Xóm Chăm bên sông Hậu

Cộng đồng người Chăm Islam ở An Giang có gần 15.000 người, sinh sống tại 9 xóm ở các huyện An Phú, Châu Phú, Phú Tân, Châu Thành và thị xã Tân Châu. Các xóm Chăm này (trừ xóm Chăm Vĩnh Hanh - Châu Thành, nằm trong vùng kinh tế mới của tỉnh, hình thành năm 1978) đều xen kẽ với người Kinh, hình thành nên các ấp, liên ấp, từ huyện đầu nguồn An Phú chạy dài theo sông Hậu và sông Bình Di, hợp lưu ở ngã ba sông Châu Đốc, rồi đổ xuống xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú nên xóm Chăm ở xã Khánh Hòa là xóm Chăm cuối cùng chạy dọc theo dòng sông Hậu. 
Xóm Chăm bên sông Hậu

Cộng đồng người Chăm Islam ở An Giang có gần 15.000 người, sinh sống tại 9 xóm ở các huyện An Phú, Châu Phú, Phú Tân, Châu Thành và thị xã Tân Châu. Các xóm Chăm này (trừ xóm Chăm Vĩnh Hanh - Châu Thành, nằm trong vùng kinh tế mới của tỉnh, hình thành năm 1978) đều xen kẽ với người Kinh, hình thành nên các ấp, liên ấp, từ huyện đầu nguồn An Phú chạy dài theo sông Hậu và sông Bình Di, hợp lưu ở ngã ba sông Châu Đốc, rồi đổ xuống xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú nên xóm Chăm ở xã Khánh Hòa là xóm Chăm cuối cùng chạy dọc theo dòng sông Hậu. 

“Am má”

Chúng tôi về xã Khánh Hòa đúng vào ngày Tết Roya của đồng bào dân tộc Chăm Islam (ngày 1-10 Hồi lịch, tức ngày 7-7 Dương lịch). Vừa bước vào đầu xóm đã cảm nhận được không khí nhộn nhịp khi ai cũng mặc những bộ trang phục dân tộc thật đẹp, tinh tươm và khuôn mặt luôn rạng rỡ.

Một tiết mục văn nghệ của cộng đồng người Chăm ở An Giang


Giáo cả Haji Musa năm nay gần 90 tuổi, sức khỏe đã giảm nhiều so với những lần tôi gặp trước đây, nhưng vẫn còn minh mẫn và thông thái lắm. Ông cho biết: Tết Roya chỉ diễn ra một ngày, đó là ngày đầu tiên sau tháng Ramadan - còn được gọi tết của sự yêu thương và tha thứ. Trong ngày Tết Roya, mọi người đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc đẹp nhất mà mình có.

Buổi sáng khoảng 7 giờ, đàn ông, con trai (từ 15 tuổi trở lên) tập trung lại Thánh đường làm lễ, sau đó bắt tay mọi người xin tha thứ lỗi lầm và xóa bỏ những hiềm khích trong năm qua và ai cũng làm như vậy. Cũng trong ngày Tết Roya, mọi người khi ra đường gặp nhau chào hỏi, đều phải nói “Am má” (xin tha thứ) và người kia cũng đáp lại như vậy. Đến khoảng 10 giờ, mỗi nhà phải đem tới Thánh đường một mâm cơm và đàn ông, con trai phải ở lại Thánh đường dùng cơm, còn phụ nữ ăn tại nhà riêng. Khi dùng cơm ở Thánh đường, nhà nào giàu có món ăn ngon thì chia cho mọi người cùng ăn. Những gia đình làm ăn có dư dả trong năm rồi, đến ngày này phải trích ra một khoản tiền lãi (cứ lãi 1 triệu đồng thì trích ra 25.000 đồng) và trực tiếp gặp gia đình nghèo khó để giúp đỡ. Tết Roya năm nay cũng là ngày Thánh lễ của đồng bào Hồi giáo nên giấc trưa mọi người tranh thủ ăn cơm sớm để đúng 12 giờ làm lễ cúng tại Thánh đường. Được biết, rất hiếm khi ngày Tết Roya lại trùng với ngày Thánh lễ...

Trò chuyện với Giáo cả Haji Musa được một lúc thì có một nhóm thiếu nữ Chăm đến chúc tết Giáo cả. Những cô gái dân tộc duyên dáng, thướt tha trong trang phục tunic (áo dài) và maom (khăn che), nhưng maom thì chỉ choàng tóc, quấn vòng quanh cổ chứ không che mặt. Giáo cả giải thích: Dân tộc Chăm vốn không có tập tục đó. Thời Pháp đô hộ, họ ức hiếp đồng bào dân tộc Chăm lắm, cứ thấy con gái đẹp trong xóm là cưỡng hiếp hoặc bắt về làm vợ bé nên để đề phòng, mọi nhà đều cấm con gái chưa chồng ra đường ban ngày và phải che mặt, từ từ rồi quen dần, thành tập tục lúc nào không hay.

Tốt đạo đẹp đời

Theo Giáo cả, thời bây giờ tốt đẹp rồi, che mặt làm gì nữa, để các em, các cháu được thoải mái ra phố, học hành... Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nên cuộc sống của đồng bào dân tộc Chăm ngày càng sung túc. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn hỗ trợ giữ gìn và phát huy những đặc sắc văn hóa dân tộc Chăm, tổ chức giao lưu thể thao, văn nghệ với các dân tộc khác trong tỉnh… Chính vì thế Giáo cả luôn căn dặn đồng bào dân tộc Chăm phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước, không nghe theo những phần tử phá hoại xúi giục, kích động mà chống phá chính quyền.

Xóm người Chăm ở Khánh Hòa có tổng cộng gần 300 hộ với gần 1.500 nhân khẩu (theo số liệu điều tra năm 2015), sinh sống dọc theo bờ sông Hậu khoảng 4km thuộc ấp Khánh Mỹ. Đi một vòng quanh xóm mới thấy được cuộc sống của bà con đã thay đổi, không còn nhà tranh vách lá tạm bợ, có rất nhiều ngôi nhà xây đúc kiên cố, khang trang. Từ Chương trình 134 của Chính phủ, đã cất được 80 căn nhà cho đồng bào dân tộc Chăm, chính quyền địa phương cũng vận động quỹ vì người nghèo, xã hội từ thiện cất thêm được 63 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho các hộ khó khăn về nhà ở. Trong xóm, 100% hộ đã sử dụng điện, nước sạch; 98% hộ là gia đình văn hóa và chỉ còn 10 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,48%; địa phương sẽ hỗ trợ các hộ này cố gắng thoát nghèo trong năm tới. Chú Saleymal, nông dân sản xuất giỏi 5 năm liền, vừa làm ruộng vừa chăn nuôi bò, dê, mỗi năm lãi cũng được hơn 200 triệu đồng, phấn khởi khoe: “Năm nay tôi vui lắm chú à! Vì thấy bà con trong xóm mình không còn khó khăn, mấy cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường và riêng gia đình tôi làm ăn cũng khá hơn”. Chú Saleymal năm nay đã ngoài 60 tuổi, có 5 người con; trong đó, có một người học xong đại học và đang làm việc ở thành phố Long Xuyên, các con còn lại đều đã lập gia đình và có cuộc sống khấm khá. Còn anh Amin, từ cuộc sống khó khăn những năm đầu mới cưới vợ, được vay vốn ngân hàng, chí thú lo làm ăn, chủ yếu là buôn bán nhỏ và bây giờ đã trở thành một “thương gia” của xóm. Anh còn là một “mạnh thường quân” của đội bóng đá trong xóm. Anh Amin tâm sự: “Nhờ chính quyền cho vay vốn làm ăn, vợ chồng tôi mới có được cơ ngơi như ngày nay, giờ thì mình giúp đỡ lại xã hội vậy mà”.

Được biết nơi đây, khi cuộc sống không còn khó khăn nữa, mỗi gia đình tập trung lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Hiện trong xóm có 1 trường mẫu giáo, một trường tiểu học, trường cấp 2 cách đó khoảng 2km, trường cấp 3 cách khoảng 1km. Cả xóm có gần 20 em học đại học, cao đẳng. Cô Meryjá, giáo viên dạy cấp 3 đầu tiên trong xóm Chăm này, bộc bạch: “Bây giờ thấy mấy em được đi học nên vui lắm. Thời của em, con gái mà đi học là chuyện hiếm, chứ nói gì học tới đại học. Lúc đó, ngày nào em cũng năn nỉ gia đình xin được đi học, em muốn chứng minh cho mọi người trong xóm biết là con gái vẫn có thể học đại học và làm việc để giúp đỡ gia đình, để họ thay đổi quan niệm con gái chỉ lo công việc gia đình và có chồng”. Cô Meryjá, hiện là giáo viên dạy môn hóa tại Trường THPT Châu Phú.

Sưu tầm, biên khảo văn hóa Chăm

Chia tay xóm Chăm trong tâm trí tôi luôn hiện lên những điệu múa uyển chuyển của các thiếu nữ Chăm đang ngày đêm tập luyện chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa thể thao, du lịch dân tộc Chăm sẽ diễn ra vào cuối tháng 9 tới và nghe đâu đây tiếng rộn ràng, vang dội trống Baranung. Vui mừng vì xóm Chăm Khánh Hòa ngày nay đã khởi sắc, có những người con ưu tú đang ngày đêm làm việc, học tập để xây dựng quê hương. Điều làm tôi băn khoăn là những người lớn tuổi hiểu biết nhiều về văn hóa, phong tục dân tộc Chăm Islam ngày càng yếu dần. Rồi đây con em người Chăm liệu có còn lưu giữ bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình chăng? Rất cần, những nhà nghiên cứu và lãnh đạo văn hóa bắt tay ngay vào việc sưu tầm, biên khảo một cách có hệ thống những nét truyền thống văn hóa của dân tộc Chăm Islam để bảo tồn và góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

 Cứ 2 năm một lần, vào những ngày cuối tháng 9, cộng đồng người Chăm Islam ở An Giang lại phấn khởi chào đón “Ngày hội Văn hóa thể thao và du lịch dân tộc Chăm” do các xóm Chăm xoay vòng đăng cai tổ chức. Ngày hội là dịp để 9 xóm Chăm trong tỉnh gặp gỡ, tranh tài và giao lưu văn nghệ, thể thao, liên hoan ẩm thực, giới thiệu sản phẩm thổ cẩm… và đây cũng là cách giữ gìn những truyền thống văn hóa tốt đẹp của đân tộc Chăm ở An Giang. Từ ngày hội này, ban tổ chức sẽ chọn ra xóm Chăm tiêu biểu để đại diện cho tỉnh tham dự Ngày hội Văn hóa thể thao và du lịch dân tộc Chăm cả nước.

TRẦN SANG

Tin cùng chuyên mục