 1m; sải cánh rộng hơn 1m. Chúng rất thân thiện, sống chan hòa với các loài chim bản địa. Hiện chính quyền xã Chi Lăng Nam cũng rất lo cho số phận của đàn chim, bởi địa bàn di cư kiếm ăn rất rộng, không chỉ trên cánh đồng của xã mà bay tới các xã trong huyện, trong tỉnh, thậm chí ra các vùng lân cận như: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Nam Định. Trong khi đó, nạn săn bắn, bẫy chim ở một số địa phương, cũng như buôn bán chim tự nhiên làm mồi nhậu vẫn công khai, nguy cơ làm giảm số lượng chim trong tương lai.

Tiệc trà tan, tôi nhớ lại cánh đồng Tuy Hòa (Phú Yên) quê tôi cũng “thẳng cánh cò bay”. Trước đây, cò dàn hàng ngang lặn lội tìm bắt mồi, còn buổi chiều từng đàn cò xếp hình vòng cung bay qua cánh đồng, nhưng gần đây hình ảnh này đã mất dạng. Có lần trong một chuyến công tác lên huyện Phú Hòa, tôi thấy nhiều người săn cò bằng cách gài bẫy mắc họng, tức cột lưỡi câu vào một dây cước trắng, buộc đầu kia vào cây cọc tre nhỏ cắm trên ruộng lúa, còn lưỡi câu móc mồi tép, tôm, cá. Cò thấy mồi nuốt lưỡi câu nên mắc họng. Sáng sớm, người đi thăm bẫy tóm gọn cò túm chân treo ngược lên, trong số con cò mắc bẫy có con nhắm mắt, có con mở mắt nhìn như van xin… rất tội nghiệp!

Những ngày qua, về dạo quanh các cánh đồng rộng lớn từ TP Tuy Hòa lên Phú Hòa qua Đông Hòa rồi về Tuy An, thỉnh thoảng tôi chỉ thấy có con mồ côi đứng một mình, nhìn từ xa như một “chấm trắng” hiếm hoi trên cánh đồng một tỉnh duyên hải miền Trung.

MẠNH HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục